Mỹ suy thoái từ tháng 12.2007

02/12/2008 15:17 GMT+7

Hạ viện Mỹ thúc đẩy dự luật kích thích kinh tế trị giá 500 tỉ USD Cơ quan quốc gia về nghiên cứu kinh tế (NBER) ngày 1.12 chính thức thông báo nước Mỹ đã bước vào suy thoái kinh tế kể từ tháng 12.2007. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ ngày càng gia tăng, ngành công nghiệp tài chính vẫn lao đao bất chấp việc thực hiện gói cứu trợ kinh tế trị giá 700 tỉ USD của Chính phủ Mỹ.

Theo báo cáo của NBER, kinh tế Mỹ bắt đầu bước vào thời kỳ khó khăn từ cuối năm ngoái. Trong nhiều tháng qua, nhiều nhà kinh tế đã thường sử dụng từ "suy thoái" (recession) một cách khá thoải mái khi nói về ''sức khỏe'' của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

NBER cho rằng chu kỳ tăng trưởng mạnh của kinh tế Mỹ bắt đầu từ tháng 11.2001 đã chính thức chấm dứt vào tháng 12.2007 và nền kinh tế đầu tàu thế giới bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái.

Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nước Mỹ cũng trải qua chu kỳ tăng trưởng kéo dài 10 năm trước khi rơi vào suy thoái từ tháng 3.2001. Hai giai đoạn suy thoái gần đây nhất đều kéo dài 8 tháng: lần một từ tháng 7.1990-3.1991, lần hai từ tháng 3 - 11.2001. Đợt suy thoái dài nhất xảy ra trong thế kỷ 20 chính là cuộc "Đại suy thoái" kéo dài từ tháng 8.1929 đến tháng 3.1933.

Theo định nghĩa cổ điển, một nền kinh tế chính thức rơi vào suy thoái nếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp. Tuy nhiên, NBER lập luận rằng suy thoái là sự giảm sút đáng kể của các hoạt động kinh tế trên mọi lĩnh vực, diễn ra trong nhiều tháng, thường biểu hiện rõ trong hoạt động sản xuất, tình hình việc làm, thu nhập thực tế và các chỉ số kinh tế khác.

Cơ quan này dựa vào 4 chỉ số hoạt động kinh tế được tiến hành đo hàng tháng để thiết lập biểu đồ đầy đủ nhất thay vì chỉ căn cứ trên GDP. Theo phương pháp này, chỉ số việc làm trong nền kinh tế Mỹ đã đạt tới đỉnh điểm trong tháng 12.2007 và sau đó hàng tháng đều giảm. Thu nhập thực tế của các hộ gia đình đã đạt mức đỉnh vào tháng 12.2007, tiếp đó lên xuống thất thường (nhưng luôn ở mức thấp hơn mức đỉnh điểm) và từ tháng 6.2008 đến nay liên tục giảm. Doanh số bán lẻ và dịch vụ cũng đã leo lên mức đỉnh vào tháng 6.2008 rồi lao dốc. Cuối cùng là sản lượng công nghiệp với chỉ số tăng trưởng cao nhất diễn ra cách đây đã 11 tháng.

Căn cứ vào những số liệu trên, NBER kết luận rằng mặc dù GDP của Mỹ trong quý I/2008 tăng 1% song vẫn bị xem là quý suy thoái và điều tương tự cũng xảy ra trong quý tiếp theo bất chấp việc GDP bất ngờ tăng vọt 2,8%. Trong quý III, nền kinh tế Mỹ đã tụt dốc 0,5%. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs và Morgan Stanley ở Phố Wall nằm trong số những người dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ thụt lùi 5% trong quý IV này.

Theo các chỉ số công bố cuối tháng 11, tăng trưởng của Mỹ đã giảm 0,5% vào quý III năm nay, mạnh hơn dự kiến 0,3% trước đó. Sản xuất công nghiệp tại Mỹ trong tháng 11 đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 26 năm qua. Hoạt động kinh tế khó khăn, đặc biệt là ngành chế tạo ôtô - cột sống kinh tế Mỹ - đang bị thua lỗ đến mức phải cầu cứu chính phủ trợ giúp. Thất nghiệp tăng lên đến 6,5%, tỷ lệ cao nhất trong 14 năm qua. Nền kinh tế đã mất 1,2 triệu việc làm trong năm nay. Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất từ 28 năm qua khiến sức mua liên tục giảm ở mức kỷ lục: 3,7% trong quý III/2008, và có thể giảm đến 5% trong quý IV, trong khi mức đầu tư của các doanh nghiệp cũng tuột dốc.

Một loạt số liệu kinh tế tồi tệ như vậy cộng với những đánh giá bi quan của các nhà kinh tế về triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2009 khiến NBER chưa thể xác định chu kỳ suy thoái lần này kéo dài bao lâu và khi nào Mỹ sẽ bước sang thời kỳ tăng trưởng tiếp theo. Ngày càng nhiều nhà kinh tế dự đoán suy thoái kinh tế Mỹ lần này sẽ là một đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh, tạo áp lực cho các nhà hoạch định chính sách phải giữ tỉ lệ lãi suất thấp và đẩy mạnh kế hoạch kích thích kinh tế.

Trong bối cảnh đó, các thống đốc bang và các nhà lập pháp Mỹ đã yêu cầu Quốc hội nước này cần hành động nhanh chóng đối với dự luật về viện trợ và tạo công ăn việc làm. Ngày 1.12, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã gặp gỡ các thống đốc bang hàng đầu để thảo luận về dự luật gói kích thích kinh tế có trị giá lên tới khoảng 500 tỉ USD. Bà Pelosi bày tỏ hy vọng dự luật tạo công ăn việc làm sẽ được chuẩn bị sẵn sàng để Tổng thống đắc cử Barack Obama ký thành luật khi ông tuyên thệ nhậm chức ngày 20.1.2009.

Một cố vấn của đảng Dân chủ giấu tên cho biết dự luật này sẽ bao gồm các khoản cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, đầu tư hàng tỉ USD cho việc xây dựng đường sá, cầu cống, tăng cường vốn cho các tiểu bang và đầu tư vào các nguồn năng lượng tái chế.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.