Theo thông tin được công bố tại buổi họp báo về kết quả cuộc họp chiều qua: 11 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 600 nghìn tỉ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, sản lượng lúa đạt 8,9 triệu tấn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng đạt trên 10 tỉ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2007.
Huy động vốn từ nền kinh tế 11 tháng tăng 16,3%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm trong những tháng gần đây. Cụ thể tháng 11 ước đạt 4,8 tỉ USD, giảm 4,8% so với tháng 10.2008. Bộ Công thương nhận định, xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn để có thể đạt được chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2009 ở mức 72 tỉ USD mà Quốc hội đưa ra. Bên cạnh những khó khăn, năm 2009 cũng có những thuận lợi cho phát triển sản xuất như giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu đầu vào giảm mạnh 30 – 50% so với năm 2008 như sắt thép, phôi thép, phân bón.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin có thể lùi thời điểm đánh thuế thu nhập cá nhân đến tháng 7.2009, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu việc giảm, giãn một số đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tuấn bác bỏ thông tin lùi thời điểm thu thuế đến tháng 7.2009. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thanh Niên, dấu hiệu suy giảm kinh tế đã xuất hiện, Chính phủ có lùi thời điểm tăng giá điện? Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang khẳng định: Lộ trình tăng giá điện sẽ vẫn được triển khai theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, ông Quang không tiết lộ về phương án tăng giá cụ thể mà Tập đoàn Điện lực VN và Bộ Công thương trình Chính phủ. |
Sau khi nghe báo cáo, thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận, trong tháng 12 và thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung mọi nỗ lực, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. 5 giải pháp trọng tâm ngăn chặn sự suy giảm kinh tế được Thủ tướng lưu ý bao gồm:
Thứ nhất: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó, có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cho những người trực tiếp sản xuất, nhất là đối tượng nông dân, người nghèo về chính sách thuế, vay vốn ngân hàng, hoãn nợ, giãn nợ ngân hàng, hỗ trợ về cây, con giống...
Thứ hai: Đẩy mạnh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, kích cầu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tiếp tục giải ngân nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn ODA. Ứng trái phiếu Chính phủ 1.500 tỉ để nạo vét kênh mương sau mưa lũ. Trích khoản ngoại tệ trong nguồn dự trữ ngoại hối để đáp ứng những nhu cầu cấp bách. Tiếp tục giải ngân các dự án hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba: Thực hiện chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt hiệu quả nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, kích cầu đầu tư tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Ngân hàng nhà nước xác định tỷ giá, lãi suất phù hợp; thực hiện các biện pháp để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; coi việc điều chỉnh linh hoạt về chính sách lãi suất, chia sẻ, hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị của ngân hàng thương mại nhà nước. Bộ Tài chính nhanh chóng đề xuất các loại thuế có thể được miễn, giảm, giãn để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ tư: Tiếp tục thực hiện sâu rộng chính sách an sinh xã hội. Ngay từ đầu năm 2009 cần khẩn trương rà soát, xây dựng, và thực hiện các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho 61 huyện nghèo nhất nước; triển khai bảo hiểm thất nghiệp; không để tình trạng thiếu đói ở những vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.
Thứ năm: Quyết liệt, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả trong tổ chức chỉ đạo, điều hành cho phù hợp với tình hình mới. Trong đó, tập trung vào việc chủ động về công tác dự báo, phân tích; đặt nhiệm vụ dự báo là việc làm thường xuyên, liên tục của các ngành, các cấp, các tổ chức nghiên cứu khoa học... “Quyết liệt hơn nữa việc cải cách các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để giải phóng nhanh nguồn vốn cho xây dựng”, Thủ tướng yêu cầu.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đã nhất trí tăng thẩm quyền quyết định đầu tư trong việc thực thi quyền chỉ định thầu, hoặc đấu thầu đối với từng loại công trình. Đối với dự án dưới 5 tỉ đồng liên quan đến y tế, giáo dục ở vùng xa vùng sâu, không cần chỉ định thầu mà phân cấp cho nhà đầu tư tự quyết định.
Xuân Toàn - Xuân Danh
Bình luận (0)