Một số người chạy xe ba gác khi được hỏi đều nói chỉ nghe loáng thoáng là 31-12-2008 phương tiện kiếm cơm hằng ngày của họ sẽ bị “khai tử”. Họ không biết là có thực hiện hay không và nếu thực hiện vào thời điểm này thì các biện pháp hỗ trợ thế nào.
Hoang mang
Anh Lương Văn Hùng, một tài xế chạy xe ba bánh khu vực vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), đang lo thời hạn cấm xe ba bánh lưu hành đã cận kề mà vẫn chưa nghe chính quyền địa phương nói gì. Đại gia đình anh Hùng gồm ba hộ đều sống bằng nghề chạy xe ba bánh. Giữa năm 2007, khi nghe thông tin cấm xe ba bánh tự chế, anh Hùng phải đi vay mượn 55 triệu đồng để mua chiếc xe ba bánh Trung Quốc, đến nay vẫn còn nợ hơn 20 triệu đồng.
Anh rể và em trai anh Hùng (cùng sống chung căn hộ ở lô G, chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Q.3) không mua nổi xe mới phải tiếp tục chạy xe cũ và đang hồi hộp không biết rồi đây sẽ sống ra sao. “Nếu Nhà nước cho vay để chuyển đổi nghề hay mua xe tải thay thế thì chúng tôi cũng không dám vay, vì nếu mua xe tải với giá hơn 100 triệu đồng trả nợ biết bao giờ xong?”, anh Lương Văn Mạnh (em anh Hùng) lo lắng.
Hầu hết các địa phương đều chưa có đề án |
Anh Quan Anh Kiệt (ở P.10, quận Tân Bình) cũng đang đau đầu. Sau một vụ va quẹt giao thông, vợ anh Kiệt không thể đi lại được, ba và mẹ anh Kiệt đã già. Chiếc xe ba bánh tự chế là cần câu kiếm sống cho cả gia đình. Anh Kiệt nói đến giờ vẫn chưa nhận được thông báo từ chính quyền địa phương về số phận chiếc xe ba bánh của mình. “Tôi không thể kiếm đâu ra 50 triệu đồng để mua xe ba bánh mới”, anh Kiệt than thở.
Ông Trần Văn Phát (ở Thiên Hộ Dương, phường 1, Gò Vấp) cũng nói: “Ba miệng ăn ở nhà tôi hoàn toàn phụ thuộc chiếc xe ba gác gắn máy. Bây giờ cuộc sống nhà tôi tạm ổn, nhưng mai này chưa biết tính sao”.
Không có mã số hộ nghèo không được hỗ trợ
Nghiệp đoàn rác dân lập quận Bình Thạnh cho biết có nhận thông báo hướng dẫn thay thế phương tiện thu gom rác của phòng tài nguyên và môi trường quận, ký ngày 8-12. Theo đó, UBND quận Bình Thạnh đã phê duyệt đề án chuyển đổi xe ba, bốn bánh tự chế và các loại xe tự chế khác. Đối với xe ba, bốn bánh đang hoạt động thu gom rác phải hoàn thành việc chuyển đổi trước 31-12. Ngân hàng chính sách xã hội quận chỉ hỗ trợ hộ diện xóa đói giảm nghèo (có mã số) vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,5%. Nhưng theo quy định này, chỉ có một trong số 256 hộ làm rác dân lập ở quận Bình Thạnh được xét hỗ trợ vay vốn, các trường hợp còn lại không được xét hỗ trợ.
Ông Tạ Văn Đực - chủ tịch nghiệp đoàn thu gom rác ở quận Bình Thạnh - nói với chính sách của quận coi như 255 hộ còn lại trong nghiệp đoàn phải tự “bơi” để lo chuyển đổi phương tiện. Ai có khả năng thì chuyển đổi sang xe tải, còn không chuyển đổi sang xe đẩy tay. Ông Đực cho biết có hỏi cơ sở sản xuất xe thùng đẩy tay nhưng họ nói kể từ lúc đặt hàng đến khi giao phải mất một tháng. Trong khi thời gian thực hiện việc chuyển đổi chỉ còn nửa tháng, nếu đặt làm xe đẩy cũng không kịp.
Theo những người làm rác dân lập, mỗi đường dây rác cần hai hoặc ba xe đẩy tay, giá 10-15 triệu đồng. Với nhiều người, khoản tiền này vượt quá khả năng của họ. Gia đình chị Võ Thị Tuyết (42 tuổi, chuyên làm rác ở phường 6, Bình Thạnh) thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Khoản tiền này không đủ để lo cho bà ngoại ở tuổi gần đất xa trời và ba đứa con. Chị Tuyết làm đơn gửi các cơ quan chức năng xin một chiếc xe thu gom rác đẩy tay từ tháng 4-2008 và được chính quyền nơi cư trú (UBND phường 11, quận Bình Thạnh) xác nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng đến nay gia đình chị chưa được bất kỳ cơ quan nào hồi âm.
Theo ông Tạ Văn Đực, nếu “cầu cứu” đến Quỹ hỗ trợ người lao động của hệ thống liên đoàn lao động, có thể mỗi hộ vay được 5 triệu đồng, chỉ đủ mua một chiếc xe đẩy tay loại 660 lít, thời gian trả trong vòng 10 tháng. Mỗi tháng gồm tiền vốn gốc, lãi, tiền tiết kiệm bắt buộc (khoản tiền này được hoàn lại cho người vay khi đã trả đầy đủ vốn gốc và lãi), tổng cộng người vay phải trả 610.000 đồng/tháng, gần bằng một nửa thu nhập của nhiều hộ thu gom rác.
Ông Đực cũng cho biết thêm phần lớn người làm nghề thu gom rác ở khu Sở Thùng đều bị di dời giải tỏa nhà cửa. Lo chỗ ở mới đã vất vả, nay phải lo chuyển đổi phương tiện làm nghề. Hai ba thứ “dập” cùng một lúc là quá nặng nề đối với bà con lao động nghèo.
Nhưng không chỉ người làm rác ở quận Bình Thạnh mới rơi vào tình cảnh bế tắc, ông Nguyễn Văn On - chủ nhiệm HTX TMDV Đoàn Kết, thu gom rác dân lập ở quận 6 - cho biết hàng trăm xã viên cũng đang lo với kế hoạch chuyển đổi phương tiện kéo dài cả năm nay nhưng kết quả vẫn chưa đến đâu. Bây giờ HTX chưa biết đến ngày 31-12-2008 xe ba bánh chở rác còn được sử dụng không? “Tôi đau hết cả đầu…” - ông On bày tỏ.
Trong khi đó, tại quận 11, ông Nguyễn Hoàng Thái, phó chủ tịch UBND quận, cho biết đang chờ chỉ đạo chính thức của UBND TP. Theo ông Thái, hiện UBND quận chỉ giải quyết hỗ trợ các hộ chạy xe ba bánh trong diện xóa đói giảm nghèo. Còn các hộ khác cũng chỉ vận động là chính do chưa thống nhất được mức hỗ trợ và quận đang tham khảo mức hỗ trợ từ các quận, huyện khác.
Theo Quốc Thanh - Ngọc Hậu (Tuổi Trẻ)
Bình luận (0)