Dự báo bão dễ hơn dự báo mưa

24/11/2008 22:32 GMT+7

Gần đây có không ít ý kiến chung quanh vấn đề dự báo thời tiết tại Việt Nam. Chúng tôi đã gửi những câu hỏi liên quan đến TS Trần Tiễn Khanh, chủ nhân mạng dự báo thời tiết www.vnbaolut.com.

* Thưa TS, giữa dự báo bão và mưa, cái nào khó hơn? Vì sao?

- Dự báo lượng mưa rất khó, khó hơn dự báo đường đi của bão. Vì mưa là một hiện tượng tương đối nhỏ so với bão, lệ thuộc nhiều vào địa hình núi đồi, sông suối. Như ngày 22.11, dự báo MM5 (một mô hình dự báo thời tiết) nói có mưa ở Đà Nẵng, và Yahoo cũng dự báo xác suất mưa là 60%. Nhưng có người e-mail cho tôi nói dự báo chưa chính xác. Tôi thấy cần lưu ý là TP Đà Nẵng bao gồm một vùng rộng lớn từ đèo Hải Vân đến Hội An, nên có thể ở quận Hải Châu không mưa nhưng ở Nam Ô lại có. Trong khi đó một cơn bão có thể bao trùm cả miền Trung nên vấn đề dự báo bão dễ dàng hơn nhiều so với dự báo mưa. 

* Đang dùng mô hình dự báo MM5 nhưng vì sao NCHMF (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương) chưa thể đưa ra dự báo mưa 15 ngày như vnbaolut.com của ông?

- Mô hình dự báo như MM5 cần phải có nhiều dữ kiện, càng nhiều càng tốt. Nó lệ thuộc vào mô hình toàn cầu như GFS (Global Forecast System) để làm dữ kiện ban đầu. Nhưng mô hình toàn cầu này chạy rất chậm, dù dùng siêu máy tính (supercomputers) mạnh nhất hiện nay. Vì vậy, GFS của Cơ quan khí tượng Hoa Kỳ chỉ chạy 4 lần/ngày, cập nhật 6 giờ/lần. 

* Thưa, có phải do vậy nên trong dự báo bão số 10 vừa qua, hầu hết các mạng dự báo bị lạc hậu so với sự thay đổi đường đi vào giờ chót của bão trên ảnh mây vệ tinh?

- Đúng vậy! Vì các mô hình chỉ cập nhật mỗi 6 giờ/lần nên trong thời gian đó cần phải sử dụng các hình vệ tinh, radar và dữ kiện ở các đài khí tượng địa phương. Bão số 10 vừa qua là bão xảy ra cuối mùa nên rất khó dự báo. Đa phần các dự báo trong sáng 17.11 đều sai, đúng hơn là không theo kịp tốc độ bão, nhưng nếu lúc đó nhìn các hình vệ tinh có thể tiên đoán chính xác đường đi của bão không vào TP.HCM mà lui lên phía Nha Trang. 

* Vậy cần làm gì để tình trạng này không lặp lại? Căn cứ vào đâu mà T2K (một mạng dự báo khí tượng Philippines) đã kịp có dự báo chính xác về đường đi mới nhất của bão số 10 lúc 11 giờ trưa 17.11?

- Theo tôi, trong thời gian có bão các dự báo viên cần phải túc trực để theo dõi các hình vệ tinh, radar nhằm theo kịp các chuyển động bất thường của bão. Như Cơ quan dự báo khí tượng TSR của Anh do có làm dịch vụ cho các hãng bảo hiểm nên họ cử nhân viên túc trực 24/24 mỗi khi có bão. Vì vậy, TSR có vẻ đúng hơn JTWC - Cơ quan dự báo khí tượng của Hải quân Mỹ dù TSR và T2K cũng dùng các dự báo của JTWC mà thôi. Đây chính là điều tôi hy vọng các đồng nghiệp ở NCHMF sẽ làm trong thời gian tới. 

*Thưa TS, có phải MM5 là mô hình dự báo tiên tiến nhất hiện nay? 

- Hiện nay, tôi đang thử áp dụng một mô hình dự báo mới tên là WRF (Weather Research and Forecast tức Nghiên cứu và dự báo khí tượng). Mô hình thế hệ mới này sẽ thay thế mô hình MM5. Theo các nghiên cứu ban đầu, WRF có độ chính xác cao hơn MM5. Có thể trong thời gian đầu, tôi sẽ sử dụng cả hai mô hình MM5 và WRF để làm dự báo. 

* Đã có không ít lời phê phán về dự báo đường đi của bão số 10, TS nghĩ gì về điều này?

- Đó là điều rất tiếc. Dự báo thời tiết rất khó, không có gì bảo đảm 100%. Chỉ sợ dự báo viên không chú tâm, tận tụy. Vấn đề là chúng ta cùng nhau rút tỉa những bài học, kinh nghiệm. Phê phán bao giờ cũng dễ hơn tìm ra giải pháp cho vấn đề. 

* Xin cảm ơn tiến sĩ.

Đặng Ngọc Khoa  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.