Hoa đào trong lũng

27/12/2008 12:48 GMT+7

Đêm qua, gió thổi bần bật miếng tôn gỉ duy nhất còn lại ở chái sau nhà, nơi ba người kê hai cái giường ngủ. Một tuần trước, miếng đầu tiên đã bị bóc đi, rồi lần lượt đến những miếng khác. Miếng xa nhất bị gió quăng đến tận đáy thung lũng. Những mảnh kim loại hiếm hoi được bà già lượm từ mấy cái lán, nơi cánh công nhân làm đường cũ bỏ đi. Họ phải nẹp cỏ khô vào mấy cái nan tre, cột chặt lên thay tạm.

  Mời nghe đọc toàn bộ tác phẩm

Bà già thức giấc lúc nửa đêm, mới ở cái tuổi chưa đến sáu mươi nhưng những triệu chứng của tuổi bảy mươi đã từ lâu hành hạ cơ thể bà. Quờ tay với cây đèn chai trên đầu giường, phải tốn đến que diêm thứ năm cây đèn mới tỏa lên một quầng sáng phập phù, bà lần ra sau chuồng gà. Cửa chuồng mở toang, gió thổi suốt đêm vẫn không xua nổi thứ mùi hôi đặc trưng của đám chồn núi. Con gà mẹ nép mình vào góc xa nhất. Bà lật dưới cánh nó, lũ gà nhép vừa  đầu hôm bảy con, giờ chỉ còn lại hai búm lông vàng bết bệt nằm nép dưới đôi cánh xác xơ của con gà mẹ.

Bà cột lại cửa chuồng. Gió siết qua hẻm núi tạo thành những âm ghê rợn. Bóng cái đèn chai lắc lư như một con đom đóm gan lì trong gió.
- Chúng nó lại bắt hết năm con nhép rồi!
- Thôi mẹ ngủ đi. Giữ làm gì nữa! Có muốn giữ cũng được đâu! - Cô con gái làm nhàm úp mặt vào vách, sau khi túm lại mẩu chăn che lên hai cẳng chân vàng vọt dưới ánh đèn.

Bà quay sang giường bên, nhấc ngọn đèn soi ngang mặt đứa cháu gái. Một dòng nước miếng chảy xuôi má nó, rớt xuống lớp nệm rơm bên dưới. Bà vén vạt áo, quẹt sạch.

Dưới bếp, đống than đã nguội hẳn. Mùa này gió nhiều, bà không dám ủ than qua đêm để tiết kiệm diêm, dù củi không bao giờ thiếu. Chỉ cần một cái tàn bung lên, căn lều nơi ba người trú ngụ sẽ biến thành một bó đuốc. Lúc ấy chẳng biết kêu ai. Ngôi làng gần nhất cũng cách đấy vài cây số, qua mấy ngọn núi. Bà lom hom nhóm lại bếp lửa, đặt ấm nước đầu ngày. Ấm nước sôi. Đám than còn lại đủ lùi ba củ khoai. Sáng dậy ba người có cái ăn.

Gió thổi mãi đến gần sáng thì ngớt. Khi bà mở cửa trước bước ra ngoài, sương đã giăng tím đáy lũng. Cái lạnh làm cho lớp da vốn đã khô trên hai cánh tay bà, giờ mốc trắng, quệt nhẹ sẽ tung lên thành một đám bụi li ti. Bà cắp cái rổ, băng ngang con lộ. Đám đậu đũa trồng từ hồi đầu mùa mưa, có lẽ cho được rổ này nữa thì kiệt. Gió về, đồng nghĩa với mùa khô bắt đầu. Cái mùa khủng khiếp. Ba người đói đến quắt mặt. Một thùng nước ăn cũng phải lội xuống đến đáy lũng, may ra mới hứng được vài giọt rỉ từ kẽ đá. Cây cỏ vàng một màu bụi. Rừng nổ đôm đốp, có thể phát cháy bất kể lúc nào.

Con đường trườn qua đám sương như một con rắn khúc khuỷu vắt ngang mấy sườn núi. Bà chẳng biết nó khởi nguồn từ đâu, đi về đâu. Khi nó bắt đầu được tráng nhựa, đám xe hàng mới chạy qua lác đác, bà đã lên dựng cái chòi này. Xa hẳn làng xóm, xa hẳn con người, xa hẳn những ám ảnh tháng ngày quá khứ...

