Bạo lực học đường vì thiếu hiểu biết!

26/12/2008 11:36 GMT+7

Học sinh (HS) hiểu biết về pháp luật quá ít; gia đình, nhà trường và xã hội chưa tích cực quan tâm đến tâm sinh lý của các em… Đó là những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường được nêu ra tại buổi tọa đàm “Bạo lực trẻ em trong nhà trường - thực trạng và giải pháp”, do Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM tổ chức sáng 25-12-2008.

Báo cáo sơ bộ của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho thấy trong năm 2008, riêng TP.HCM có 18 HS bị khởi tố bởi các tội danh nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, phá hoại tài sản nhà nước…

Chủ soái, chiến đấu, nữ bang hội…

Đã xảy ra nhiều trường hợp HS giết người chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ nhặt như lời qua tiếng lại, xô xát, thù vặt, ghét thái độ… Các băng, nhóm sặc mùi côn đồ được hình thành ngay trong lớp học, có “chủ soái”, có vũ khí “chiến đấu”. Mặt khác, do thiếu hiểu biết về pháp luật, các em không nhận thức được những hành vi như giao cấu với bạn gái ở tuổi vị thành niên, hay chỉ đơn giản là cắt trộm dây điện đem bán lấy vài chục ngàn đồng ăn chơi, cũng có thể bị xử lý với mức án rất cao. Rồi tình trạng HS thủ dao găm trong cặp đâm bạn, các “nữ bang hội” lột áo bạn học giữa đường, trò đánh thầy… được các thầy cô giáo và phụ huynh nêu ra tại buổi tọa đàm như những lời cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận HS hiện nay.

Một số xu hướng bạo lực từ gia đình và thầy cô giáo đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách hành xử của học sinh với bạn bè và những người xung quanh. Bà Trần Thị Hiền, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bé, Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ: “Thực tế cho thấy nhiều sinh viên sư phạm ra trường chưa có nhiều kỹ năng xử lý tình huống trong lớp học, kỹ năng ứng xử và phân tích tâm lý học trò, vì vậy khó tránh khỏi tình trạng giáo viên không làm chủ được mình dẫn đến bạo lực với học trò”. Không hiếm trường hợp người thầy gây ra bạo lực trong trường, và cũng đã xảy ra rất nhiều trường hợp thầy cô giáo trở thành nạn nhân của hành động thiếu kiềm chế của học trò.

Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Bình Thạnh, TP.HCM) đã ký kết với chính quyền địa phương kế hoạch hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự trong trường học, nhằm giảm thiểu tình trạng tụ tập băng nhóm, gây hấn ở khuôn viên trường. Trường cũng niêm yết công khai các hình thức kỷ luật đối với HS gây bạo lực và mở một phòng tư vấn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của HS nhằm có giải pháp xử lý kịp thời.

Các ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm cho thấy việc định hướng thái độ, suy nghĩ cho HS chưa được quan tâm đúng mức. Việc các em tự mày mò tìm hiểu thế giới xung quanh và bị ảnh hưởng bởi lối sống lai căng là hệ quả của sự thờ ơ từ người lớn. Các chuẩn mực đạo đức ở HS, hơn bao giờ hết, đang bị lung lay, lệch lạc chính bởi nền tảng gia đình và nhà trường không bền vững.

Giảng dạy kỹ năng sống trong nhà trường

Hiện nay, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong nhà trường chỉ còn duy trì 2 tiết/tháng (trước đây là 4 tiết/ tháng). Nhiều trường dạy qua loa, chiếu lệ, chưa tận dụng thời gian này để cung cấp kiến thức pháp luật, tư vấn tâm lý, rèn kỹ năng ứng xử cho HS. Các trường phổ thông có bộ môn kỹ năng sống chỉ đếm trên đầu ngón tay, và 43 điểm tư vấn học đường quả thật quá ít ỏi so với số HS cần được chia sẻ trên địa bàn TP.HCM.

Nhiều giải pháp nhằm giảm tỉ lệ bạo lực học đường được mổ xẻ tại buổi tọa đàm đều xoay quanh việc HS cần được bổ trợ kiến thức về kỹ năng sống và hoạt động xã hội. Trong đó, lồng ghép giảng dạy kỹ năng sống trong nhà trường để tập cho HS nói không với cái xấu, biết chọn lọc tiếp thu các luồng văn hóa, khi khó khăn biết gọi số điện thoại nào để được giúp đỡ... chính là giải pháp tối ưu để giảm nhanh bạo lực học đường. Ông Võ Phi Châu, Phòng LĐ-TB&XH quận 4, phát biểu: “HS hiện nay ít được người lớn chia sẻ, các em thường bị ảnh hưởng bởi tác động xấu từ bạn bè. Vì vậy nên có các phòng tư vấn ở địa phương và trường học để các em được nói, được đối thoại với người lớn và giải quyết các khúc mắc”.

Bà Nguyễn Thị Hường, hiệu trưởng Trường THCS Bình Quới Tây (Bình Thạnh), cho rằng hoạt động sinh hoạt đoàn thể - nơi có thể tạo ra môi trường thân thiện, giáo dục kỹ năng sống cho HS - hiện đang bị hình thức hóa do nhiều yếu tố. Mặt khác, các tiết học giáo dục công dân trong nhà trường cần được khai thác để trở thành nơi rèn giũa đạo đức, lối sống cho HS. Giáo dục giới tính cho HS không phải khô cứng trong giờ sinh học mà là các buổi ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp để giáo viên - HS có sự tương tác lẫn nhau. Bà Hường chia sẻ: mô hình tư vấn ở trường học cần làm việc với không chỉ HS mà cả giáo viên, phụ huynh. Nhà trường cần thường xuyên đối thoại với phụ huynh để quan tâm, giáo dục các em sâu sát và có tính liên kết hơn nữa.

Theo Lưu Trang - Trung Cường (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.