Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhận định: "Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ dẫn đến khủng hoảng thị trường việc làm không chỉ trong nước mà cả thị trưởng xuất khẩu lao động (XKLĐ) do sản xuất giảm". Theo ông Hòa, sang năm 2009 tác động của suy thoái kinh tế đến thị trường lao động cả trong và ngoài nước mới thật sự rõ rệt. Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng ban quản lý lao động VN tại Đài Loan, cho biết trong số 81.000 lao động VN đang làm việc tại Đài Loan, trước mắt có khoảng 200 lao động đang có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì các xưởng sản xuất gặp khó khăn, còn số người sắp bị tác động hiện chưa có thống kê.
Tuy nhiên trong tình trạng khó khăn chung, thị trường nhân lực vẫn còn một số tiềm năng có thể khai thác. Ông Nguyễn Phú Bình, Đại sứ VN tại Nhật Bản tiết lộ: "Tại Nhật, VN mới có 6.000 lao động, trong khi tiềm năng hoàn toàn có thể đưa sang nước bạn từ 10.000 lao động/năm trở lên. Hiện Nhật rất thích y tá, hộ lý người Việt. Trong thời gian tới, bạn sẽ giúp chúng ta đào tạo y tá, hộ lý sau đó sang làm việc ở Nhật thời gian dài, có thể từ 5-7 năm".
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khâu đào tạo trong việc XKLĐ nói riêng và tạo công ăn việc làm nói chung. Phó thủ tướng cho biết, trong tình hình khó khăn hiện nay, phương án hữu hiệu là cần tạo mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước để mở ra các mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho trong nước và xuất khẩu.
Phó thủ tướng lưu ý cần gắn chặt dạy nghề, tạo việc làm, XKLĐ với mục tiêu xóa đói giảm nghèo: "Với 61 huyện nghèo trên cả nước, chúng ta sẽ áp dụng chính sách ưu đãi tối đa để đào tạo nghề cho thanh niên ở các huyện nghèo này. Không chỉ miễn phí đào tạo mà chúng ta sẽ hỗ trợ cả kinh phí ăn ở để họ chuyên tâm học nghề. Ở mỗi huyện nghèo, trong năm đầu chỉ cần có 100 người đi XKLĐ thì 1 đến 2 năm sau đã có 61.000 hộ có thể thoát nghèo".
Từ 2006 đến nay, bình quân mỗi năm VN đưa khoảng 83.000 lao động ra nước ngoài làm việc (chiếm khoảng 5% số lao động được giải quyết việc làm). Hằng năm, ước tính người lao động gửi về nước khoảng 1,6-2 tỉ USD. Mục tiêu trong năm 2009, VN sẽ đưa 90.000 lao động ra nước ngoài làm việc (năm 2008 số này là khoảng 85.000 người).
Káp Thành Long
* Các thị trường đồng loạt cắt giảm lao động
Bình luận (0)