Cô con gái trở dậy lúc bà vẫn chưa về cùng cái rổ. Đặt hai chân xuống đất, tém lại mái tóc rồi, cô vẫn ngồi thừ ra đấy một lúc. Con bé xoay ngang mặt giường, gác hai chân sang vị trí trống mà bà nó để lại. Gọi là giường nhưng đúng ra là cái ổ, được kết bởi những cành củi khô khá thẳng, trên lót rơm. Cô ngủ riêng một giường bên này, hai bà cháu bên kia. Chỉ có con nít ngủ say mới chịu nổi cái thói lục đục nửa đêm rạng ngày của người già.

Mặt trời rọi những ánh đầu tiên khi đám sương dưới lũng vẫn chạy quẩn. Ở trên này trời bao giờ cũng sáng sớm hơn dưới làng. Cô quơ đôi thùng nhựa sứt mép, lồng vào đòn gánh. Mặt đường mới làm mấy năm đã tróc lên từng mảng lớn, lộ ra những cục đá to bằng nắm tay. Nơi hiểm địa này thời tiết khốc liệt, chỉ cần vài tuần lễ nắng cong mình, rồi những cơn mưa giữa mùa tống từ sườn núi xuống, đám nhựa đường bắt đầu nứt hằn ngang dọc, rồi bị xới tung lên, tuột thẳng xuống đáy lũng.

Khi thùng nước đầu tiên được cô bưng lên bờ suối thì có tiếng ì ì từ xa vọng lại. Cô đứng dỏng tai. Tiếng ì ì càng lúc càng lớn. Tay cô tự nhiên run lẩy bẩy. Thùng nước thứ hai được vục lên, lẫn đầy bùn, cô mặc, vội vã lồng đòn gánh, tất tưởi ngược bờ đất dốc đứng.

***

Cô chỉ nhớ nụ cười đầu tiên của hắn kèm theo một câu nửa chào, nửa cợt nhả:
- Em ơi, gánh nước đâu về sớm thế? Để anh phụ cho!

Tất nhiên cô không trả lời. Mặt cúi xuống hai bàn chân bước vẹo vọ trên lớp nhựa đường tróc lở. Hai bàn chân đã nhiều năm không mang dép, mười ngón tõe ra, vàng bụi, lớp da phía dưới dày và chai như nhựa.

Đấy là đội sửa đường. Bà già đã đứng đợi cô dưới mái lá. Ánh nhìn như xoáy vào mắt cô:
- Đứa nào vừa gọi mày thế?!
- Thì con có biết đâu. Người ta ở ngoài đường...
- Cô vào sau bếp cho tôi. Đừng có mà lú mặt ra nữa nhé!

Cô vào. Quẳng ịch hai thùng nước. Khuôn mặt tái nhợt. Cô đi loanh quanh nơi chái bếp, không nhớ nổi công việc tiếp theo hằng ngày của mình là gì. Tiếng con bé đâu từ sau nhà:
- Mẹ về đấy hả? Còn củ khoai con để trên giàn bếp ấy.

Cô sực ra. Với tay lấy củ khoai. Bàn tay cạo lớp bụi than vẫn run lên. Lại có tiếng người:
- Bu ơi, nhà có nước không? Làm ơn cho con một ngụm, khát sắp chết rồi!
- Các anh đi làm, người ta không cho nước mà uống à?

Chẳng biết có phải tiếng hắn không, cái kẻ hồi nãy. Trong một cái nhìn vạt ngang, nhanh hơn ánh chớp, cô nhớ nụ cười vàng khói thuốc lá dưới vành nón bảo hộ, cùng sắc da nâu nhãy. Đấy là người đàn ông đầu tiên sau rất nhiều ngày cô chạm mặt. Nghe nói cung đường đâu dưới kia đã bị sạt trong mùa mưa. Xe cộ qua lại bặt hẳn. Lâu lâu chỉ còn lầm lũi vài bóng người dân tộc thiểu số, gùi oằn vai, gánh chút nông sản đi mỏi miết về đâu chẳng biết.

- Làm gì có nước chở lên cho bọn con tận đây hả bu? Gặp suối thì uống, gặp sông thì tu. Cơ mà ở đây thì chịu rồi! Bu không cho, con đến chết khát!
- Chúng tôi cũng đều phải xuống suối mà gánh cả. Anh có khát xuống đấy tìm mà uống!
- Con lạy bu mà, khát đến chết rồi, biết tìm suối ở đâu?

