Dễ hiểu bởi mỗi vấn đề, dù là vấn đề tôn giáo trừu tượng, được trình bày rất ngắn gọn nhưng tỉ mỉ. Ví dụ, chỉ trong chưa đầy trang sách, Hồ Anh Thái đã miêu tả kỹ lưỡng phương pháp phát âm và ý nghĩa tôn giáo của lời thiêng Aum trong văn hóa Ấn Độ. Đặc biệt hơn, tri thức về những lĩnh vực trừu tượng này tạo cảm giác tin cậy nơi người đọc.
Bất kỳ ai khi đọc Namaskar! Xin chào Ấn Độ cũng dễ dàng lĩnh hội được các biểu tượng, các tư tưởng, các khái niệm đặc trưng của văn hóa Ấn Độ. Bởi vì ở đây, tuyệt không có dấu ấn của sự lắp ghép cẩu thả từ các tài liệu nước ngoài hay sự sống sượng của các tri thức mà người viết chưa kịp tiêu hóa. Ngược lại, đây là những chiêm nghiệm, trải nghiệm đích thực của một người đã sống rất lâu và hết mình trong lòng văn hóa Ấn Độ. Người sống sâu sắc và thật sự tinh thông một mảng hiện thực hay tri thức thì khi viết thường giản dị như đang giãi bày về cái điều máu thịt của mình. Đó là sự giản đơn trên nền tảng của sâu sắc, sự gần gũi trên nền tảng của bí ẩn.
Đây là một cuốn sách mang tính biên khảo, không phải là sáng tác nghệ thuật, song người đọc vẫn nhận ra chân dung một nhân vật trữ tình thấp thoáng ẩn hiện trong các trang sách. Nhân vật trữ tình này có nhiều tâm thế, của một lưu học sinh, một nhà ngoại giao hay một nhà văn, hiện lên gián tiếp qua sự miêu tả, trần thuật mang tính khách quan và trực tiếp qua những chỗ xưng tôi, những đoạn tường thuật các sự kiện có tác giả tham gia.
Tuy nhiên, có một cái nhìn bình thản nhưng đằm sâu, một giọng điệu trầm tĩnh của kẻ lãng du trên miền đất huyền bí - nơi cất giấu những tín điều tôn giáo linh thiêng. Hãy xem cách Hồ Anh Thái nói về cây thiêng trong văn hóa Ấn Độ: “Với người Hindu giáo, mọi thứ trong vũ trụ đều thiêng liêng. Bất cứ thứ gì mọc lên và phát triển lại càng thiêng liêng”. Văn xuôi mà như thơ, giọng điệu bình thản, lối viết đơn sơ, nhịp điệu chậm rãi này chiếm vị trí chủ đạo trong cuốn sách. Hoàn toàn không có sự rợn ngợp, sùng kính thói thường trước cái cao siêu; trái lại, là giọng của kẻ lãng du, vừa có cái tinh thông của nhà hiền triết lại pha chút phiêu diêu trữ tình của nghệ sĩ.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hồ Anh Thái để cuốn sách viết về Ấn Độ, đất nước của Hindu giáo và nhiều tôn giáo khác, kết thúc trong dư âm, hình ảnh của Phật giáo. Đó là cái đích của kẻ lãng du nặng tình với xứ sở; trong khi đi mà vẫn về; tìm đất quen trên đất lạ; hiểu người là để hiểu mình.
Nhật Chi
(*) Đọc Namaskar! Xin chào Ấn Độ, Hồ Anh Thái, NXB Văn Nghệ, 2008
Bình luận (0)