Những khoảnh khắc vàng về Đà Lạt xưa

17/12/2008 00:09 GMT+7

60 tấm ảnh chụp về thiên nhiên, kiến trúc, con người Đà Lạt xưa đang được trưng bày tại khách sạn Sammy Đà Lạt (Lâm Đồng) đã gây ấn tượng mạnh trong lòng khách thưởng lãm.

Cuộc triển lãm mang chủ đề Đà Lạt xưa (kéo dài đến ngày 21.12) do Tạp chí Xưa & Nay (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) phối hợp với Công ty du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức nhân kỷ niệm 115 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.

Có thể nói, lần đầu tiên công chúng ở phố núi và du khách được chiêm ngưỡng những hình ảnh ấn tượng về Đà Lạt từ những năm đầu thế kỷ XX.

Khi ấy Đà Lạt với những đồi núi trập trùng, những hình ảnh sương giăng mờ khắp lối hay những tòa biệt thự ẩn mình dưới những đồi thông, những chiếc xe thổ mộ đi về trong sương sớm... Tác giả của những bức ảnh này là các nhiếp ảnh gia danh tiếng như: Nguyễn Bá Mậu, Đặng Văn Thông, Trần Văn Châu, Renaudin Esperance (người Pháp, nguyên Giám đốc Nhà máy đèn Đà Lạt - ảnh do ông Lê Phỉ sưu tập).

Đó là những bức ảnh quý ghi lại những khoảnh khắc "vàng" về thiên nhiên, con người Đà Lạt qua các thời kỳ hình thành và phát triển. Trong đó, ấn tượng đặc biệt là những bức không ảnh của tác giả Trần Văn Châu (hiện đang định cư tại Mỹ) về không gian, thiên nhiên Đà Lạt...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão làng Đặng Văn Thông nhớ lại: "Khi tôi bắt đầu cầm máy làm cho hiệu ảnh Dalatphoto (năm 1947), thời kỳ đó Đà Lạt còn hoang sơ, có nhiều thác, hồ rất đẹp, rừng thông bạt ngàn. Đến cuối những năm 80, cảnh quan của Đà Lạt vẫn còn thơ mộng.

 
Nhà "Đà Lạt học" Nguyễn Hữu Tranh đang chiêm ngưỡng những bức ảnh về Đà Lạt xưa -Ảnh: Gia Bình

Ngày ấy, Đà Lạt có nhiều loài hoa dại, đến mùa xuân hoa anh đào nở đầy trên những góc phố, nẻo đường nên Đà Lạt rất quyến rũ. Vì vậy thợ ảnh chủ yếu chụp phong cảnh Đà Lạt để làm bưu thiếp bán cho du khách". Ông cho biết thêm, với những danh thắng như thác Cam Ly, Prenn, Đatanla, hồ Xuân Hương, Than Thở, Mê Linh..., ông đã làm ra hàng ngàn tấm bưu thiếp. Còn nhiếp ảnh gia Trần Văn Châu - tác giả của những bức không ảnh rất ấn tượng về Đà Lạt, thổ lộ: "Ngày xưa, từ trên trực thăng nhìn toàn cảnh Đà Lạt tôi phải ngơ ngẩn vì vẻ đẹp thơ mộng của nó, nhưng ngày nay Đà Lạt đã có nhiều đổi thay, không còn nguyên vẹn như xưa nữa".

Ngày xưa ấy, ngoài tháp chuông của trường Grand Lycée Yersin (nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) và một số công trình kiến trúc nhà thờ là có tầm cao, còn lại hầu hết các công trình dinh thự, biệt thự, khách sạn... của Đà Lạt đều nằm lẩn khuất dưới tán rừng thông.

Dù chưa thật đầy đủ, nhưng triển lãm đã mang lại cho người dân phố núi và du khách một cái nhìn toàn cảnh về một Đà Lạt xưa đầy thơ mộng và quyến rũ. Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Sử học VN, Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay cho rằng đây là cuộc triển lãm nối dài ký ức thế hệ hôm qua và hôm nay, cũng cho thấy Đà Lạt đã có nhiều đổi thay.

Triển lãm cũng là dịp để mọi người hiểu thêm những bước phát triển thăng trầm của Đà Lạt. Đà Lạt trở thành một di sản quý của Việt Nam, một thành phố du lịch đầy tiềm năng, thế nên chúng ta cần lưu giữ và phát huy để xây dựng nơi đây thành một trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới.

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.