Cô chỉ muốn xông thẳng ra nhà trước. Người ta đã nài nỉ thế rồi, đến sắt đá cũng mềm, sao mẹ nỡ lòng nào? Cô nghĩ đến đấy thì bà già lệt sệt xuống bếp. Trước khi ra thùng nước, mắt bà kịp liếc cô thêm lần nữa. Cô ngoảnh đi. Nửa củ khoai còn dở trên tay.

Suốt hôm ấy tiếng ì ì của cái xe ủi quẩn đầy tâm trí cô. Thảng dăm phút lên nhà, cô liếc nhanh, những bóng người lố nhố, áo xanh bạc màu, khăn quấn kín mặt, lẫn trong đám bụi bốc lên từ mặt đường rần rật. Nhìn đã đủ thấy khát.

Đêm xuống, có ánh lửa bập bùng. Mấy ngôi trại dã chiến dựng chênh vênh nơi sườn núi. Tiếng người, tiếng hát lao xao, kéo đến nửa khuya thì lịm. Gió giật đùng đùng tấm tôn còn lại. Cô nằm, ráng thở đều, nhưng vẫn không tài nào ngủ được. Hai con mắt cay xè, mở chòng chọc trong bóng tối. Cô vừa chợp một lát, bà già đã dậy. Gần như đêm ấy cô trắng giấc.

Mấy cái lán nằm yên trong buổi mai còn xám màu sương. Mặt đường được tưới một lớp hơi mỏng, đen thẫm, mát lạnh dưới chân. Cô gắng kềm cho hai thùng nước khỏi rên lên cót két. Qua khỏi mặt đường, bóng cô mau chóng lẫn vào đám cỏ cao ngút đầu người.
- Cô gánh nước sớm thế?

Cái thùng rơi bẹt xuống mặt suối bắt đầu cạn nước. Theo phản xạ tự nhiên, cô đưa tay ôm ngang ngực, nén những hơi thở hộc ra vì hoảng hốt.
- Sao anh dám theo tôi?
- Ơ, cô này hay nhỉ? Dưới này có suối thì tôi xuống rửa mặt.

Chính là hắn. Cái nhìn nheo nheo dưới đôi lông mày rậm. Hàm răng vàng xỉn. Chiếc khăn mặt đen ngầu vắt chéo bờ vai lực lưỡng. Cô cúi nhặt thùng nước. Bùn tràn vào qua cái miệng sứt mẻ của nó. Cô đưa tay vét lớp bùn. Lẩy bẩy.
- Cô có cần tôi gánh giúp lên trên kia không?
- Thôi thôi, anh cho tôi xin.
- Tôi có làm gì cô đâu mà xin? - Hắn trố mắt, rồi sực ra - À, bà già có vẻ khó tính nhỉ? Mẹ cô đấy à?
- Vâng.
- Thế thì thôi. Nhưng tôi chỉ muốn giúp cô lên đến đoạn kia - Hắn chỉ tay ngang chừng dốc - Tới đó thì cô tự gánh về.
- Thôi thôi, tôi xin anh! - Cô lặp lại như cái máy.

Hắn lắc đầu, nhúng cái khăn xuống vũng nước còn sót lại giữa mấy tảng đá.
- Thế thì kệ cô.

Hai cái thùng oằn vai. Cô bước như ma đuổi. Lên đến mặt đường nước đã sóng mất gần nửa.

Bà già liếc nhìn khi cô cài đòn gánh lên giàn bếp:

- Mai dậy sớm nữa mà gánh.
- Con đi thế là sớm lắm rồi. Sớm nữa, trời còn tối mịt, lăn xuống dốc thì chết.
- Cô chết hay tôi chết?
- Vâng, thế thì mai con dậy sớm.

***

Đã qua ngày thứ tư. Cô dậy sớm đến mấy vẫn thấy hắn đã có mặt dưới suối rồi. Chỉ mình hắn, không thấy đám công nhân còn lại. Hẳn hắn đã bám theo cô từ buổi đầu tiên và giữ riêng cho mình bí mật này. Cô ít dè chừng hơn, bởi từng ấy hôm, hắn chẳng tỏ vẻ gì đe dọa. Hắn cũng biết thế, lặng lẽ xách cái thùng, giúp cô tìm ra mấy đoạn nước còn kha khá:
- Chưa sang hẳn mùa khô mà nước đã cạn thế này, vài tuần nữa cô lấy nước ở đâu?
- Thì đi xa hơn xuống mé dưới. Cần nữa thì bỏ một cái thùng lại, hứng nước rỉ, chiều mang xuống đổi.
- Tôi hỏi thật nhé, tại sao mẹ con cô lại chọn cái nơi rừng thiêng nước độc này mà sống nhỉ?
- Đấy không phải việc của anh.

