Nhắc đến tên Lê Hồng Quân, các vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh mà chúng tôi đã gặp ai cũng trầm trồ: "Bà đó lì lắm, xứng danh nữ biệt động anh hùng". Những ai từng chiến đấu trong Bộ chỉ huy tiền phương Nam (cánh Nam - sau đây gọi tắt là Bộ chỉ huy tiền phương), cái tên Lê Hồng Quân đã trở thành một tượng đài. Tên này do Đảng đặt cho, còn tên khai sinh của chị là Đào Thị Huyền Nga.
Sau ngày hòa bình, chị và gia đình không về lại quê (ven thành phố Cần Thơ) mà chọn định cư tại Sài Gòn, nơi chị và đồng đội từng vào sinh ra tử. Về hưu chị vẫn tất bật với những việc không tên, dù cha chị đang nằm bệnh viện. Chị đi suốt, khi Sóc Trăng, lúc Tiền Giang; rồi Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An. Có hôm chị bôn ba tận Quảng Nam, Đà Nẵng... Phải đến cái hẹn lần thứ ba chúng tôi mới được chị dành thời gian tiếp sau khi hướng dẫn: "Em đi về hướng Thanh Đa, đến gần cầu Kinh quẹo phải, quẹo trái, rồi quẹo trái. Nhờ bà con chỉ giùm nhà bà... cụt tay".
Hôm tiếp chúng tôi tại nhà, chị bảo đang lo làm thủ tục xác nhận chính sách cho một cựu chiến sĩ biệt động - "lính" của chị ở Tiểu đoàn Lê Thị Riêng ngày nào - hiện sống rất nghèo khổ ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Câu chuyện xoay quanh những người nữ biệt động năm xưa, cả người còn sống lẫn những người đã chết. Chị nói, rất nhiều đồng đội đã hy sinh trong đợt tổng tiến công Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn, đến nay vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Sau ngày hòa bình, Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, đã giải thể. Mỗi người một quê, ai về nhà nấy, rất khó liên lạc. Trong số đó nhiều người không được hưởng chính sách gì. Lý do là họ chưa được xác nhận đã từng là quân giải phóng, địa phương không biết họ là ai.
Chị cho biết, trong trận tổng tấn công Mậu Thân đợt 2 tại quận Nhì, quận 4, đơn vị chị mất tổng cộng 15 người. Mặc dù các chị đã phải đi tới đi lui nhiều lần hết tỉnh này đến tỉnh kia, nhưng cũng chỉ có 1 trường hợp được công nhận liệt sĩ là anh Hà Văn Tiết, nhưng lại viết sai tên. 8 trường hợp khác đã hoàn tất các yêu cầu hành chính rất nhiêu khê như đăng báo tìm người mất tích, giấy báo tử, rồi qua BCH Quân sự TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH... thẩm tra. Hồ sơ 8 người này coi như xong, nhưng giấy công nhận liệt sĩ (Bằng Tổ quốc ghi công) thì còn phải tiếp tục chờ.
Giọng bùi ngùi, chị Quân kể, 8 liệt sĩ trên may mà các chị còn lần ra được họ tên, quê quán, có người xác nhận đã hy sinh. 6 trường hợp còn lại chỉ có tên gọi như "chị Hai đòn gánh", " chị Sáu Gà", " Bác Tư cơm tấm" (là những cơ sở bí mật trong nội thành Sài Gòn) không thể tìm ra tên thật, quê quán nên chưa thể làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho họ được. Chị Quân nói: "Phương châm hoạt động của lực lượng biệt động nội đô quy định là: Chỉ có người lãnh đạo trực tiếp mới biết rõ người được giao việc, chuyện ai làm người đó biết, người khác không thể biết. Không hỏi tên, tuổi, gia cảnh, quê quán". Vì không biết được quê quán 6 đồng đội đã hy sinh, nên hồ sơ liệt sĩ của họ không thể làm được.
