Tên cầm đầu trong vụ án này là Cho Hee-Pal - 51 tuổi, năm 2004 đã lập ra cái gọi là “Công ty BMC”. Với chiêu bài huy động vốn và mồi nhử là lời hứa hẹn trả lãi suất cao để mua thiết bị y tế rồi cho các bệnh viện, cơ sở tắm hơi và thẩm mỹ viện thuê lại, Cho cùng các đồng sự nấp dưới cái vỏ BMC đã tuyển mộ được hơn 30.000 nhà đầu tư nhẹ dạ - đa số là phụ nữ trung và cao tuổi thiếu hiểu biết về tài chính, góp tổng cộng 3,9 ngàn tỉ won (2,6 tỉ USD). Vụ việc vỡ lở khi cảnh sát mở cuộc điều tra tại hai thành phố Daegu và Daejeon, Cho cùng các đồng phạm bỏ trốn hồi đầu tháng này. Cảnh sát hiện đang truy nã Cho cùng 13 tên khác, sau khi bắt giữ vị “phó” của BMC hôm 24.11 và cáo buộc không giam giữ 103 nhân viên khác. “Đây là vụ lừa đảo kiểu “kim tự tháp” lớn nhất, với tổng số tiền liên quan và số nạn nhân gia tăng rất lớn - phát ngôn viên cảnh sát Daejeon Kwon Duk-Eon nói. Nhiều người đầu tư có thể sẽ không lấy lại được tiền, vì các nhân viên điều tra rất khó lần theo được dấu vết các tài khoản ngân hàng của nhóm lừa đảo của Cho”. “Tôi mất 200 triệu won, bao gồm cả 80 triệu tiền tôi dành dụm được suốt 20 năm qua và 120 triệu vay mượn của 5 người thân - nhật báo JoongAng trích lời kể của một nữ nạn nhân ở Daegu. Hồi tháng hai, một người quen cứ giục tôi đầu tư vào BMC, với lãi suất tới 32% trong 8 tháng”. “Kim tự tháp” là mô hình kinh doanh không hề có sản phẩm hoặc dịch vụ nào, mà chủ yếu thông qua huy động tiền và tuyển mộ thêm ngày càng nhiều người tham gia vào hệ thống. Kiểu kinh doanh này bị coi là phi pháp ở cả Hàn Quốc và nhiều nước khác.
(Theo AFP)
Bình luận (0)