Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương (giảng viên trường ĐH Y Dược, TP.HCM), tựu trung có thể chia làm 2 nhóm biện pháp để trị mụn cóc, đó là: dùng hóa chất - thoa các chất ăn mòn giúp làm tiêu dần khối mụn cóc, thuốc kích thích miễn dịch để đẩy lùi siêu vi; và dùng biện pháp vật lý như đốt điện, đốt laser, liệu pháp lạnh như áp ni-tơ lỏng.
Việc cân nhắc chọn lựa biện pháp điều trị mụn cóc thường bác sĩ sẽ dựa vào tuổi (với các em nhỏ thường sợ đốt điện, đốt laser, bác sĩ có khuynh hướng chọn cách chấm thuốc), số lượng, vị trí và kích thước của thương tổn (nếu mụn cóc quá to hoặc dày sừng nhiều thì nên đốt điện hoặc áp ni-tơ lỏng), và các vấn đề khác như chi phí điều trị, hoặc người có cơ địa sẹo lồi hay không (nếu có cơ địa sẹo lồi thì nên chấm thuốc hơn là đốt điện hoặc laser)...
Đốt điện hoặc laser sẽ giúp xóa ngay một cách chóng vánh các mụn cóc đang có, nhưng phải được làm tại các cơ sở y tế, giá thành mắc hơn so với việc mua thuốc về thoa và có thể có sẹo. Còn việc dùng các thuốc thoa lột sừng, bạt sừng sẽ giúp tiêu hủy khối mụn cóc từ từ, có thể tự thực hiện tại nhà, nhưng cho kết quả chậm sau nhiều ngày, nhiều tuần và gây bỏng rát, đau ở vùng da thoa thuốc.
Cho dù chọn biện pháp nào đi nữa, thì việc trị liệu chỉ giúp làm biến mất mụn cóc chứ không ngăn được việc quay trở lại của nó. Để phòng ngừa, cần giữ da khô sạch, ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ, sinh hoạt lành mạnh nhằm tạo cho mình sức đề kháng tốt với bệnh tật.
Thanh Tùng
Bình luận (0)