oOo
Chị Quân đã trải qua một tuổi thơ dữ dội. Thời thơ ấu của chị chỉ thấy một màu thuốc súng; chỉ thấy chống càn, chống cướp đất, chống tăng tô. Có lần các chị leo lên cây dừa lấy bẹ làm súng giả, sơn đen, ban đêm nhìn rất giống súng thật. Bằng thứ "vũ khí" này các cô gái tuổi 13, 14 như chị thuở đó đã làm cho tên trưởng ấp vãi đái ra quần, bị các chị bắt giao cho các cô chú cách mạng. Để có súng thật, các chị bày ra kế treo cờ xanh - đỏ - ngôi sao vàng trên cây dừa cao, cốt cho lính bảo an trong đồn Phú Thứ nhìn thấy. Treo xong lấy dầu mỡ bôi trơn phần trên thân cây dừa, rồi núp đợi. Hai lính bảo an nhận lệnh phải hủy lá cờ này. Một đứng dưới gốc cây dừa canh gác. Một dựng súng dưới đất, trèo lên và... rơi xuống cái bịch! Lập tức các chị đồng thanh hô: "Bắt lấy tay sai. Bắt, bắt...", và khua mõ vang rền, làm lính đứng canh bỏ chạy thục mạng. Chị nhanh chóng cướp súng của gã lính bị té rồi... chạy.
Năm 1954, gia đình chị được điều đến điểm tập kết ở Kiên Giang chuẩn bị ra Bắc. Nhưng cuối cùng gia đình được lệnh ở lại miền Nam. Ở điểm tập kết, chị thường được một chú tên Tâm dẫn đi xem văn nghệ. Một hôm địch đi càn, chú Tâm bị chúng bắt dẫn ra đầu làng. Chị nhìn thấy lính Diệm tra tấn, mổ bụng chú. Trước khi chết chú còn ráng hô to: "Đả đảo". Lòng căm thù trong cô bé bùng lên. Hình ảnh chú Tâm, như chị nói "chất phác, thương người, nghĩa khí"..., với chị là tấm gương cách mạng đầu tiên, là sự hy sinh dũng cảm nhất mà chị biết trong cuộc đời, cả khi còn cầm súng lẫn khi đã về hưu. Thời khắc bi tráng đó đã giúp chị hiểu phần nào vì sao các cô, chú lại bỏ làng, bỏ nhà đi làm cách mạng.
Từ đó chị hăng hái tham gia công việc các cô chú giao. Khi đưa thư, chuyển tài liệu; hướng dẫn thuyền đưa quân sang sông; khi thì vào đồn làm thân với con em lính để điều nghiên các mục tiêu rồi về báo lại cho các cô, các chú. Năm nổ ra Đồng Khởi, chị vào Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam. Năm 14 tuổi, chị được bầu làm Phó bí thư Xã Đoàn, rồi Xã đội phó phụ trách lực lượng du kích, dân quân; hướng dẫn nhân dân làm hầm chông và kêu gọi lính cộng hòa bỏ ngũ. Chính quyền Diệm treo giải ai bắt được chị sẽ thưởng lớn. Năm 1962, chị được đề nghị kết nạp vào Đảng, nhưng vì thiếu tuổi (15 tuổi) nên địa phương không kết nạp được. Hồ sơ được chuyển vượt cấp lên trên và Tỉnh ủy Cần Thơ đã chuẩn y. Tại buổi lễ kết nạp Đảng ngày 13.12.1962, chị được tổ chức đặt cho tên Lê Hồng Quân.
Năm 16 tuổi chị chính thức nhập ngũ, được điều về một đơn vị thuộc bộ đội Tây Đô. Sau đó, theo chủ trương của Trung ương cục miền Nam, cuối 1965 chị được điều động tăng cường cho chiến trường Sài Gòn - Gia Định. (Còn tiếp)
Nguyên Thủy - Văn Nhiều
Bình luận (0)