Hắn thừ người, cố nén một tiếng thở hắt ra. Cô buông xong câu ấy, cũng thấy hơi áy náy:
- Gì thì gì tôi cũng nhờ anh, chớ có mà cho mẹ tôi biết việc này. Bà giết tôi đấy!
- Tôi biết - Hắn gật nhẹ, mắt nhìn mấy ngọn núi phía xa vừa nhuốm ánh đầu ngày. Cỏ lau rạp mình một màu bạc trắng. Xa nữa, mấy đám cháy rừng âm ỉ khói lên.

***

Mấy tuần lễ qua đi. Một quy ước không hẹn ra miệng, mỗi buổi mai hắn lại mò xuống suối, giúp cô chắt từng bụm nước, còn cả ngày thì tuyệt đối tránh mặt.

Cô thì thụp dưới bếp, đôi lúc chẳng biết làm gì. Bung nồi bắp, nấu niêu cơm độn khoai, rồi quẩn ra vườn sau kết lại mấy thanh củi cho cái chuồng con gà mái...

Tiếng đá đổ, tiếng máy trộn nhựa đường, tiếng người lao xao phía trước. Thắc thỏm. Bồn chồn. Những canh khuya cố tạo ra từng nhịp thở đều, mà đôi tai cô vẫn dỏng lên nghe từng tiếng chim tác dài trong thung vắng. Đêm đậm đặc nhỏ qua khe lều giọt giọt, nghiêng chậm chạp về ban mai.

***

Hắn ập vào cô với tất cả sức lực hoang dại dồn nén. Cô né mặt, hực lên. Phiến đá dưới lưng với những góc cạnh gồ ghề chọc lên đau nhói:
- Em theo anh! Hãy theo anh, chỉ còn ít ngày nữa thôi. Đường sắp sửa xong rồi.

Mặt cô nhòa nước. Môi hớp lấy luồng không khí trộn lẫn mùi thuốc lá tỏa ra từ ria mép hắn. Hai hàm răng cắn chặt... Bầu trời, một cánh chim, lắc qua bờ vai run rẩy phía trên...

Hắn buông cô. Mặt dính theo mấy giọt lệ từ mắt cô ầng ậc. Cô lặng lẽ vuốt xuôi vạt áo, cột lại mái tóc bằng một cọng cỏ khô. Tất cả vừa tươm tất, cô lại ập đầu vào vai hắn, run lên:
- Xưa mẹ con em ở dưới làng. Em lỡ dại... Mẹ phát điên bỏ làng mà đi. Con gái em sinh ra giữa rừng, mẹ cắt rốn cho nó bằng thanh nứa...
- Mẹ đưa em đi để giữ em hay là tránh điều tiếng xóm giềng?
- Cả hai...
- Em nói mẹ giữ em, sao còn đưa em lên đây? Cư ngụ trên lộ không nguy hiểm hơn ở dưới làng à?
- Không, ban đầu mẹ con bà cháu ở tận trên núi kia cơ - Cô hất mặt lên chỏm rừng âm u, phủ trong làn chướng khí - Rồi đói quá, không chịu nổi. Khi con đường này làm xong, mẹ đành dắt cháu xuống. Ban đầu còn bày cái tủ bán ít hàng, thuốc lá, măng khô, diêm quẹt cho đám xe qua lại. Người xuôi dưới kia lên bỏ mối hàng, rồi đem bắp đậu mấy mẹ con trồng được về lại dưới ấy. Mấy tháng nay đường hỏng, xe không qua nữa, nên đành dẹp cả đi.

Hắn đưa ngón tay gồ ghề, chùi những giọt lệ còn dính trên má cô:
- Thôi sáng rồi, em phải về đi. Nhớ lời anh nói.

Cô cất gánh lên vai. Nước chỉ còn óc ách một đoạn sát đáy thùng, nhẹ bâng. Hắn rút thuốc châm lửa, ngồi bệt trên tảng đá, nhìn theo bóng cô khuất dần trên sườn dốc.

