Rắc rối biểu tượng
Mọi việc bắt đầu từ cuối tháng 5.2008, khi Pacific Airlines chuyển sang tên mới là Jetstar Pacific, với sự có mặt của cổ đông nước ngoài là Qantas (Úc). Ngay sau đó, các biển quảng cáo, pa-nô của Pacific Airlines đều được thay đổi màu sắc, biểu tượng giống của Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Airways (do Qantas làm chủ). Các ý kiến lúc đó đều cho rằng, cách quảng cáo của JP khiến người dân không thể nhận ra được, đó là hãng hàng không trong nước, vì logo giống y chang hãng Jetstar Airways (Úc). Giới trong ngành thì nghi ngờ, đây là cách làm mập mờ để Jetstar Airways được khai thác thương quyền bay của Pacific, điều mà luật pháp không cho phép.
Sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã vào cuộc. Văn bản do Phó cục trưởng Lại Xuân Thanh ký ngày 30.5 nêu rõ: "BL (mã vận chuyển của Jetstar Pacific - PV) là hãng hàng không Việt Nam, được cấp quyền vận chuyển hàng không của Việt Nam. Hiện nay, BL đang quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm của mình hoàn toàn dưới biểu tượng "chữ JET và hình ngôi sao" của Jetstar Airways, một hãng hàng không của Australia, mà không kèm theo chỉ dẫn về tên công ty của BL. Việc này không phù hợp với yêu cầu của Cục Hàng không.
Do vậy, Cục Hàng không, yêu cầu BL phải quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm của BL trước hết dưới tên công ty của BL; kể cả trong trường hợp được phép sử dụng biểu tượng kinh doanh của hãng hàng không khác theo quy định về hoạt động nhượng quyền thương mại, BL cũng không được phép chỉ sử dụng biểu tượng kinh doanh của hãng hàng không đó cho quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm của mình, mà không có chỉ dẫn về Jetstar Pacific Airlines".
Sau khi nhận được ý kiến này, JP có thay đổi đôi chút nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên hình ảnh, biểu tượng của hãng hàng không Jetstar (Úc), với "chữ JET và hình ngôi sao".
Ngày 13.6.2008, Cục Hàng không báo cáo sự việc lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT), vẫn khẳng định: "Khi kiểm tra tại các cảng hàng không, sân bay, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, BL vẫn tiếp tục quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm của mình hoàn toàn dưới biểu tượng kinh doanh Jetstar (hoặc chữ Jet và hình ngôi sao)".
Mới đây, Cục Hàng không phải xin ý kiến Bộ GTVT, quyết định không cho phép BL sử dụng các biểu tượng "chữ JETSTAR và ngôi sao màu vàng cam" và "chữ JET và ngôi sao màu vàng cam" trong khai thác vận chuyển hàng không. Lý do: "Việc Jetstar Pacific Airlines sử dụng chữ JET và ngôi sao màu vàng cam gây nhầm lẫn với biểu tượng, thương hiệu của Jetstar Airways của Úc (thuộc Qantas).
Việc sử dụng biểu tượng, thương hiệu này trong quảng cáo, tiếp thị bán sản phẩm vận chuyển hàng không và các thủ tục liên quan khác gây tình trạng Jetstar Airways được quảng cáo là có các chuyến bay trên các tuyến bay nội địa, các tuyến bay quốc tế mà Jetstar Airways không có thương quyền vận chuyển. Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Jetstar Pacific do Bộ GTVT cấp cho JP chưa có biểu tượng "chữ Jetstar và ngôi sao màu vàng cam". Văn bản trên được Cục trưởng Cục Hàng không Phạm Quý Tiêu ký ngày 31.10.2008.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay, JP vẫn chưa có động thái gì trong việc thực hiện yêu cầu của Cục Hàng không.
Có phải Cục Hàng không gây khó?
Để mở rộng mạng đường bay, mới đây JP có văn bản đề nghị Cục Hàng không chỉ định và cấp thêm thương quyền bay quốc tế đến 10 thị trường khác cho JP. Tuy nhiên, Cục Hàng không đã bác đề nghị của JP. Ngay lập tức, JP đã "tố" Cục Hàng không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
JP cho rằng, việc Cục Hàng không không chỉ định và cấp thêm quyền vận chuyển hàng không đến các thị trường quốc tế khác là không phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và không đúng với quyền kinh doanh vận tải hàng không mà Bộ GTVT đã cấp cho JP. Việc JP lâm vào tình trạng vừa không có thương hiệu, vừa không có thương quyền khiến cho nhà đầu tư nước ngoài Qantas hết sức quan ngại về môi trường kinh doanh tại Việt Nam và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nguy cơ rút vốn...
Về phía mình, Cục Hàng không giải thích, vì JP là hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài, nên phải đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ thành viên là người nước ngoài trong bộ máy trong công ty. Hiện tại, tỷ lệ thành viên là người nước ngoài của JP chưa đáp ứng yêu cầu về kiểm soát hữu hiệu hãng hàng không theo quy định của Luật Hàng không dân dụng, Nghị định 76 và các hiệp định hàng không song phương giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ (10 thị trường mà JP có ý định khai thác - PV) để được chỉ định là hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế theo các hiệp định hàng không.
Xuân Toàn
Bình luận (0)