Khi "cơn lốc" hàng Trung Quốc vào VN: Bài 2: Hàng Trung Quốc về... quê

10/12/2008 15:43 GMT+7

Không chỉ ở Lạng Sơn hay các tỉnh vùng biên giáp với Trung Quốc (TQ), giờ đây người dân ở bất cứ đâu, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa cho đến tận TP.HCM cũng có thể dễ dàng ra cổng mua ngay được những món đồ “made in China”.

Thậm chí ở nhiều nơi hàng TQ đã được phân cấp thành các tổng đại lý, đại lý cấp 1, 2 để phân phối hàng về mọi ngóc ngách làng quê VN.

Đường về của hàng TQ

Ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) do chỉ cách những điểm “nóng” như Hang Dơi, Thác Ném, Cổng Trắng... khoảng 5km nên được xem là “thủ phủ” của hàng lậu từ bên kia biên giới đưa vào VN. Mỗi ngày tại đây tiếp nhận hàng trăm tấn hàng lậu đổ về. Có mặt trên chuyến tàu Đồng Đăng xuôi về Hà Nội một ngày đầu tháng 12-2008, chúng tôi khó lòng tìm được chỗ ngồi vì hàng được “găm” kín các toa tàu. Trên toa, chủ hàng liên lạc “í ới” về Bắc Giang, Bắc Ninh để phân phối hàng cho các đại lý cấp dưới. Hiền “hòa”, một chủ buôn chuyến, giải thích: “Hàng về Bắc Giang, Bắc Ninh chủ yếu tiện đường tàu, đến ga ném xuống cho quân ở đó mang về, còn lại phải tập kết về Yên Viên hoặc Long Biên (Hà Nội) mới chuyển đi các tỉnh được”.

Hiền cho biết hàng nhập lậu về đường sắt là chính, chuyến nào nhiều cũng được trăm tấn, còn đi đường bộ thì mỗi chuyến chỉ được 2-3 tấn mà nguy cơ bị bắt cao nên chỉ chủ nào chạy được hóa đơn đỏ mới đi hàng đường bộ.

Ngược lại với tuyến Lạng Sơn, hàng TQ từ Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Nội chủ yếu được vận chuyển bằng ôtô, trong đó mặt hàng qua cửa khẩu này cũng đa dạng hơn như xe đạp, tủ lạnh, máy điều hòa... Mỗi chuyến vận chuyển các chủ hàng đều tìm cách chạy được hóa đơn hoặc “làm luật” nhằm an toàn đi về đến kho bãi để phân phối. Chính vì dễ bị cơ quan chức năng bắt giữ nên dân buôn ít chạy đường Móng Cái, chỉ những mặt hàng đặc thù bắt buộc phải nhập qua Móng Cái mới phải chuyên chở đường bộ về Hà Nội.

Theo một số người chuyên “đánh” hàng TQ, để phân phối đến các tỉnh, thành phố trong cả nước, hàng TQ từ Lạng Sơn hay Móng Cái đều phải qua các điểm trung chuyển, các tổng đại lý lớn ở miền Bắc. Những tổng đại lý này nằm chủ yếu ở Bắc Ninh, chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp và phố Hàng Lược (Hà Nội).

Khi các “tổng đại lý” hoạt động...

Tại chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc và cũng là nơi tập trung nhiều tổng đại lý phân phối vải vóc, quần áo TQ may sẵn, không khí những ngày buôn bán cuối năm đặc biệt tấp nập. Trên toàn bộ khu tầng 2 và 3 của chợ và phần kiôt tầng 1, hàng hóa được chất kín quầy với số lượng mỗi quầy lên đến hàng nghìn bộ quần áo.

Anh Trường, một cửu vạn tại đây, cho biết chỉ trong buổi sáng đã bốc đi hơn 200 cuộn vải, “tính sơ sơ cũng trên 1 tấn”. Mỗi cửu vạn ở chợ gần như đều chỉ phục vụ một chủ khi đến mùa hàng hóa sôi động. Ngoài nhiệm vụ bốc dỡ, anh Trường còn kiêm làm xe ôm, chở vải đến các điểm giao lẻ cho đại lý. Khách từ Sơn La, Điện Biên, Hưng Yên... đặt hàng sẽ được chuyển đến các bến xe, gửi theo xe khách; riêng khách ở xa như Đà Nẵng, TP.HCM, hàng được gửi qua bưu điện, khách phải chịu cước gửi như cước vận chuyển bình thường. Ngoài ra, khi cần thiết, anh Trường cũng phải áp tải theo các xe hàng đi tỉnh trả cho khách.

