Mỗi ngày Jetstar Pacific lỗ hơn 1,3 tỉ đồng

26/11/2008 23:51 GMT+7

Những tưởng sau khi tái cơ cấu, có nhà đầu tư nước ngoài tham gia cổ phần, Hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) sẽ cất cánh bay lên, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Tình hình kinh doanh của JP đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Mặc dù đã ngừng triển khai một số đường bay trong nước và quốc tế, đàm phán với các công ty cho thuê máy bay để hủy hợp đồng nhưng mọi cố gắng của JP không thể làm giảm được số lỗ mỗi ngày một lớn thêm. Chưa công khai về mức lỗ của hãng, nhưng ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc JP, đã bắt đầu úp mở với báo chí chuyện JP bị lỗ nặng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm 2008 đến nay, trung bình mỗi tháng, JP bị lỗ khoảng 40 tỉ đồng (hơn 2,2 triệu USD), tức hơn 1,3 tỉ đồng/ngày. Mức lỗ này ngày càng có xu hướng tăng lên, tính đến hết tháng 10.2008, số lỗ của JP đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2007.

Nguyên nhân dẫn đến JP bị lỗ không phải do lượng khách giảm, ông Lương Hoài Nam khẳng định như vậy. Ông Nam dẫn chứng trong 10 tháng đầu năm 2008, vận chuyển hành khách của JP tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2007, hệ số ghế đạt 82%, đây là những con số mà các hãng hàng không khác phải nằm mơ mới thấy, nhất là trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng như hiện nay. JP lỗ do chính cung cách kinh doanh của mình gây ra, như tung ra các chương trình quảng bá, giảm giá vé quá lớn, mua nhiên liệu theo Hợp đồng Hedging. Hợp đồng mua nhiên liệu lại được thực hiện với chính Tập đoàn Qantas (Úc) - có 18% cổ phần trong JP. Ngoài lý do về mua nhiên liệu theo Hợp đồng Hedging (tương tự như hợp đồng Future, mua hàng giao sau - PV), số lỗ của JP một phần có thể còn do bị phạt do hủy hợp đồng thuê máy bay…

Ông Lương Hoài Nam cho biết, công ty lỗ thì các cổ đông phải đóng thêm tiền theo tỷ lệ cổ phần nắm  giữ. Hiện tại Tập đoàn Qantas (Úc) đang nắm giữ 18%, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ 75,78% vốn, Tổng công ty du lịch Sài Gòn nắm 6,18% và một cá nhân trong nước nắm 0,04%. SCIC được thành lập với mục tiêu là kinh doanh, bảo toàn và phát triển nguồn vốn của nhà nước, nếu JP tiếp tục lỗ nặng nhưng SCIC không chịu “bơm” thêm vốn thì sẽ có hai kịch bản cho JP, một là phá sản và hai là nếu để tồn tại thì phải cơ cấu lại tỷ lệ nắm giữ vốn của các cổ đông.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.