Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đi qua cửa khẩu Nậm Cắn để vào Lào là sự nhất quán trong kiến trúc nhà ở của người dân nước bạn. Đơn giản, một tầng, thấp, hai mái chính rất thoải kèm các mái phụ giật cấp phía mặt tiền theo kiểu châu u, cửa ít nhưng rộng chiếm hầu hết trong số những ngôi nhà xây, kể cả công sở, trường học từ vùng Bắc Lào là nơi sinh sống của người Lào Sủng (Hmông), đến Trung Lào là nơi cư ngụ của người Lào Lum (như người Kinh ở Việt Nam), đến vùng Nam Lào, có nhiều người Khme (Lào Thơng).
Để có được sự nhất quán như vậy trong xây dựng ở một quốc gia có đến hơn 50 dân tộc và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo với kiến trúc chùa chiền là điều khiến chúng ta cần phải suy nghĩ.
Gần 2 tuần ở Lào và đi trên xe hơi trên hành trình gần 2 ngàn cây số từ Bắc xuống Nam Lào, không thấy một tiếng còi xe, trừ tiếng còi của hai chiếc xe mà chúng tôi đang chạy! Trong những thành phố lớn như cố đô Luang Prabang hay thủ đô Vientiane, xe cộ chấp hành đèn đỏ và luồng đường rất nghiêm túc dù không hề thấy cảnh sát giao thông.
Trang phục của lực lượng này rất đẹp, thái độ thì nhã nhặn, khi chúng tôi chạy quá tốc độ từ Nhà máy thủy điện Nam Ngum về Vientiane, họ chặn xe và chỉ hỏi: “Đi đâu mà nhanh thế?”. Các trạm thu phí giao thông ở Lào thậm chí còn không có cả barie, đến nơi, xe tự dừng mua vé.
Một người dân ở Savannakhet dừng xe ô tô và bỏ giày để cung tiến thức ăn cho một đoàn nhà sư đi khất thực - Ảnh: L.Q.P |
Văn hóa xe hơi ở Lào khác hẳn Việt Nam. Đại đa số, kể cả dân thành phố chỉ mua xe pick up chạy diesel, tức loại xe có thùng phía sau cho tiện sinh hoạt. Trong khi ở Việt Nam loại xe này không được ưa chuộng. Động cơ diesel cũng bị dân ta chê là ồn, không đúng mốt dù tiết kiệm nhiều chi phí nhiên liệu.
Những ngày ở Lào chúng tôi dành nhiều buổi sáng để chụp ảnh những đoàn nhà sư, tiếng Lào gọi chung là “chau hủa” lên đường đi “vin bạt” - tức khất thực.
Tùy theo gia cảnh, người dân Lào tự nguyện dâng thức ăn mỗi ngày cho các nhà sư và coi đó là cách để bày tỏ lòng tôn kính đối với tôn giáo chính của quốc gia. Người cung tiến có khi rất già nhưng vẫn bỏ giày dép, quỳ gối, vái lạy và nâng thức ăn lên quá đầu trước một “chau hủa” chỉ đáng tuổi con cháu. Không ai lợi dụng phong tục này để ăn xin. Ăn xin cũng không hề có dù thu nhập đầu người của nước bạn còn ở dưới 1.000 USD/năm. Ở các khu du lịch, cũng không thấy cảnh mời chào, chèo kéo mua đồ lưu niệm.
Trước chuyến đi chụp ảnh, viết bài của các nhà báo Việt Nam theo thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo hai nước, chúng tôi được bày một số câu tiếng Lào.
Nhưng chốt lại, các anh bảo chỉ cần nói “xa bai đi”, tức “xin chào”. Chúng tôi đã đi qua nhiều tỉnh, chụp hàng vạn kiểu ảnh mà không hề gặp một trở ngại gì. Tất cả đều “xa bai đi” lại và tươi cười, cho dù đó là một cảnh sát giao thông ở Xieng Khoang hay những cô gái đang tắm lộ thiên dưới sông ở Vang Vieng, một khu du lịch thuộc tỉnh Vientiane.
Điều này khiến chúng tôi, những phóng viên ảnh vô cùng dễ chịu. Đến, đi, giao tiếp (dù chẳng biết tiếng) và chụp ảnh ở Lào, mới chợt nhận ra rằng dù không lấy nụ cười làm biểu tượng cho ngành du lịch như ở Việt Nam, nhưng sự thân thiện có thể gặp ở bất cứ đâu trên đất bạn. Nụ cười, sự thân thiện trong giao tiếp, văn hóa khi tham gia giao thông, bộ mặt trong kiến trúc... đó cũng là những điều đáng được bàn đến ở Việt Nam.
Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)