Bệnh của thành thị
Tại hội thảo quốc gia về công tác chăm sóc mắt học sinh (HS) trong hệ thống trường học do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng qua 18.12, bác sĩ Nguyễn Chí Dũng, Bệnh viện Mắt T.Ư, đã đưa ra con số khiến nhiều người lo ngại: ước tính có khoảng hơn 2,8 triệu HS từ 6-15 tuổi mắc bệnh về mắt cần đeo kính!
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục (KHGD), cho biết: Theo kết quả một cuộc điều tra về tình hình mắc tật khúc xạ (cận, viễn và loạn thị) của HS phổ thông tại 3 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Hải Phòng do Viện tiến hành thì có tới 26,14% HS mắc các bệnh về mắt. Trong đó, tỷ lệ cận thị chiếm 79,53%.
Theo ông Minh, HS ở khu vực thành phố bị tật khúc xạ chiếm 26,94%, trong khi đó vùng nông thôn tỷ lệ này chỉ là 14,44%. Tổng hợp điều tra về tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị) của HS phổ thông thì tỷ lệ mắc tật tương đối cao ở các thành phố lớn: Hà Nội là 24%, TP.HCM 40% và Hải Phòng lên tới 60%.
Đồng tình với nhận định này, ông Trần Thế Hưng, Trưởng trung tâm khúc xạ (Bệnh viện Mắt Sài Gòn) cho rằng: mặc dù chế dộ dinh dưỡng tốt hơn nhưng với việc quá tải trong các hoạt động cần đến thị giác gần như học tập, làm việc, giải trí, máy tính... nên tật khúc xạ nói chung và đặc biệt là tật cận thị gia tăng mạnh mẽ, nhất là ở các trường ở khu vực đô thị, HS cấp THCS và THPT, HS ở trường chuyên lớp chọn.
Chưa được chăm sóc mắt đúng cách
“Cận thị nặng có thể gây biến chứng bong võng mạc, dẫn đến mù lòa, còn một số loại tật khúc xạ khác (viễn thị nặng, loạn thị, lệch khúc xạ) có thể gây lác dẫn đến mù một mắt” Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng, Bệnh viện Mắt T.Ư |
|
Thực tế cho thấy hoạt động tuyên truyền về chăm sóc bảo vệ mắt trong trường học chưa được quan tâm đúng mức. Có tới 63,2% giáo viên được hỏi cho biết chưa hề dạy cho HS về nội dung này; 85,4% ý kiến giáo viên cho biết trong trường học không hề tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng chống tật khúc xạ. Trong khi đó, số HS khám chữa bệnh tại bệnh viện theo bảo hiểm y tế rất ít và hệ thống bảo hiểm này chưa tiến hành bất cứ hoạt động nào trong trường học về phòng chống bệnh mắt nói chung và tật khúc xạ nói riêng. Thực tế trên đã dẫn tới tình trạng đa phần HS không biết mình bị tật khúc xạ. Tỷ lệ này ở TP.HCM là 80%, Đà Nẵng là 50%, Bắc Ninh là hơn 80%...
Ông Trần Thế Hưng cho rằng, điều đáng lo ngại là tuy số HS bị tật khúc xạ cao nhưng chỉ có hơn 60% trong số đó đeo kính. Đặc biệt, nhiều trường hợp HS đeo kính không đúng và không đủ độ, điều này càng làm cho mắt nhìn mờ và tăng độ nhanh. Nhiều em hai mắt chênh nhau lên tới 4, thậm chí có trường hợp trên 10 đi-ốp. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đức Minh chia sẻ thêm: khảo sát cho thấy, sở dĩ nhiều HS cần kính trợ thị nhưng không sử dụng vì lý do là “vướng” hay “không đẹp”. Mặt khác, một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có tiền mua kính cho con em mình.
Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng cảnh báo: Cận thị nặng có thể gây biến chứng bong võng mạc, dẫn đến mù lòa, còn một số loại tật khúc xạ khác (viễn thị nặng, loạn thị, lệch khúc xạ) có thể gây lác dẫn đến mù một mắt. Chính vì vậy, lý tưởng nhất là tất cả trẻ em cần được khám sàng lọc tật khúc xạ 1 lần trước khi đi học (6 tuổi) và mỗi năm 1 lần vào các năm học ở cấp tiểu học và THCS.
Cũng theo bác sĩ Dũng, để phòng mắc tật khúc xạ HS không đọc sách, ngồi máy tính, xem ti vi liên tục quá lâu, quá nhiều. Sau 1 giờ đọc sách hoặc làm việc với máy tính cần nghỉ ngơi 5-10 phút, xoa nhẹ lên mắt nhiều lần; cần đảm bảo đủ ánh sáng khi học và ánh sáng trên lớp học...
Bác sĩ Dũng còn lưu ý: phương pháp chỉnh tật khúc xạ mà phổ biến người bệnh lựa chọn hiện nay là dùng laser, tuy nhiên cần lưu ý nhược điểm của nó là sẽ làm thay đổi cấu trúc của mắt, mắt sau khi mổ bằng laser vẫn là mắt cận nên vẫn có thể có những biến chứng của cận thị, một số trường hợp sau khi mổ vẫn phải đeo kính mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)