Tiết mục "chạy lợn" cũng đã được biểu diễn cho mọi người xem, trong đó kỷ lục mổ lợn nhanh nhất có 1 phút 50 giây.
Trước đây, lễ hội "chạy lợn" được tổ chức ở làng Duyên Yết từ mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng hàng năm để nhớ lại sự tích dân làng mổ lợn khao quân thần tốc để kịp đánh giặc phương bắc của Cao Sơn đại vương thời Hùng Vương. Sau đó, lễ hội rút gọn, tổ chức 5 năm một lần, vào năm chẵn, vào mùng 7 tháng giêng ở Đình Thượng làng Diền xưa. "Ông lợn" được đem ra "chạy lợn" phải được nuôi hết sức cẩn thận, xưa là lợn đực đen tuyền (nay mới có lợn trắng), không hoen mũi, luôn cho thức ăn tinh, không uế tạp... "Ông lợn" trước lễ hội 10 ngày chỉ cho ăn cháo gạo nếp, mỗi ngày tắm bằng nước thơm và trọng lượng không quá 60kg.
Lễ hội "chạy lợn" được tổ chức công phu, có đoàn rước, cờ quạt, lễ tế... Trước khi "chạy lợn" còn có tiết mục "vật lão" với hai cụ già đẹp lão, khoẻ mạnh trình diễn những đường quyền đẹp, rồi cùng lễ tạ thánh... Mỗi giáp (nay là xóm) sẽ cử hai thanh niên chưa vợ, tất cả là 6 người khiêng 3 con lợn của 3 xóm ra thi. Việc chấm điểm dành cho các bô lão trong làng với những quy ước khá ngặt nghèo như thủ lợn: Phải lấy dưới tai 3 phân, bổ không đứt lưỡi, không gãy hàm, tỉa tai, mũi sạch sẽ, lông thật sạch...
Phần thưởng xưa cho người thắng cuộc là một chai rượu, một cơi trầu, một quan tiền có ý nghĩa tinh thần. Sau khi "chạy lợn" xong, dân làng cũng tổ chức nhiều trò vui khác như đua thuyền, đấu vật, bắt vịt dưới ao, cờ người, thả diều...
Việc bảo tồn lễ hội "chạy lợn" gồm nhiều bước như xây dựng kịch bản lễ hội, thu giữ những nét độc đáo, tính ngẫu hứng của lễ hội xưa, làm phim tài liệu, băng video... để giữ gìn giá trị văn hoá phi vật thể, quảng bá rộng rãi cho đông đảo mọi người biết.
Theo Việt Văn (Lao Động)
Bình luận (0)