Phiên giao dịch ngày 10.12, lần đầu tiên trong tháng 12 khối nhà đầu tư nước ngoài có phiên mua ròng trên sàn TP.HCM. Đây cũng là phiên mua ròng hiếm hoi từ cuối tháng 9 trở lại đây. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào gần 21,7 tỉ đồng, chiếm 13,66% khối lượng giao dịch trên thị trường trong khi lượng bán ra chỉ bằng 1/3 mua vào, chiếm 5,13%. Phiên giao dịch ngay sau đó, khối ngoại lại tiếp tục đẩy mạnh giá trị mua ròng. Nếu để ý một số phiên giao dịch trước đó, giao dịch của khối ngoại cũng đã bắt đầu có sự thay đổi, xu thế bán ròng đã giảm xuống, còn lượng mua vào được đẩy lên.
Động thái mua ròng của khối ngoại cộng với sự sụt giảm rất thấp của nhiều loại cổ phiếu khiến không ít nhà đầu tư trong nước phán đoán, chứng khoán đã đến thời điểm có thể đầu tư. Đó là chưa kể đến khoản kích cầu trị giá hàng tỉ USD mà Chính phủ đưa ra cũng có tác dụng "động viên" tinh thần của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường ảm đạm hiện nay. Với những lý do này, nhiều cổ phiếu đã xanh trở lại do lượng cầu tăng trong nhiều phiên giao dịch tuần qua.
Thế nhưng, không như dự đoán của nhiều người, sau khi mua ròng vài phiên liên tục, khối ngoại lại quay đầu bán ra. Tại phiên giao dịch ngày 12.12, khối ngoại đã bán ra 14,21% giao dịch toàn thị trường, trong khi mua vào chỉ chiếm 12,73% giao dịch toàn thị trường. Điều khiến nhiều người lo ngại là danh mục bán ra của khối ngoại có hàng loạt cổ phiếu blue-chip như DPM (của Tổng công ty phân đạm và hóa chất dầu khí), SSI (Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn), REE (Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE)...
Nhìn tổng quan giao dịch của khối ngoại, nhiều ý kiến cho rằng, khối ngoại đang dùng chiến thuật "câu, nhử" để việc bán ra được thuận lợi hơn trong tình trạng giao dịch ảm đạm trên thị trường. Xét về mặt nào đó, họ đã khá thành công bởi sau vài phiên đẩy mạnh mua ròng, nhiều cổ phiếu đã tăng giá và đó chính là lúc họ đẩy mạnh bán ra với khối lượng lớn. Vì vậy, các nhà đầu tư trong nước phải hết sức tỉnh táo nếu vẫn coi giao dịch của khối ngoại là kim chỉ nam trong quyết định đầu tư của mình.
Một vấn đề quan trọng khác cũng được giới chuyên gia chứng khoán phân tích rất kỹ, đó là gói kích cầu 1 tỉ USD của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Phòng Phân tích cơ bản của Công ty chứng khoán Đại Việt, có vẻ như các nhà đầu tư đang "hiểu nhầm" đối tượng chính và gián tiếp được hưởng lợi từ gói giải pháp này. Những công ty bất động sản không phải là đối tượng được hưởng từ gói giải pháp 1 tỉ USD, mà gói này chủ yếu để xây dựng cơ sở hạ tầng, căn hộ phục vụ cho sinh viên, đối tượng có thu nhập thấp. Rất nhiều cổ phiếu bất động sản đã "ăn theo" tăng giá do sự hiểu nhầm của các nhà đầu tư về đối tượng hưởng lợi từ gói giải pháp của Chính phủ.
Thông tin hỗ trợ không thiếu nhưng tại thời điểm này, các nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng trong quyết định đầu tư của mình để tránh thiệt hại về tài chính trong bối cảnh thị trường nhiều rủi ro hiện nay.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)