Theo chị Quyên, một đại lý bán vải tại chợ Đồng Xuân, chỉ tính trong tháng mười một quầy của chị đã nhập hàng chục nghìn mét vải TQ các loại. Vải được tính theo cuộn, cứ mỗi cuộn 100m, khách có nhu cầu lấy nhiều sẽ xuất đi tỉnh bằng xe tải riêng.

Ngay tại cổng chợ Đồng Xuân đều có hàng chục xe hàng chờ sẵn để đi tỉnh. Đánh nguyên một ôtô 1,5 tấn đến chở vải và quần áo TQ về Nam Định bán lẻ, anh Hùng - chủ xe 29H-28... - cho biết toàn bộ số hàng này ngay trong buổi chiều sẽ đưa về các chợ huyện ở Nam Định. Sau đó, từ chợ huyện, hàng hóa thêm một lần nữa được đưa đến các cửa hàng bán lẻ cấp xã, thậm chí là các cửa hàng tạp hóa trong mỗi làng.

Chọn rẻ hay chọn chất lượng?

Thiết lập hệ thống bảo hành

Tại Hà Nội, một số tổng đại lý phân phối hàng còn thay mặt chủ hàng Lạng Sơn nhận bảo hành các mặt hàng lậu có nguồn gốc TQ vốn không bao giờ có bảo hành chính hãng. Hàng điện tử, điện gia dụng được phân phối và bảo hành tại khu vực phố Hàng Lược và Hàng Bài. Chị Thủy, đại lý hàng điện máy Thủy - Tuyên, chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) cho biết hàng điện tử, điện gia dụng được xuất buôn chủ yếu về hai phố trên. Trong trường hợp khách mua hàng tại Lạng Sơn hay bất cứ tỉnh nào thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ bị hỏng hóc, có nhu cầu sửa chữa, bảo hành hoặc đổi hàng chỉ cần đem đến các đại lý trên đều được phục vụ.

Cũng tâm lý mua hàng TQ giá rẻ, ông Đỗ Xuân Hồi (xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết trừ tivi, đồ dùng trong nhà ông hầu hết đều của TQ. “Quạt điện, bát đũa, quần áo, thậm chí ngay cả cái giẻ rửa bát mà gia đình mua ngay chợ huyện cũng đều là hàng TQ”, ông Hồi cho hay. Theo ông Hồi, từ quần áo đến đồ điện, người dân trong xã đều mua hàng TQ vì giá rẻ hợp với túi tiền dân nghèo nông thôn hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm giá rẻ, mẫu mã đẹp, hàng TQ cũng có nhược điểm về mặt chất lượng. Dễ hỏng hóc nhất là đồ điện tử, các chủng loại hàng như USB, điện thoại di động “nhái” đồ xịn, máy nghe nhạc MP3, đàn organ... Điều này được chính các chủ đại lý tại Hà Nội tổng kết thành quy luật. Cụ thể, hàng TQ những lô đầu bao giờ cũng xịn, chất lượng nhằm chiếm lĩnh thị trường nhưng các lô sau đó chất lượng đều kém hơn rất nhiều. Đối với hàng điện tử cấp thấp như đàn organ, máy MP3... hầu hết được lắp đặt từ vi mạch, con chip của các sản phẩm điện tử khác đã bị “bán đồng nát”.

Ngoài vấn đề chất lượng, hàng TQ còn làm giả một cách tinh vi để hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất. Ông Hồi kể: “Trước đây, nhà mua một bộ năm chiếc nồi inox nhưng về dùng mấy tháng mới biết toàn đồ mạ, giờ gỉ sét hết cả rồi. Đã cảnh giác thế mà lần sau mua một cái quạt sưởi chỉ mấy ngày đã hỏng, may còn đổi được”.


Nhiều mặt hàng thuế suất còn 0%

Bộ Tài chính vừa ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện cam kết gia nhập khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2009-2011. Theo quyết định này, nhiều mặt hàng tươi sống như tôm, một số loại sữa và kem, sữa chua, bơ, phó mát, rau quả, hoa, trứng chim, trứng gia cầm, sản phẩm gốc động vật… nhập từ ASEAN và Trung Quốc sắp tới sẽ được miễn thuế hoàn toàn (0%). Các loại ngũ cốc như lúa mì, ngô… sẽ được điều chỉnh thuế còn 3-25%. Thuế nhập khẩu các loại xăng cũng được điều chỉnh giảm còn 10-20%, dầu còn từ 3-10%...

Mức thuế ưu đãi đặc biệt của VN sẽ được áp dụng cho các tờ khai hải quan kể từ ngày 1-1-2009.

 C.V.Kình

>> Bài 1: Lạng Sơn: “thiên đường” hàng Trung Quốc

Theo M.Quang - Đ.Bình (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.