Lật mánh nghề xin ăn - Bài 2: Những con bệnh nan y giả

08/12/2008 22:37 GMT+7

Nhiều người đã mang "hồ sơ bệnh án" ra lề đường nằm để mời gọi lòng hảo tâm. Để kiểm chứng họ có thực sự là bệnh nhân hay không, chúng tôi đã đến xác minh tại các bệnh viện và phát hiện ra tất cả đều giả mạo.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Trưa 10.11, trời nắng gay gắt. Một phụ nữ da đen sạm ẵm một đứa bè mù ngồi ăn xin ở ngã tư đường Lý Tự Trọng - Pasteur, Q.1, TP.HCM.

Xe lưu thông trên đường Lý Tự Trọng dính liền nhau như những đám lục bình trôi làm cho người đi đường không khỏi cau có. Thế nhưng, khi thấy cảnh tượng thương tâm trước mắt, rất nhiều người dừng lại, vội vã móc ví lấy tiền bỏ vào chiếc nón trên tay người mẹ. Người năm ngàn, người 10 ngàn nhưng cũng có những người hảo tâm bỏ vào tờ 50, 100 ngàn đồng. Một phụ nữ đã bỏ vào nón 50 ngàn đồng, nhưng đi được một đoạn chị quay xe chạy ngược chiều lại đưa người mẹ một nải chuối luộc. Và cứ thế, trong vòng vài tiếng buổi trưa, chúng tôi ước tính hai mẹ con người ăn xin nhận được cả triệu đồng.

Thấy chúng tôi đưa máy hình lên, người phụ nữ đẩy đứa bé ngồi dậy, lấy cho chúng tôi xem giấy chuyển viện và bắt đầu khóc lóc cho cái số kiếp khốn khổ của mình. Trong giấy ghi bệnh nhân tên Đoàn Văn Đ., 17 tuổi, quê Ninh Thuận, xin chuyển đến Bệnh viện Mắt TP.HCM. Người mẹ kể mắt Đ. mới phát bệnh vài năm trở lại đây, lúc đầu còn có thể thấy lờ mờ nhưng giờ thì mù hẳn. Bà đưa con tới Bệnh viện Nhi đồng I từ đầu tháng 11, nằm ở lầu 3B, phòng 201, được bệnh viện mổ rồi cho chuyển qua Bệnh viện Mắt. Vì không có tiền để đóng viện phí nên bà năn nỉ bảo vệ cho ra ngoài để đi xin tiền về đóng. Để tiếp thêm lòng tin, chị ta đưa cho chúng tôi xem sổ hộ khẩu. Trong đó có tên Đoàn Văn Đ., sinh năm 1993, còn bà là Trần Thị T., sinh 1973 ở khu phố 1, xã Phước Dân, H.Tuy Phước, tỉnh Ninh Thuận. Câu chuyện với chúng tôi chưa kết thúc, một người chạy xe ôm phóng tới, bà T. kêu đã tới giờ về bệnh viện nên ấn đứa bé lên xe đi mất.

Cuộc tháo chạy

 
Người đàn bà giả bệnh nhân ăn xin (trái) trước cổng Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: D.Đ.Minh
Trưa 22.11, tại Công viên Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu, Q.3), người đàn ông bế vợ nằm dài bên lề đường dưới cơn mưa tầm tã để xin tiền. Ông ta mặc quần đùi và áo thun màu đen, còn người vợ mang bộ đồ bệnh nhân màu xanh, trên áo có ghi Bệnh viện Nhân dân 115.

Ngồi rụt cổ lại, hai tay thu vào giữa ngực, người đàn ông đặt vợ nằm gối đầu lên chân, bên cạnh là chiếc ca nhựa đựng tiền hảo tâm. Thấy chúng tôi tấp vào, người đàn ông bật khóc. Ông chỉ vào bà vợ đang nhắm nghiền mắt, miệng mím chặt (vì mưa rất lớn) mà rằng: "Khốn khổ quá cô ơi, không có tiền chữa bệnh chắc vợ tôi chết mất". Theo lời ông kể, vợ chồng ông quê ở Bắc Ninh, mới vào TP.HCM được mấy tháng nhưng không may người vợ bị đổ bệnh. Đang điều trị ở Bệnh viện Nhân dân 115, không có tiền để vô thuốc, không có tiền đóng viện phí nên phải trốn ra ngoài ăn xin. Nói rồi ông lôi một bọc ni-lông nhét trong lưng quần đưa cho chúng tôi xem. Đó là cuốn sổ khám bệnh ghi tên bệnh nhân Phạm Thị L., sinh năm 1957, quê Bắc Ninh, nhập viện ngày 13.11.2008, được chẩn đoán bị viêm đại tràng, viêm phổi, có khối u trong ngực trái… Nhưng không đóng dấu, không có tên bác sĩ khám. Chúng tôi bỏ vào trong ca nhựa 10 ngàn đồng và có nhã ý chụp hình hai vợ chồng để qua Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo xin giúp đỡ. Thấy thế, người vợ đang nằm bỗng ngồi bật dậy xua tay liên tục không cho chụp. Khuôn mặt người chồng khổ sở: "Cô ơi, chúng tôi không muốn con cái ngoài Bắc biết vợ chồng tôi khổ thế này, cô thông cảm".

