Ung thư xuất hiện chủ yếu là hậu quả của các điều kiện sống, đặc biệt là các điều kiện xã hội như chỗ ở, công việc và cách sống
Thuốc lá: Tác nhân chính gây ung thư
Tại hội nghị về phòng chống ung thư toàn quốc vừa qua, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng cũng cho biết hiện nay ung thư gây 1/10 số tử vong của loài người. Ung thư là bệnh không lây nhưng hiện nay đã được xác định là do một số loại virus và vi khuẩn gây ra. Điển hình là HBV và HCV gây ra ung thư gan, HPV là nguyên nhân của ung thư cổ tử cung, vi khuẩn H.P làm viêm loét bao tử, về lâu dài có thể biến thành bệnh ác tính...
Khảo sát ghi nhận ung thư bước đầu cũng chỉ ra dịch ung thư phổi do tiếp xúc khói thuốc lá. Gánh nặng ung thư sẽ gia tăng trong tương lai rất gần do những yếu tố như thuốc lá, ô nhiễm môi trường và những ảnh hưởng khác của đời sống công nghiệp. Hầu hết nguyên nhân gây nên ung thư là do “bệnh từ miệng mà vào”, nghĩa là do thức ăn có chất sinh ung, thức ăn nhanh (rán, chiên), nhiều mỡ thịt, ít rau cải và trái cây, “ăn khói”, uống bia rượu, thói quen ăn trầu... Thức ăn muối mặn, làm dưa (cá khô, mắm cá, cải dưa, cà pháo-mắm tôm, thịt hun khói, xúc xích...) tăng nguy cơ ung thư bao tử. Còn thức ăn nhiều mỡ, nhiều thịt, ít rau quả, fast food (gà rán, hamburger) làm tăng nguy cơ ung thư ruột già.
Người ta cho rằng ung thư là bệnh do gien nên khi mắc ung thư thường than thở là “trời kêu ai nấy dạ” nhưng thực ra phần lớn ung thư là do con người, chiếm đến 80%-90% trong các nguyên nhân gây ra ung thư. Ung thư xuất hiện chủ yếu là hậu quả của các điều kiện sống, đặc biệt là các điều kiện xã hội như môi trường, công việc và cách sống. Các tác nhân gây ung thư mà người ta hít thở, ăn uống và tiếp cận đã tạo ra ung thư, thói quen cá nhân như hút thuốc lá có vai trò quyết định. Chính con người đã tạo ra các thói quen như thế trong tương giao xã hội.
Có thể phòng ngừa
Tổ chức Y tế Thế giới kết luận bệnh ung thư do con người gây ra nên có thể phòng ngừa được. Ưu tiên hàng đầu phải dành cho việc kiểm soát thuốc lá. Rõ ràng nhất là ung thư phổi, đây là loại ung thư khó trị khỏi. Chế độ dinh dưỡng giúp làm giảm nguy cơ ung thư là thường dùng các loại hạt còn nguyên, rau quả tươi sạch, giảm chất béo và thức ăn nhanh. Chế độ ăn uống và vận động hợp lý làm giảm nguy cơ gây bệnh tiểu đường, tim mạch và ung thư. Việc tiêm ngừa vắc-xin cũng giúp phòng ngừa ung thư bên cạnh việc tầm soát để phát hiện sớm ung thư.
Đặc biệt lưu ý các bệnh nhiễm gây ung thư. Viêm gan siêu vi B và C phải được điều trị kịp thời, nên tiêm ngừa HBV cho trẻ. Nên nhớ khuyên phụ nữ khám phụ khoa định kỳ và thử tế bào âm đạo. Việc tiêm vắc xin HPV để ngừa ung thư cổ tử cung nên được tham vấn kỹ lưỡng nơi bác sĩ chuyên khoa. Nên xét nghiệm vi khuẩn H.P để điều trị kịp thời viêm loét bao tử nhờ đó có thể giảm nguy cơ ung thư cơ quan này. Cần phải quan tâm đến việc tránh việc tiếp cận các hóa chất sinh ung thư tại nhà máy, công trường hoặc trong môi trường sống vì nước ta ngày càng công nghiệp hóa. Nếu ung thư được phát hiện sớm thì cơ may trị khỏi rất lớn.
Những loại ung thư thường gặp ở nam và nữ Ung thư đại trực tràng đang có chiều hướng gia tăng hiện nay, đứng hàng thứ ba ở nam giới với tỉ lệ 15 người mắc trong 100.000 dân, trong khi ở nữ giới là 8 người và đứng hàng thứ tư trong các loại bệnh ung thư thường gặp. Ung thư hốc miệng cũng có khuynh hướng gia tăng ở nam giới. |
Bài và ảnh: Nhất Phương - Theo Báo Người Lao Động
Bình luận (0)