Cải cách hành chính: Vẫn ngập trong giấy

23/12/2008 09:39 GMT+7

Quá nhiều báo cáo văn bản gửi về, xử lý không xuể... cũng bởi sợ trách nhiệm, không dám sử dụng văn bản trên mạng...

Giảm văn bản, giấy tờ, làm việc ngày thứ bảy... là những chủ trương cải cách hành chính nhằm giúp bộ máy vận hành trơn tru và tạo thuận lợi cho người dân. Thế nhưng, sau một thời gian thực hiện, kết quả lại đi ngược với mong muốn.

Giảm giấy tờ, văn bản: Giấc mơ dài!

Bắt đầu từ Chỉ thị 10/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 25/2006/CT-UBND của UBND TPHCM, các cơ quan Nhà nước tại TPHCM được lệnh dốc sức trị bệnh lạm dụng văn bản, giấy tờ hành chính khi giải quyết công việc cũng như tình trạng in ấn, sao chụp và gửi văn bản, tài liệu tùy tiện, lãng phí. Vậy mà hơn 2 năm sau, các đơn vị hành chính vẫn ngập trong giấy.

Bà Tuyết Mai, văn thư của Văn phòng HĐND và UBND quận Tân Bình, cho biết mỗi ngày có 50-70 văn bản từ các nơi gửi đến. “Nếu lấy trung bình 50 văn bản/ngày, tính ra một năm có thể nhận tới 18.250 văn bản”- bà Tuyết Mai nhẩm tính. Chưa hết, nhiều văn bản phải sao y và lưu lại với thời gian ít nhất là 3 năm nên dù quận Tân Bình dành cả một tầng hầm để lưu trữ nhưng cũng sắp... không đủ. Một cán bộ phụ trách khiếu nại tố cáo của quận này kể anh nhận hơn 1.000 đơn/năm. Mỗi đơn như vậy lại có rất nhiều văn bản hỏi ý kiến các nơi, xác nhận, xử lý...

Cũng lâm vào tình trạng kho lưu quá tải là quận 1. Theo bà Hoàng Thị Tố Nga, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận 1, quận nhận 120-150 văn bản/ngày. Đến tháng 11-2008, tổng cộng số văn bản nhận được vượt hơn năm 2007 là 2.000 - 3.000 văn bản. “Nhiều nhất là văn bản đến từ UBND TP, Sở Xây dựng trong lĩnh vực nhà đất. Toàn bộ văn bản đến phải được xử lý trong ngày để chuyển cho các phòng, ban chuyên môn. Quận có 2 cán bộ văn thư nhưng cũng quá tải”- bà Nga nói.

Nguyên nhân chính: Sợ trách nhiệm!

Theo lãnh đạo các quận, lạm phát văn bản là do mỗi vấn đề dù lớn hay nhỏ đều phải có văn bản chỉ đạo riêng thay vì lồng ghép nhiều nội dung lại cho gọn. “Thêm vào đó là hệ thống báo cáo theo ngành dọc quá nhiều. Tháng 12 các bộ, ngành báo cáo năm cho Chính phủ nên mới tháng 9 đã bắt các phòng ban cấp quận-huyện làm báo cáo để gửi lên cho kịp. Quá nhiều báo cáo, lại phải viết sớm nên chuyện báo cáo chất lượng thấp, rập khuôn các năm trước là điều dễ hiểu”- một phó chủ tịch quận phân tích. Theo ông này, nên gom đầu mối báo cáo về văn phòng HĐND và UBND quận-huyện, ngành nào cần báo cáo thì đưa ra tiêu chí đánh giá, số liệu yêu cầu để quận-huyện tổng hợp vào một báo cáo chung.

Hiện quận 1 là đơn vị đi đầu áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính nên trông chờ vào nhập liệu thông tin để giảm tải kho lưu. “Năm 2006, quận 1 vừa cập nhật văn bản trên mạng vừa lưu kho. Từ đầu năm 2008, 100% văn bản đến được scan và chỉ lưu bản chính. Quận đã cơ bản nhập liệu xong hệ thống thông tin hộ tịch và đang nhập liệu thông tin nhà đất. Nếu hoàn tất, các công tác chuyên môn sẽ thao tác được trên máy và giảm áp lực giấy tờ”- bà Hoàng Thị Tố Nga nói. Còn ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết: “Quận đã nối mạng trong trụ sở UBND quận và 16 phường bên ngoài. Ngoài các loại văn bản áp dụng như nghị định, thông tư... phải lưu bản chính, những văn bản còn lại truyền qua mạng, không cần in ra”.

Như vậy, rõ ràng không phải là không có cách trị bệnh giấy tờ, nhưng nói như chủ tịch một quận: “Cái chính là phải tự cải tổ nội bộ vì vướng mắc lớn nhất là căn bệnh sợ trách nhiệm. Cán bộ nào cũng phải đòi văn bản giấy trắng, mực đen, con dấu đỏ chứ không dám sử dụng văn bản trên mạng”.

Làm việc ngày thứ bảy: Cần điều chỉnh

Tháng 8-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 127/QĐ-TTg về làm việc ngày thứ bảy. Sau hơn một năm thực hiện, nhiều người đang băn khoăn giữa hiệu quả và sự tốn kém của chủ trương này.

Áp dụng công nghệ thông tin cũng... khổ!

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND quận 1, nêu cái khó của một quận đi đầu về công nghệ thông tin: “Các loại thủ tục qua mạng như đăng ký kinh doanh, trích lục khai sinh, khai tử, đăng ký lao động... có thể giảm văn bản. Tuy nhiên, giấy tờ qua mạng chưa có giá trị pháp lý nên người dân vẫn phải lên quận lấy giấy đóng dấu. Do đó, cần bảo đảm giá trị pháp lý cho các loại giấy tờ này”.

Ghé qua một số trụ sở UBND quận, phường và một số sở, ngành làm việc ngày thứ bảy như công an, thuế, xây dựng..., chúng tôi nhận thấy rất ít người dân đến giao dịch. Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Văn phòng HĐND và UBND quận Tân Bình, cho biết ngày thứ bảy có khoảng 10-20 người dân (bằng 1/10 ngày thường) chủ yếu đi chứng thực, mua mẫu đơn và hỏi thông tin chứ không làm thủ tục. Tại quận 1, số người đến có đông hơn, xấp xỉ 40 người nhưng theo bà Hoàng Thị Tố Nga, tổng số hồ sơ trong tuần lại không tăng, chứng tỏ không giải quyết được thêm hồ sơ như mục tiêu của chủ trương.

Số khách đến không bao nhiêu nhưng các đơn vị vẫn phải huy động nhân sự gồm tổ tiếp nhận hồ sơ, đơn vị thụ lý có liên quan, lãnh đạo quận trực. Hệ thống điện, nước, máy tính cũng phải vận hành. Một cán bộ cải cách hành chính nhận định: “Hiện nay, chỉ có các phòng công chứng và Sở Kế hoạch - Đầu tư đông khách ngày thứ bảy. Quyết định của Chính phủ nói rõ nếu thủ tục nào giải quyết được trong ngày mới giải quyết, các thủ tục khác vẫn hẹn lại. Nếu chỉ đến để nhận giấy hẹn thì người dân đi vào ngày thường hơn là ngày nghỉ thứ bảy”. “Ít khách quá nên chúng tôi sử dụng ngày thứ bảy để phổ biến thời sự cho cán bộ. Do đó, phải so sánh hiệu quả và những tốn kém để có điều chỉnh phù hợp”- một lãnh đạo quận nhận xét.

Theo Thái Viên (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.