Hạ huyết áp không dùng thuốc

02/12/2008 09:29 GMT+7

Hiệu quả gộp chung khi điều trị tăng huyết áp mà không dùng thuốc là giảm mức huyết áp 10-30 mmHg. Nhiều bệnh nhân đạt được sự ổn định huyết áp chỉ bằng biện pháp này mà không dùng thuốc chống tăng huyết áp hoặc dùng với liều thuốc rất thấp.

Điều trị tăng huyết áp bằng biện pháp không dùng thuốc bao gồm: thay đổi chế độ ăn, giảm cân, cai thuốc lá, giảm căng thẳng, giảm uống rượu, tập thể lực thường xuyên. Khi thực hiện từng yếu tố này đều có tác dụng làm giảm huyết áp, tuy nhiên hiệu quả hạ áp là cao nhất khi chúng được phối hợp với nhau.

Thay đổi chế độ ăn không những giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn mà còn giúp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp. Để có một chế độ ăn hợp lý, người bệnh cần được bác sĩ xem lại chế độ ăn hiện tại. Từ đó đề ra chế độ dinh dưỡng phù hợp và người bệnh thực hiện từ từ. Thay đổi chế độ ăn bao gồm: ăn kiêng muối, giảm uống rượu, ăn nhiều rau và trái cây, giảm chất béo, ăn nhiều cá và hạn chế cà phê.

Bớt muối, bớt bia

Muối ăn còn gọi là natriclorua, khi ăn nhiều muối, natri trong muối sẽ làm cơ thể giữ nhiều nước và thành mạch bị khô cứng dẫn đến tăng huyết áp. Chế độ ăn giảm natri làm giảm huyết áp ở người tăng huyết áp và người tiền tăng huyết áp (từ 120/80 đến dưới 140/90 mmHg). Ăn giảm natri cũng làm giảm khả năng tái phát ở người đã ngừng thuốc chống tăng huyết áp. Ở những người mỗi ngày có thói quen dùng 4.000mg natri khi giảm xuống 2.000mg sẽ làm huyết áp giảm 2-3 mmHg, sau vài năm sẽ giảm trên 10 mmHg. Đồng thời cũng giảm luôn các biến chứng tim mạch, giảm cân, giảm nguy cơ sỏi thận và loãng xương, giúp thuốc kiểm soát huyết áp tác dụng tốt hơn.

Theo khuyến cáo, người tăng huyết áp không nên ăn quá 2.400mg natri mỗi ngày (khoảng 6 gam muối ăn). Việc giảm lượng muối ăn đột ngột sẽ làm người bệnh khó chịu vì ăn không ngon miệng, vì vậy giảm một cách từ từ. Hiệu quả của chế độ ăn giảm muối trên huyết áp là rõ ràng sau sáu tuần.

Mỗi suất rượu tương đương 15 gam cồn (ethanol), một lon bia hay một ly rượu vang. Những người uống hơn hai suất rượu mỗi ngày dễ tăng huyết áp gấp hai lần so với người không uống. Mức độ tăng huyết áp tùy thuộc lượng rượu uống, huyết áp tăng nổi trội khi uống trên năm suất rượu mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu uống hằng ngày dưới hai suất rượu thì chính rượu lại có tác dụng bảo vệ tim mạch, nhất là rượu vang đỏ, dù rằng trước đó bạn có mắc bệnh tim mạch hay không. Phụ nữ hoặc người gầy chỉ uống bằng phân nửa so với người bình thường.

Rau và trái cây giúp làm giảm huyết áp. Một nghiên cứu cho thấy những người tăng huyết áp mức độ nhẹ khi ăn nhiều rau và trái cây sẽ có mức huyết áp thấp hơn khi họ ăn ít các loại này. Chính chất xơ trong rau và trái cây giúp làm giảm huyết áp. Một nghiên cứu cho thấy khi ăn mỗi ngày 11,5 gam chất xơ sẽ làm giảm huyết áp từ1,2-1,3 mmHg, mức huyết áp còn giảm nhiều hơn nữa ở người tăng huyết áp và trên 40 tuổi. Chế độ ăn giàu chất xơ còn mang lại nhiều lợi ích khác về sức khỏe như giảm lượng mỡ trong máu, nhuận trường và giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường.

Thêm cá, đi bộ

Theo một nghiên cứu, chỉ ăn cá hai lần mỗi tuần cũng đủ làm giảm 50% các biến chứng tim mạch. Ăn nhiều cá làm giảm huyết áp, nếu kết hợp với giảm cân sẽ còn làm giảm huyết áp nhiều hơn nữa (từ 133/77 xuống 119/68 mmHg), gấp hai lần so với chỉ ăn cá hoặc giảm cân đơn thuần.

Cà phê làm tăng nhẹ huyết áp thoáng qua ở một số người. Uống cà phê mức độ vừa phải không làm tăng nguy cơ tăng huyết áp ở đa số người. Theo kết quả phân tích của 18 thử nghiệm lâm sàng cho thấy uống cà phê thường xuyên sẽ làm tăng huyết áp tâm thu và tâm trương với mức độ tương ứng là 1,2 và 0,49 mmHg.

Tập thể lực thường xuyên có thể làm giảm huyết áp từ 5-15 mmHg ở những người tăng huyết áp nguyên phát. Tập thể lực còn giúp cải thiện sức khỏe nói chung và ngừa bệnh đái tháo đường. Đi bộ là phương pháp tập thể lực được ưa chuộng, đi tối thiểu 45 phút mỗi ngày và ít nhất năm ngày trong tuần.

Thừa cân làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và biến chứng bệnh tim mạch. Béo phì làm tăng huyết áp trở nên khó kiểm soát. Khi trọng lượng cơ thể giảm 1kg sẽ làm giảm huyết áp 1 mmHg. Giảm cân còn giúp làm giảm lượng mỡ trong máu, ngừa bệnh đái tháo đường, người bệnh cảm thấy khỏe hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Theo BS Ng. Thanh Hải
(BV cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM/Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.