“Nếu được mời làm cố vấn...”
Cụ thể đó là cần chuyển từ một nền kinh tế dựa trên lợi thế về lao động giá rẻ sang nền kinh tế có năng suất và chất lượng lao động cao. Theo Giáo sư Michael Porter, trong hệ thống chuỗi giá trị toàn cầu, VN đã có một vị trí nhất định và có khả năng cạnh tranh dựa trên 2 yếu tố nhân công chi phí thấp và tài nguyên thiên nhiên.
Chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Giáo sư Michael E.Porter, nhà quản trị có ảnh hưởng lớn đối với thế giới hiện nay, đang thăm và làm việc tại nước ta. Thủ tướng hoan nghênh giáo sư đến thăm, chủ trì cuộc hội thảo quốc tế "Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế của VN", đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu cũng như hiểu biết của giáo sư đối với sự phát triển nền kinh tế VN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham vấn Giáo sư Michael E.Porter về những ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu đối với nền kinh tế VN, tiếp cận trong đầu tư kết cấu hạ tầng và giáo dục-đào tạo... TTXVN |
Tuy nhiên điều này sẽ không còn là lợi thế của VN trong 20-30 năm tới. Vấn đề ở đây không phải là làm việc chăm chỉ hơn mà cần làm việc thông minh hơn. Và trong bối cảnh mới, VN cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, các yếu tố về giao thông vận tải, về cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm để có thể nâng cao giá bán của các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa của VN, Giáo sư Michael Porter nói.
Đưa ra ví dụ về cà phê, theo Giáo sư Michael Porter, nhờ vào sự cần cù của người nông dân và môi trường, VN đã trở thành một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới. Tuy nhiên chất lượng cà phê chưa được tốt làm giá bán chưa được cao.
Theo Giáo sư Michael Porter, nếu được mời làm cố vấn cho Chính phủ VN thì việc đầu tiên mà ông sẽ làm đó là đề nghị thành lập một hội đồng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mời các nhà lãnh đạo có uy tín đến để đưa ra những cơ chế chính thức về đối thoại nhằm hình thành một chiến lược cạnh tranh quốc gia ở VN.
Tất nhiên, bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề chi tiết liên quan đến những lĩnh vực mà VN cần làm tốt hơn để cải thiện năng lực của mình. "Điều chính yếu là giữa các bộ ngành, các bên tham gia liên quan cần có tầm nhìn chung mà hiện nay tôi thấy tầm nhìn này ở VN chưa thực sự rõ ràng", giáo sư nhận xét.
Cần một chiến lược ở cấp quốc gia cho cảng biển
Cũng theo Giáo sư Michael Porter, hiện nay tình trạng phân cấp hóa quá nhiều dẫn đến việc mỗi địa phương ở VN tự hoạch định và xây dựng những cơ sở hạ tầng riêng của mình cũng là một vấn đề bất cập. VN có khoảng 20 cảng biển nhưng con số này chưa nói lên điều gì về lợi thế cạnh tranh của VN. "Tôi nghĩ cần có một chiến lược ở cấp quốc gia để có thể thiết kế những cảng biển đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho VN.
Giáo sư Michael Porter trao đổi với các nhà hoạch định chính sách, học giả tại Hà Nội ngày 2.12 - Ảnh: Trường Sơn |
Ví dụ như VN có thể xác định 3, 4 cảng biển tốt nhất cho mình. Bên cạnh đó cũng cần thiết lập những mạng lưới đường bộ liên kết để đảm bảo các địa phương ở VN có thể kết nối với các cảng biển này. Đồng thời cũng cần quan tâm đến sự kết nối trong khu vực, đặc biệt là ở Lào, Campuchia vì các quốc gia này có thể tận dụng các cảng biển của VN để vận chuyển hàng hóa", Giáo sư Michael Porter nhận định.
Vị giáo sư đến từ Mỹ đưa ra nhận xét, trong hai thập kỷ qua, VN đã có một tốc độ tăng trưởng ấn tượng và đã trở thành một bài học thành công. Tuy nhiên những cải cách hiện nay ở VN vẫn còn khá bị động và chưa đủ để đưa VN thoát khỏi danh sách những quốc gia có thu nhập thấp. Trong thời gian tới, cải cách ở VN cần phải chuyển sang cấp độ mới và cần có một con đường riêng. Giáo sư cho rằng, những cải cách ở VN hiện nay về bản chất là do những tác động bên ngoài tạo ra. “VN cần có sự thay đổi sao cho cải cách xuất phát từ nhân tố trong nước để phát triển mở hơn”, ông nói.
Trường Sơn
Bình luận (0)