Khi đàn ông Hàn Quốc chiều vợ

27/12/2008 23:30 GMT+7

Không như một số ông chồng Hàn Quốc hay ngược đãi người vợ nước ngoài của mình, họ là những người đàn ông rất mực tôn trọng vợ, muốn tìm hiểu văn hóa quê vợ. Bài viết trên tờ JoongAng Daily phản ánh điều này.

Học tiếng Việt để hiểu vợ

Cứ vào thứ bảy hằng tuần là Shin Gang-chul cắp sách tới tham gia lớp tiếng Việt do một tổ chức ở Seoul mở ra. Ông và 8 người bạn cùng lớp, từ 40-60 tuổi, đều có mục tiêu chung khi tham gia lớp học tiếng Việt này là mong muốn có thể trò chuyện được với người vợ Việt của mình.

Những học viên này tụ tập mỗi tuần một lần trong một căn phòng nhỏ ở trung tâm di trú tại phía bắc Seoul. Trong hai giờ, họ học nói, đọc, viết tiếng Việt. Sau khi học xong, tất cả mọi người ngồi quây quần bên đĩa gỏi cuốn và uống trà, cùng thảo luận những rắc rối trong cuộc hôn nhân của họ mà nguyên nhân đều do sự khác biệt trong phong tục tập quán, truyền thống văn hóa gia đình.

Đây là một xu hướng khá mới tại Hàn Quốc. Vì trong số nhiều nam giới nước này kết hôn với những phụ nữ Đông Nam Á – vốn gia tăng đáng kể trong 5 năm qua – việc học ngôn ngữ của xứ sở cô dâu từ lâu được xem là không cần thiết. Thông thường, các cô dâu từ những quốc gia như Việt Nam, Philippines hoặc Campuchia thường phải thích nghi theo phong tục quê chồng cũng như truyền thống gia đình chồng.

 
Vợ chồng Shin - Nguyen tại nhà hàng Cơm Bình Dân ở Seoul - Ảnh: Kim Hyun-Dong
Thế nhưng, quan điểm này đang dần thay đổi ở một số đàn ông Hàn Quốc cũng như gia đình của họ. Chẳng hạn như trong gia đình ông Shin, mọi người đều nhận ra rằng cả hai bên nên hiểu rõ văn hóa của nhau. “Tôi muốn cho con đi học trường dạy tiếng Việt khi nó lớn lên. Còn gì tốt bằng khi con tôi có thể nói được hai thứ tiếng”, Shin nói về đứa con gái 1 tuổi của anh với người vợ Việt Nam tên Nguyen Thi Hien. “Tôi rất vui khi anh ấy chịu học tiếng Việt. Đây là điều mà nhiều người bạn Việt của tôi chẳng dám trông mong từ các ông chồng Hàn Quốc của họ”, bà Nguyen cho biết.

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia Hàn Quốc, trong năm ngoái, cứ 100 người đàn ông Hàn thì có 8 người cưới vợ là người nước ngoài. Ở những vùng nông thôn, tới 40% cuộc hôn nhân có liên quan tới cô dâu người nước ngoài. Shin và vợ ông là một trong những trường hợp như thế. Họ gặp nhau lần đầu cách đây 3 năm tại Đồng Nai thông qua một người môi giới Hàn Quốc.

Nhưng khác với những người đàn ông Hàn có hoàn cảnh tương tự, Shin rất xem trọng nguồn cội của vợ. Cả hai vợ chồng Shin-Nguyen đã mở một nhà hàng Việt tại phía bắc Seoul cách đây hai tháng, lấy tên là Cơm Bình Dân. Shin mời mẹ vợ sang làm đầu bếp cho nhà hàng này. Hiện tại, đại gia đình họ, bao gồm hai vợ chồng Shin-Nguyen và cả cha mẹ của hai bên, cùng sống đầm ấm trong một căn nhà ở Seoul. Trong căn nhà ấy cũng như ở quán Cơm Bình Dân, người ta thấy rất nhiều hình ảnh đặc trưng của văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam được xếp bên nhau.

Chính phủ vào cuộc

Ngày càng có nhiều nam giới Hàn Quốc bắt đầu suy nghĩ vượt ra ngoài nền văn hóa của họ và hào hứng đón nhận những khác biệt từ một nửa của mình. Chẳng hạn, nhiều người trong số họ đang cân nhắc đến việc chuyển đến định cư tại quê vợ khi về hưu.

Theo thống kê năm 2008 của Chính phủ Hàn Quốc, số cô dâu Việt Nam tại nước này là 20.942 người, chỉ xếp sau Trung Quốc (79.733 người, trong đó có 48.888 là người Triều Tiên sống tại Trung Quốc). Các nước và vùng lãnh thổ có nhiều phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc xếp lần lượt tiếp theo là Philippines (7.601), Nhật Bản (5.949), Đài Loan (2.043), Mông Cổ (1.979), Thái Lan (1.753), Nga (877) và một số nước khác (6.806). Tổng cộng có 127.683 người nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc. Theo một cuộc khảo sát mới đây, số vụ ly hôn giữa chồng Hàn Quốc và vợ nước ngoài chiếm 7,1% trong tổng số vụ ly hôn tại nước này.
Cách đây 5 năm thì chẳng ai dám nghĩ đến điều này. Xu hướng này cũng ngày càng phổ biến trong các chương trình hỗ trợ do Bộ Y tế, Phúc lợi xã hội và Gia đình Hàn Quốc điều hành, vốn cung cấp các chương trình hỗ trợ như dịch vụ dịch thuật các tài liệu về nhập cư, tư vấn pháp luật, chăm sóc hậu sản cho những cô dâu mới. Hồi đầu năm nay, chính phủ mở các lớp dạy ngoại ngữ miễn phí trên mạng, bao gồm tiếng Anh, Việt, Nhật Bản, Mông Cổ, Thái và Trung Quốc dành cho đàn ông Hàn Quốc cưới vợ nước ngoài.

Đồng thời, cẩm nang dành cho họ do Trung tâm Hỗ trợ gia đình đa văn hóa thuộc Bộ Y tế, Phúc lợi xã hội và Gia đình phát hành gần đây đều có cung cấp thông tin về tập quán, thói quen ăn uống, giá trị gia đình, ý thức cộng đồng, cách ứng xử... tại quê hương của các cô dâu. Chẳng hạn như ở Việt Nam, việc mở cửa trước là chuyện bình thường song những ông chồng Hàn Quốc thì lo lắng thói quen này sẽ khiến trộm viếng thăm hoặc bụi vào nhà. Cẩm nang này cũng kêu gọi nam giới Hàn Quốc nên tích cực đỡ đần việc nhà cho vợ.

Kể từ sau vụ cô dâu người Việt Huỳnh Mai, 19 tuổi, bị chồng sát hại hồi năm ngoái, Bộ Tư pháp và Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc đã mở các lớp đặc biệt dành cho những ai muốn cưới vợ người nước ngoài đến học các vấn đề về pháp luật và văn hóa. Mục đích chính của các lớp này là nhằm ngăn chặn bạo hành trong gia đình và tăng cường khả năng thông tin cũng như hiểu nhau giữa các cặp vợ chồng không cùng chung tiếng nói.

Rõ ràng, với cách nhìn nhận cô dâu ngoại của Chính phủ Hàn Quốc cũng như của một bộ phận nam giới nước này ngày càng cởi mở hơn, có lẽ cuộc sống của các cô dâu ngoại, mà phụ nữ Việt Nam chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số này, sẽ ngày một tốt hơn trên xứ người.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.