Cần có lộ trình hạn chế xe cá nhân
Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM - ông Trần Quang Phượng - đến nay toàn TP có gần 3,7 triệu xe máy và 370 nghìn ô tô cá nhân, chưa kể một số lớn xe cá nhân từ các tỉnh, thành khác. Hiện mỗi ngày có gần 1 nghìn xe máy và khoảng 100 ô tô cá nhân đăng ký mới. Trong khi đó, sau 6 năm phát triển (từ năm 2002), các phương tiện vận tải hành khách công cộng - xe buýt và taxi - chỉ mới đáp ứng được 7% nhu cầu đi lại của người dân TP. Hiện mỗi ngày có 1,2 triệu lượt người sử dụng phương tiện giao thông công cộng, trong khi nhu cầu đi lại của toàn TP khoảng trên 15 triệu lượt người/ngày.
Theo TS Nguyễn Văn Hùng - Phó giám đốc Đại học GTVT: “Đã đến lúc phải thay thế xe cá nhân bằng phương tiện vận tải khác. Nhưng nếu thay đổi quá đột ngột, không có tính kế thừa, sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi”. Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Thị Bích Hằng - Đại học GTVT (cơ sở 2) - cho rằng, nếu ngay lập tức sử dụng các biện pháp hành chính để hạn chế người dân sử dụng xe cá nhân trong TP thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Việc TP.HCM cần làm lúc này không phải là lựa chọn giữa giao thông cá nhân hay giao thông công cộng mà là tạo sự giao thoa, phối hợp nhịp nhàng giữa hai loại hình này.
Ông Lê Trung Tính đề xuất thu phí xe cá nhân với mức khởi điểm là 10.000 đồng/tháng đối với xe gắn máy và 20.000 đồng/tháng đối với ô tô cá nhân. Ước tính TP sẽ thu được từ 700-800 tỉ đồng/năm, có thể sử dụng trợ giá cho xe buýt. Lúc đó, ngân sách trợ giá sẽ được dùng đầu tư xây dựng đường mới, metro... |
Xe buýt cần xem lại mình
TS Trịnh Văn Chính - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển GTVT - nhận định xe buýt hiện nay chỉ mới khai thác được một phần công suất. “Nếu thu hút được ít khách hàng thì xe buýt cần phải xem lại mình. Tối ưu hóa chất lượng dịch vụ, phân bố lại mạng lưới luồng tuyến... là những việc xe buýt cần và có thể làm ngay để thu hút hành khách” - ông Chính nói.
Ông Lê Trung Tính – Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp Sở GTVT - cho biết mặc dù Sở đã có nhiều cố gắng thay đổi nhưng hệ thống xe buýt còn bộc lộ nhiều yếu kém như trùng tuyến, tốc độ thấp (16 km/giờ), khoảng cách từ nhà dân ra trạm xe buýt còn xa, nhiều xe buýt bắt đầu xuống cấp, chất lượng phục vụ chưa tốt... Thêm vào đó, TP chỉ có 14% tuyến đường phù hợp với hoạt động của xe buýt...
PGS-TS Phạm Xuân Mai -Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - trường ĐH Bách khoa TP.HCM - đề xuất trước mắt TP nên phát triển ngay loại hình xe buýt nhanh (BRT) vì có ưu điểm giải tỏa cùng lúc lượng hành khách lớn, trong khi vốn đầu tư thấp hơn 20-30 lần metro và thời gian xây dựng chỉ mất 12-18 tháng. Còn metro, tramway, monorail... là phương thức vận tải hành khách công cộng lâu dài để đáp ứng nhu cầu người dân.
M.Vọng - Đ.Mười - P.Thanh
Bình luận (0)