***

Hai ngày kế tiếp, cô không xuống suối buổi mai. Trong lúc hắn làm đường, cô mỏi miết quảy đôi thùng lui về mãi mấy đoạn núi phía dưới. Hai đêm dài, vật vã, mùi thuốc lá quẩn đầy giấc ngủ, bốc lên từ da thịt. Cô cắn chặt hai hàm răng vào tấm chăn tơ tướp.

Bà già ho khan ở giường bên. Suốt mấy hôm bà chẳng nói tiếng nào, cũng có vẻ bớt đi những cái nhìn như chích tận sống lưng. Cô hồ nghi. Cô bổi hổi. Cô dằn vặt. Cô muốn thét lên đến rách buồng phổi trong những khoảnh khắc đối mặt với bóng mình. Ngày dài lăng lắc.

Đoạn đường cần vá chỉ còn một mẩu phía đáy dốc. Xa nữa vẫn khá phẳng phiu, chắc không phải sửa. Cô hiểu một cuộc chia ly đau đớn sắp đến gần. Nhưng hơn hết trong mọi dằn vặt, cô sợ một điều gì đó đang tượng hình, những oan nghiệt cùng cực của bao ngày tháng cũ hiện về, rần rật chạy trong tâm khảm.

***

Hắn ngồi như một bóng ma trên tảng đá vào lúc rạng ngày của buổi sáng thứ ba từ hôm ấy. Cô vừa vẹt đám lau, hắn đã lao đến như một cơn lốc. Cô quẳng vội đôi thùng, nắm ngang đòn gánh:
- Anh tránh ra đi!

Hắn điếng người như dính một cú sét:
- Em làm sao thế?

Cô buông đòn gánh, ngồi thụp xuống. Hai tay bưng mặt. Đôi vai run bần bật. Hắn không dám lại gần, chọn một tảng đá, bệt xuống, người rũ ra.

Núi rừng ngưng bặt. Gió đứng trên đám cờ lau như chết. Cuối cùng đầu cô tuột khỏi hai tay bưng gối. Cô bò lại hắn. Lết về phía hắn. Họ lại ập vào nhau...

Một tảng đá phang bịch giữa lưng hắn. Hắn vật ra, oằn người như một con giun bị trộn vào đám bụi. Cô thét lên khi tảng đá thứ hai lao tới. Đè ngửa hắn ra giữa dòng suối cạn, cô che mình hắn khỏi cơn mưa đá.

Bà già nắm chặt thanh đòn gánh, phang xuống hai thân thể giãy giụa những nhát đến tàn lực.

Máu, bùn, nước mắt, lòng thù hận hoang dại. Và nỗi đau. Trộn oằn oại trên lớp đá vừa nhuốm màu nắng mới.

***

Sắc hoa đào nở chùm thung lũng, bất chấp mùa khô đã lên đến đỉnh điểm hoang tàn. Con đường đẫm đen, trườn đi trong ngút vàng cỏ dại. Tấm tôn cuối cùng không còn trên mái, cũng chẳng ai vá vào đấy một nếp cỏ khô.

Con bé lũi lầm vác trên vai thùng nước. Sức nó chỉ đủ tải một thùng, hơn nữa thùng kia cũng phải nằm chờ nước rỉ vào suốt đêm dưới đáy lũng. Bà nó nằm bẹp đã mấy tháng nay, từ ngày mẹ nó bỏ đi. Nửa đêm ấy, mẹ lay nó khỏi giường, dẫn ra sau bếp. Nó nghe mùi máu tanh còn lẩn quất trên môi mẹ
sưng vù:
- Con ở lại cùng bà. Mẹ đi. Rồi sẽ trở về đón cả bà và con.

Nó khóc òa, vật vã. Bà già trở mình trên liếp cỏ. Câm lặng.

Cánh thợ làm đường cũng rút.

Nó dừng lại trên nền lán xưa. Đặt thùng nước dưới chân. Nhìn đăm đăm ba tảng đá ám khói. Hoa đào nở nghĩa là sắp tàn năm. Nhưng mùa khô sẽ phải còn đến vài tháng nữa. Nó sẽ vẫn phải đi mót từng thùng nước. Nhưng nó tin mẹ nó sẽ trở về, thay nó làm công việc ấy, như xưa. 

Truyện ngắn của Nguyễn Danh Lam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.