Đào tạo điện ảnh Việt Nam: Báo động về tính chuyên nghiệp

01/12/2008 23:23 GMT+7

Một cựu học viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (SKĐA HN), nay là một nhà báo đã phải nói thẳng: Bốn năm ở trường điện ảnh ư? Phải gọi đó là bốn năm lãng phí!

Đào tạo không giáo trình chuyên nghiệp

Khó có thể đào tạo một nghề về nghệ thuật tổng hợp như điện ảnh nếu thiếu các yếu tố cực kỳ quan trọng: hệ thống giáo trình chuẩn, giảng viên giỏi nghề, cầu thị và luôn cập nhật kiến thức mới, mô hình thực hành nghiêm túc. Thế nhưng, điểm yếu nhất của trường ĐH SKĐA HN là ngay từ đầu đã tạo cho sinh viên một ấn tượng thiếu nghiêm túc: nghi ngờ sự công bằng trong xét tuyển, từ đó tạo ra thói quen khinh suất trong một nghề hoạt động nghệ thuật nhưng không thể thiếu tính chính xác khoa học. Chẳng hạn có học sinh suốt thời phổ thông chỉ đạt điểm 2-3 môn văn (liệu có thể trở thành biên kịch hoặc đạo diễn) mà vẫn thi đỗ điểm cao vào trường.

Điều bất cập nữa, sinh viên được tuyển từ học sinh phổ thông, nghĩa là chưa có kiến thức cùng vốn sống, nên việc sàng lọc những người thực sự có tố chất, năng khiếu làm nghề càng trở nên quan trọng. Đã thế, giáo trình của trường hiện nay vẫn là giáo trình được dịch không chính thức (từ thời Liên Xô cũ) và một số sách khác (được dịch khá ẩu) từ nhiều nguồn khác nhau. Một thư viện điện tử với sách và phim là không thể thiếu nhưng ở đây lại rất nghèo nàn.

Nhà quay phim Hoàng Tấn Phát (một trong rất ít giảng viên có chuyên môn quay phim của khoa Điện ảnh) chia sẻ: “Đúng là đến giờ vẫn chưa có giáo trình cho sinh viên điện ảnh. Nhà trường chỉ đang động viên một số người ngồi viết (như nhà quay phim Trần Quốc Dũng, nhà biên kịch Đoàn Tuấn) và chưa biết đến khi nào mới có”.

Cho dù ngân sách dành cho điện ảnh không nhiều, nhưng không thể để chính nơi đào tạo người làm điện ảnh chuyên nghiệp cứ hoạt động như thể xây nhà từ nóc như hiện nay. Việc sử dụng ngân sách có hiệu quả không là chuyện rất quan trọng, vì ở trường ĐH SKĐA HN dù máy móc không thiếu nhưng lại cứ... để trong kho, sinh viên không mấy khi được sờ đến. Sinh viên vẫn còn nhắc nhau chuyện trường đã để hỏng cả ngàn mét phim negative vì để mãi trong kho.

Cử nhân nghệ thuật thiếu cả kỹ năng của nhân viên bấm hình

Học điện ảnh nhưng sinh viên không được thực hành trên phim nhựa; học quay phim thì theo bài bản của phim nhựa nhưng lại làm việc trên video; trong khi lại không được học về video đến nơi đến chốn. Vì thế, có nhiều sinh viên quay phim chuẩn bị tốt nghiệp nhưng vẫn lúng túng với kỹ thuật cân bằng trắng, không biết bố cục hình, không đặt được góc máy thích hợp, không có cảm nhận tốt về màu sắc... 4 năm được đào tạo ở trường ĐH SKĐA HN, nhưng khi cầm trong tay tấm bằng Cử nhân Nghệ thuật, thậm chí họ vẫn yếu trong kỹ năng tối thiểu của một kỹ thuật viên bấm hình.

Một nghịch lý nữa là những người còn sung sức và đang làm nghề, có tài năng và kinh nghiệm thì lại không có thời gian để giảng dạy cho sinh viên. Những giảng viên có nhiều giờ dạy nhất ở trường lại thường là người thiếu kỹ năng thực tế. Thầy còn thiếu kinh nghiệm thì nói gì đến trò. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu giảng viên đó không đủ tài năng và không chịu cập nhật kiến thức hiện đại. Có thể ví, họ giống như cái chậu sắt gỉ úp lên một mầm cây, tước mất khả năng lớn lên một cách lành mạnh, làm nó bị què cụt thay vì giúp nó phát triển một cách tự do.

Được đào tạo bài bản, sinh viên như được trao chìa khóa để làm nhiều việc, còn hiện nay, sinh viên ra trường chủ yếu đi làm cho truyền hình, bởi yêu cầu của truyền hình Việt Nam thường chưa cao, có thể nói là đơn giản.

Trường ĐH SKĐA HN là cơ sở đào tạo điện ảnh lớn nhất nước ta nhưng cách đào tạo cho đến thế kỷ 21 mà vẫn còn như ở thập niên 1980... Đó là thực trạng đáng báo động nếu muốn nâng cấp ngành điện ảnh hiện đang quá èo uột.

 

Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tôi nghĩ ở Việt Nam hiện nay cấp độ và hình thức đào tạo điện ảnh và truyền thông đều chưa đầy đủ, không có nhiều lựa chọn cho người học. Những bạn trẻ cần được học trong một môi trường có thể tự do bộc lộ khả năng sáng tạo, được vận dụng kiến thức mới, làm chủ những công nghệ mới và áp dụng bằng thực hành như một phần của quá trình đào tạo. Sự phân chia lao động trong lĩnh vực điện ảnh và truyền thông sẽ trở nên đa dạng trong thế kỷ 21, nhưng chìa khóa quan trọng nhất vẫn nằm ở kinh nghiệm và óc sáng tạo. Tôi tin rằng, một bước đi quan trọng là có bộ môn về điện ảnh và truyền thông cho sinh viên tất cả các trường đại học và cao đẳng khác ở Việt Nam. Xét trên khía cạnh này, khái niệm đào tạo có thể rất hữu ích bởi vì nó tạo ra một áp lực về chất lượng của giảng viên...” - Tiến sĩ Dean Wilson - Tư vấn chuyên môn cho Dự án đào tạo điện ảnh tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội do quỹ Ford tài trợ

Cát Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.