Cai nghiện game online - Kỳ cuối: Ai là bà đỡ?

04/12/2008 08:56 GMT+7

Trong báo cáo về “Thị trường game online VN” tháng mười một vừa qua, Công ty tư vấn, nghiên cứu về Internet và công nghệ Pearl Research (trụ sở tại San Francisco, Mỹ) dự báo đến năm 2011, số lượng người chơi game online VN sẽ vượt qua con số 10 triệu.

Dự báo cho thấy thực trạng và thị trường game online ở nước ta đang nóng lên, vì vậy cai nghiện game càng trở nên cấp bách.

Game online: thực trạng đáng sợ

Trong số 20,2 triệu người sử dụng Internet ở nước ta chỉ có 30% là đọc báo và tìm kiếm thông tin, nhưng đến 53% là chat và chơi game. Con số của dịch vụ thông tin & tư vấn trực tuyến (O.I.C) của Công ty VinaGame cũng cho thấy nước ta có khoảng 4 triệu người thường xuyên chơi game online.

Cũng theo báo cáo “Thị trường game online VN”, số lượng máy tính và Internet ngày càng nhiều cùng với số lượng lớn dân số là người trẻ khiến thị trường game trực tuyến phát triển mạnh. Thậm chí các chuyên gia còn cho biết thị trường game online của VN chỉ trị giá khoảng 5 triệu USD vào năm 2005 nhưng nay được dự đoán tăng gấp 10 lần. Một lần nữa hồi chuông báo động về sự tấn công ồ ạt của game online lại gióng lên.

Ở những cường quốc game online thì sao? Ở Trung Quốc, ước tính khoảng 4 triệu người nghiện game, tỉ lệ thiếu niên nghiện Internet hiện khoảng 10% tổng số người sử dụng mạng dưới 18 tuổi. Về phía chính phủ, động thái đầu tiên để hạn chế sự phát triển của game online là ban hành quy chế hạn chế giờ chơi (nhưng hầu như đều bị các doanh nghiệp làm lơ).

Đồng thời chính phủ cũng lập ra các bệnh viện cai nghiện game như “Trường giải cứu Internet Jump Up” (Hàn Quốc) hay Bệnh viện cai nghiện Internet ở Bắc Kinh... để điều trị miễn phí cho những người nghiện game nặng. Tuy nhiên, dù đã triển khai từ hơn một năm nay nhưng còn quá sớm để khẳng định những biện pháp này có thể giúp bạn trẻ nghiện game online ở những nước này hết nghiện game, Internet.

Ở nước ta, thông tư 60 ban hành năm 2006 với điểm chính là khuyến khích game thủ ngừng chơi sau “5 giờ” bằng các biện pháp kỹ thuật như điểm thưởng và kiểm soát tài khoản. Nhưng đến thời điểm này, sau hai năm triển khai, số lượng doanh nghiệp tuân thủ chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa nói đến việc nhiều doanh nghiệp tìm cách lách luật, người chơi vẫn thoải mái online. Và hệ lụy là số lượng người chơi game, nghiện game ngày càng nhiều, kéo theo đó là những vi phạm hình sự, vụ án liên quan đến game online cũng tăng lên đáng sợ...

“Cai nghiện phải bằng quyết tâm...”

Cai nghiện game được không? Được, với điều kiện game thủ phải có quyết tâm, đồng thời phải có sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè - các chuyên gia tâm lý khẳng định. P., một ca 12 tuổi bị chứng hoang tưởng do game, bỏ nhà đi bụi và thường xuyên đứng nhìn cả đêm trước máy tính. Thế giới ảo và thật lẫn lộn trong suy nghĩ của P.. P. được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Tâm thần trung ương. Sau gần một tháng điều trị bằng liệu pháp tháo gỡ những bất ôn tâm lý, P. dần tiến triển tích cực mà không dùng thuốc, chuyên gia tâm lý Lê Minh Công - phó trưởng khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai) - cho biết.

Từ năm 1998, các chuyên gia đã mô tả tình trạng nghiện Internet, một trong những dấu hiệu đầu tiên là sử dụng quá 38 giờ/tuần. Dạo một vòng các phòng dịch vụ Internet, tình trạng đông thanh thiếu niên thường xuyên ngồi hàng giờ, hàng ngày bên máy tính để chơi game khá phổ biến. Thực trạng trên dẫn đến một bộ phận không nhỏ các bạn thanh thiếu niên bị mất kiểm soát đối với việc sử dụng Internet, cuốn vào đời sống ảo, xa rời các giá trị sống, dẫn đến những hành vi rất khác người, rời xa những giá trị chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống hiện thực, và rất nhiều hệ lụy khác từ môn giải trí này.

Theo chuyên viên, điều trị những trường hợp nghiện game không được “cắt” game đột ngột vì dễ gây ra phản ứng tiêu cực. Nên áp dụng biện pháp “cắt cơn”, giảm dần thời lượng chơi game của người nghiện, sau đó kết hợp với những sinh hoạt cùng gia đình, xã hội để giãn và giảm hẳn thời gian chơi game. “Muốn cai nghiện game thành công phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và các chuyên gia tâm lý. Cần có chương trình cai nghiện cụ thể với phác đồ điều trị từng tháng” - ông Công cho biết thêm.Với những trường hợp nghiện nặng, bệnh nhân thay đổi hành vi, cư xử, nếu gia đình không quan tâm và kiên trì hợp tác với bác sĩ thì khó đạt được hiệu quả. Riêng những trường hợp rơi vào trạng thái suy nhược cơ thể, tâm thần nặng, cần điều trị phối hợp, can thiệp về thuốc và nhất là giải quyết tận gốc vấn đề về tâm lý, nếu không khi khỏe lại cơn nghiện game sẽ tiếp tục hành hạ bệnh nhân.

Ông Công cũng cho rằng “cần nghiên cứu lại module chương trình cai nghiện của Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu niên miền Nam (thuộc Trung ương Đoàn), dù đã rất đầy đủ song cần phải kết hợp với các chuyên gia điều trị kết hợp, điều trị cách ly hoàn toàn trong một thời gian dài và cần sự hợp tác từ gia đình, bạn bè để đạt hiệu quả cao nhất”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Hữu Long cũng đồng tình: “Người nghiện game dễ có tính hung bạo, dữ dằn, thay đổi hành vi sang tiêu cực. Họ cũng thường rơi vào tình trạng thiếu kỹ năng sống, nhất là mối quan hệ với cha mẹ, bạn bè. Cai nghiện rất cần sự phối hợp nhiều ban ngành để đạt hiệu quả cao”.

Theo Vi Thảo - Kim Anh (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.