Mưa lũ kéo dài, dân có nguy cơ thiếu đói

29/11/2008 02:23 GMT+7

Bình Định đề nghị hỗ trợ 66,3 tỉ đồng Mưa ngập suốt hơn chục ngày nay, người dân vùng rốn lũ khu đông tỉnh Bình Định đang cận kề với cái đói.

Chơi vơi giữa cánh đồng bạc nước, ông Hồ Nhạc Sơn, đã 70 tuổi, ở thôn Kim Tây, xã Phước Hòa, H.Tuy Phước khó nhọc chèo sõng buông lưới, mong kiếm vài con cá qua bữa cùng với người vợ già. Không riêng gì hộ ông Sơn, nhiều hộ khác cũng làm công việc đầy hiểm nguy như thế. Bên ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, bà Soạn, 55 tuổi, dựng tạm một cái lều che mưa, trông rất đỗi mong manh trong gió. Nghề kiếm cơm của bà giờ đây là đan lưới. Cật lực cả ngày, bà đan được 2 ký lưới, tiền công vỏn vẹn 6.000 đồng. Bà Soạn bảo chừng ấy cũng mua được vài lon gạo cầm cự qua ngày.  Ở thôn Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước, H.Tuy Phước, ông Đào Chung, 62 tuổi, oằn mình chống chọi với cảnh ngập lụt nặng nề. Hơn 10 ngày qua, gia đình ông phải ăn chỉ toàn mì gói; mọi sinh hoạt đều diễn ra trên mấy chiếc sõng tre. Ngày nào bắt được ít tôm cá, ông chèo sõng vượt lũ lên trung tâm thị trấn bán hết lấy tiền mua cơm. Dù chỉ ăn với nước mắm, nhưng ông Chung bảo dẫu sao cũng còn may mắn hơn nhiều gia đình khác. Hai thôn Huỳnh Giản Nam và Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa vẫn bị cô lập, hơn 300 hộ dân lâm cảnh thiếu đói cần cứu trợ khẩn cấp… 

Tại buổi làm việc với ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 28.11, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 17.11 đến nay ở trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại về tài sản ước tính 110 tỉ đồng, có 189 ngôi nhà sập hoàn toàn, 4.198 hộ dân với 17.402 người cần cứu trợ khẩn cấp. Bình Định kiến nghị Trung ương hỗ trợ 66,3 tỉ đồng nhằm ổn định cuộc sống người dân vùng lũ.

Quảng Nam, Quảng Ngãi: nhiều nơi còn bị cô lập

Trong khi đó, ở Quảng Ngãi, H.Tây Trà vào thời điểm chiều 28.11 vẫn đang bị cô lập. Ông Lê Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết gạo dự trữ tại huyện hiện chỉ còn 10 tấn và mỗi xã 2 tấn. Số lượng gạo này chỉ cầm cự được 5 ngày nữa. Nếu tuyến tỉnh lộ 622 không thông kịp thời, thì huyện sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển lương thực, xăng, dầu và các mặt hàng nhu yếu phẩm từ đồng bằng lên. Huyện Tây Trà bị cô lập 3 ngày qua, do điểm sạt lở lớn tại thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm (huyện Trà Bồng), bít tuyến đường giao thông 622 và hiện công tác khắc phục đang gặp rất nhiều khó khăn, vì trên đỉnh đồi nơi sạt lở lại xuất hiện thêm một điểm nứt núi mới, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Trong khi đó, toàn huyện cũng đang bị mất điện và khả năng mất điện sẽ còn kéo dài ít nhất 10 ngày nữa…

Tương tự, H.Nam Trà My (Quảng Nam) cũng vẫn còn 7 xã vùng cao bị cô lập, khiến hoạt động cứu trợ và khắc phục hậu quả lũ lụt gặp rất nhiều khó khăn, hàng ngàn người dân đang đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Toàn bộ 1.000 ha cây lương thực, rau màu của đồng bào bị lũ cuốn trôi sạch; gần 100/450 ha ruộng lúa nước ở ven sông suối của bà con các dân tộc bị sạt lở, bồi lấp không thể canh tác khi vụ sản xuất đông xuân đã đến… Mưa lũ cũng làm đứt 12 chiếc cầu treo tại các xã, việc đi lại của người dân rất nguy hiểm khi phải lội qua sông suối nước chảy xiết.

Quảng Ngãi: Chiều 28.11, báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh cho biết chỉ trong vòng 4 ngày qua (25-28.11), mưa lũ đã làm 4 người chết, 4 người bị thương, 14 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 20 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng. Sáng 28.11, lực lượng cứu hộ sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, đào bới hàng chục ngàn mét khối đất đá đã tìm thấy thi thể cô giáo Huỳnh Thị Kim Yến, giáo viên trường Tiểu học Trà Lãnh, H.Tây Trà bị vùi lấp do sạt lở núi vào trưa 27.11 tại xã Trà Lâm, H.Trà Bồng.

Phú Yên: Trong ngày 28.11, gió đông bắc mạnh cấp 7, giật trên cấp 7 tại các vùng ven biển Phú Yên, dẫn đến tình trạng triều cường xâm thực ăn sâu vào đất liền làm sập và uy hiếp hàng trăm hộ dân các địa phương ven biển Sông Cầu, Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Tình trạng ngập úng vẫn còn trên diện rộng, cô lập nhiều vùng trong tỉnh. Trên tuyến quốc lộ 1A xảy ra nhiều điểm sạt lở, sụt ta-luy dương. Ở đèo Cả (H.Đông Hòa) có 15 điểm sạt lở với khối lượng 80m3 đá và 1.200m3 đất. Những điểm sạt lở nằm ở vị trí cao, dốc thẳng đứng nên rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông trên đoạn đường này.

H.Thuyên - H.Cừ - T. Anh - Đ.Huy - T.Kế

Đ.Phú – H.Trọng

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.