Từ hơn 400 năm nay, thể chế chính trị trên hòn đảo hiện có 600 dân này chẳng khác gì một nền quân chủ chuyên chế với quyền lực tập trung vào tay dòng họ của chúa đất Michael Beaumont. 28 thành viên của cái gọi là “nghị viện” trên đảo do vị chúa đất cử ra và được cha truyền con nối như một thứ gia bảo. Cuộc bầu cử cuối tuần qua là cuộc bầu cử đầu tiên được tiến hành ở đây để bầu ra 28 thành viên của nghị viện này và lần đầu tiên người dân được ra ứng cử với kết quả là cứ 10 cử tri thì có một người ra ứng cử.
Đương nhiên, trên chính trường tí hon này cũng có hai phe: bảo hoàng và hiện đại. Phe bảo hoàng muốn duy trì thực trạng, không muốn có ô tô hay bãi đáp trực thăng trên đảo, không muốn áp dụng chính sách thuế má, không muốn kêu gọi bên ngoài đầu tư vào… Còn phe hiện đại muốn biến hòn đảo nhỏ này thành một thiên đường du lịch hiện đại ở châu u nên chủ trương xóa bỏ quyền lực của chúa đất.
Bề dày truyền thống hơn 400 năm của nền quân chủ ở đảo nhỏ này là thế mạnh đáng kể của phe bảo hoàng, nhưng túi tiền của những thế lực đứng đằng sau phe hiện đại, mà đáng kể nhất là anh em tỉ phú David và Frederik Barclay, cũng rất nặng và nhu cầu hiện đại hóa trên đảo cũng như áp lực về dân chủ nhân quyền từ phía các thể chế của EU đối với hòn đảo cũng rất lớn. Pháo đài cuối cùng của chủ nghĩa phong kiến ở châu u bị công phá trong bối cảnh tình hình đó.
Kết quả cuộc bầu cử không được như phe hiện đại mong đợi vì chỉ cử được có 2 trong số 28 vị dân biểu vào nghị viện đảo, nhưng cũng đã đủ để báo hiệu sự cáo chung của chế độ phong kiến chúa đất trên đảo.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)