Cứ ồn ào rồi lặng lẽ...
Trong chương trình m nhạc của tôi tháng 11, sau khi Hồ Ngọc Hà biểu diễn ca khúc tự sáng tác Thêm một lần tan vỡ, thì trên mạng bắt đầu xôn xao cho rằng “Hồ Ngọc Hà đạo nhạc”. Một trang web đưa hẳn ca khúc này và bài hát được cho là “nguyên bản” mà Hà copy từ đó - Red Blooded Woman để tiện bề so sánh.
Quả thực, ai nghe đều nhận ra bản phối thì gần như giống nhau, chỉ khác một chút trong giai điệu. Riêng Hà, cô lên tiếng cho rằng, học hỏi thì có học hỏi, nhưng nói là copy thì không bao giờ, còn chuyện sáng tác dựa trên bản phối của ca khúc khác thì nhiều nhạc sĩ ta vẫn làm đấy thôi.
Về chuyện này, nếu tác giả của Red Blooded Woman không... gửi đơn sang VN kiện (vì xưa nay, phải có đơn kiện của người bị đạo nhạc, các cơ quan hữu quan mới vào cuộc), chắc chắn vụ việc rồi cũng sẽ dần im thin thít, như nhiều trường hợp trước đây, và sự hoang mang của dư luận - có đạo thật không, ai đạo ai... vẫn cứ bị bỏ lửng.
Như vụ rùm beng của Vầng trăng khóc vừa qua, cư dân mạng - người yêu nhạc bảo Nguyễn Văn Chung đạo nhạc của Thái, Lào, còn tác giả thì khăng khăng đòi... kiện ngược lại những nhạc sĩ của Lào, Thái. Ồn ào một thời gian, rồi cũng lặn mất tăm, chẳng biết kết quả ra sao, vì chẳng hội nghề nghiệp hay cơ quan quản lý văn hóa nào đứng ra thẩm định.
Đã từng có rất nhiều vụ kiện tụng, ồn ào quanh chuyện đạo nhạc, nhưng hầu hết chẳng đi tới đâu, nên cuối cùng thường được kết luận: nhạc sĩ, ca sĩ, người viết nhạc làm ồn lên để PR cho mình, hoặc báo chí “phanh phui” để tạo sự kiện.
Trách nhiệm giải quyết thuộc về ai?
Nào phải việc thẩm định quá khó khăn. Trường hợp ca khúc Mưa của Minh Vương - Mạnh Ninh là một ví dụ. Ca khúc này đoạt giải trong Bài hát Việt 2008, nhưng bị khán giả trên mạng cho là nhạc “đạo”. Sự vụ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của sân chơi Bài hát Việt, nên sau đó Ban tổ chức vào cuộc. Tuy nhiên, khi cuộc họp để giải quyết vấn đề chưa triển khai thì tác giả đã kịp trả lại giải thưởng (và trắng đen đã rõ).
Cứ sau mỗi vụ đạo nhạc, khi dư luận ồn lên và báo chí phản ánh, câu trả lời thường thấy của đại diện các hội nghề nghiệp hay cơ quan chức năng là: “...hạn chế nạn đạo nhạc được hay không phụ thuộc vào ý thức đạo đức và lòng tự trọng của người sáng tác”. Đó là một chuyện. Nhưng, nếu nói hoài, nói mãi mà ý thức ấy vẫn (vô tình hoặc cố ý) thiếu, lẽ nào chúng ta cứ để tình trạng xói mòn niềm tin trong khán giả lẫn bạn bè các nước về thực tế sáng tác của âm nhạc nước mình trôi tuột theo?
Về việc thẩm định các nghi án đạo nhạc, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phó tổng thư ký Hội m nhạc TP.HCM cho biết: “Nếu người đạo nhạc là hội viên của hội, thì hội sẽ cử Ban kiểm tra để xem xét, giải quyết theo điều lệ của hội. Những nhạc sĩ không thuộc hội, họ sẽ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, công luận và cơ quan quản lý nhà nước sẽ có biện pháp giải quyết”.
Tương tự, ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (phía Nam) bày tỏ: “Nhạc sĩ nào bị đạo nhạc, muốn được trung tâm bảo vệ thì gửi văn bản đầy đủ để chúng tôi có cơ sở xứ lý. Nếu cần ra tòa, trung tâm sẵn sàng đồng hành cùng họ. Nhưng cơ bản, tài sản của họ thì họ phải tự biết cách bảo vệ trước”.
Đại diện Sở VH-TT-DL TP.HCM, ông Võ Trọng Nam - Trưởng phòng Quản lý văn hóa cũng cho rằng: “Chỉ khi có đơn thưa chính thức, cơ quan quản lý mới vào cuộc. Còn lại, nếu ca khúc bị cho là đạo nhạc không đi qua hệ thống cấp phép của Sở (mà qua các kênh truyền hình, truyền thanh...) thì trách nhiệm thuộc về hội nghề nghiệp”.
Thật đáng buồn khi những hội nghề nghiệp và cơ quan quản lý văn hóa - những nơi có đủ trình độ chuyên môn và uy tín để thẩm định lại cứ như “người ngoài cuộc” đối với cái nghi án đạo nhạc trong nước, mặc cho khán giả tiếp tục mò mẫm tìm thông tin, mặc cho uy tín người sáng tác bị ảnh hưởng và niềm tin của người yêu nhạc dần mất đi. Một nhạc sĩ trẻ thừa nhận, lối suy nghĩ cứ thấy ca khúc nhạc trẻ Việt Nam nào hay thì nghi ngờ “chắc bài này đạo nhạc nước ngoài quá” đã ăn vào khán giả mất rồi, chỉ tại những “nghi án” không có lời kết!
Nguyên Vân
Bình luận (0)