Khi chúng tôi vẫn đưa máy chụp hình lên bấm, một người chạy xe ôm từ đâu lao tới và nhanh như cắt, hai vợ chồng người ăn xin leo lên xe. Chiếc xe ôm leo lên lề đường Hai Bà Trưng phóng như bay, rồi rẽ đường Điện Biên Phủ về phía ngã tư Hàng Xanh... Chúng tôi bám theo đến ngã tư Bình Triệu, thấy có tín hiệu tàu lửa chạy qua, người chạy xe ôm bóp còi inh ỏi, luồn lách, đụng người này, quẹt người kia… Và dù tàu đã đến rất gần, ba người vẫn xuống xe, bất chấp hiểm nguy khom người chui qua gác chắn lao qua đường tàu để "cắt đuôi", khiến nhiều người đi đường la lên hốt hoảng. Lúc ấy, không thấy vẻ đau đớn của người phụ nữ như khi ngồi chờ tiền hảo tâm…

Thấy xin tiền dễ quá mà, tội chi phải đi giúp việc nhà cho cực. Một ngày, bà này móc túi lòng hảo tâm của mọi người vài trăm ngàn là thường.

Một người buôn bán trước cổng Bệnh viện Nhân dân 115 bức xúc.
Trước cổng Bệnh viện Nhân dân 115, có một người đàn bà khoảng 50 tuổi thường xuyên đứng xin tiền. Bà ôm một bộ hồ sơ chụp X-quang, một sổ khám của bệnh viện. Mỗi lần đi xin, bà lấy khăn trùm đầu và khẩu trang bịt kín mặt. Bà tự xưng là bệnh nhân nhưng không có tiền nên phải hóa trang ra ngoài xin tiền về mua thuốc và đóng viện phí. Khi chúng tôi hỏi tên, bà bảo không nên biết làm gì, thương thì cho vài ngàn…

Đều là giả mạo 

Để kiểm chứng những người này có thực sự là bệnh nhân hay không, chúng tôi đã đến xác minh tại các bệnh viện. Phòng Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng I cho biết, từ năm 2005 đến nay, Bệnh viện chỉ tiếp nhận một bệnh nhi tên Đoàn Văn Đ., sinh năm 2001 tại Bình Phước, nhập viện ngày 20.10.2005. Như vậy Đoàn Văn Đ. mà bà Trần Thị T. ẵm ra đường xin tiền là không có thật.

Còn trường hợp của Phạm Thị L., Phòng Tổng hợp Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đã kiểm tra rất kỹ tất cả những người tên L., cả họ Phạm lẫn họ Phan nhưng không có bệnh nhân nào tên L. sinh 1957, quê Bắc Ninh, nhập viện ngày 13.11.2008. Về trường hợp "bệnh nhân" của bệnh viện xin tiền ngay trước cổng, các bác sĩ ở đây khẳng định, người phụ nữ này đã "hành hiệp" ở đây hơn 2 năm và không phải là bệnh nhân. Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng, người đàn bà này sống lang thang xung quanh bệnh viện. Ban ngày ăn xin, ban đêm trải chiếu bên lề đường ngủ. Công việc chính của bà là ăn xin. Nhưng khi chưa kịp hóa trang làm bệnh nhân mà có ai để ý, bà đưa tập vé số (đã xổ) và một chồng báo cũ ra mời chào. Theo lời kể của những người sinh sống lâu năm xung quanh bệnh viện này, bà ta có một đứa con gái khoảng 17 tuổi, thỉnh thoảng vẫn chạy xe máy tới gặp mẹ để lấy tiền. Có nhiều người ngỏ ý muốn đưa bà về giúp việc nhà nhưng bà từ chối hoặc đồng ý thì chỉ làm được vài ngày rồi lại ra trước cổng bệnh viện xin ăn.

Thường chỉ khi rơi vào cảnh cùng cực, người ta mới phải đi xin ăn, dựa vào sự bố thí của mọi người. Nhưng thực tế hiện nay, có không ít người khỏe mạnh, lành lặn và có thừa sức lao động để kiếm sống, vẫn chọn "nghề" xin ăn hòng trốn tránh lao động. Thực trạng này không chỉ khiến lòng tốt bị lợi dụng, mà còn làm bộ mặt văn minh đô thị đang xấu đi…

* Bài 1: Giả mù kiếm sống

Đàm Huy - Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.