Du lịch Việt Nam

31/12/2008 00:56 GMT+7

Cả tháng nay, Tổng cục Du lịch đã chủ động liên kết các ngành, tìm hành động tích cực vượt qua khủng hoảng. Các hội thảo theo nhóm, các buổi gặp gỡ chuyên gia, các buổi làm việc song phương - đa phương bắt tay hợp tác… Mục tiêu trước mắt là có 100 chương trình tour giảm giá trên toàn quốc để kích cầu du lịch.

Mừng - bởi ngành công nghiệp không khói đang "vừa sắp hàng vừa chạy", khẩn trương chữa cháy bởi "lửa" đã ở sát cạnh nhà mình. u lo - bởi ta có nhanh hơn trước nhưng bạn còn lẹ gấp mười. Rục rịch gần tháng, tất cả đều quyết tâm khuyến mãi nhưng vẫn chưa cụ thể. Còn Thái Lan, đoàn biểu tình vừa rút khỏi sân bay quốc tế hôm trước, hôm sau e-mail của các đối tác Thái Lan tới tấp gửi về Việt Nam chào mời. Trong vòng 3 ngày, Bộ Du lịch Thái Lan đã công bố chiến dịch "Thái Lan - xin lỗi", giá tour 6 ngày chỉ còn trên dưới 300 USD và 100.000 vé máy bay miễn phí với nhiều chương trình quảng bá thuyết phục.

Ngay lúc khó khăn bởi đoàn biểu tình đang chiếm tòa nhà chính phủ và quốc hội, ngày 8.11.2008, Bộ Du lịch Thái Lan đã mời 1.000 doanh nghiệp lữ hành khắp thế giới đến Thái Famtrip khắp xứ sở chùa Vàng. Chỉ sợ tới lúc ta chuẩn bị xong thì thời cơ vuột mất.

Có nhiều việc ngành du lịch có thể tự làm ngay không cần chờ đợi. Có những việc rất nhỏ chẳng ai để ý mà lại có tác động lớn đối với du khách. Chẳng hạn chuyện nụ cười ở cửa khẩu cho tới các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng... Các hội trong ngành như lữ hành có thể bàn ngay việc giảm giá phòng với hiệp hội khách sạn, giảm giá ăn với hiệp hội nhà hàng. Lợi nhuận có thể ít hơn nhưng lấy số đông bù vào. Trong khi chờ khách nước ngoài tới thì kích cầu ngay du lịch nội địa. Giảm giá và mở cửa các khu du lịch cao cấp để khách trong nước tạm thời "điền vào chỗ trống", vừa có thêm nguồn thu, vừa góp phần phục vụ nhân dân mình. Du lịch phải cứu mình trước khi các ngành khác như Hàng không, Vận chuyển đường sắt - đường bộ, Thương mại, Dịch vụ … "đồng khởi" tiếp ứng.

Nhờ khủng hoảng, ngành du lịch Việt Nam càng thấy rõ hơn những tiềm năng để phát huy và bất cập để khắc phục. Chỉ qua mấy buổi hội thảo đã thấy nhiều ý kiến thiết thực từ các chuyên gia cho đến doanh nghiệp. Tại sao không tổ chức đợt vận động "Mỗi người một việc tốt - mỗi ngày một việc hay" để cải tạo môi trường du lịch, dẹp nạn ăn xin kiêm móc túi, nạn hàng rong đeo bám chuyên chụp giựt, nạn "cơm tù, quán chém, hàng lừa"... Được mọi người dân đồng tình và ủng hộ thì việc khó khăn đến đâu cũng có thể làm được.

Việc cuối cùng là xem lại vai trò của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế. Có thể lợi nhuận từ du lịch so với các ngành chủ lực chưa cao, nhưng lợi ích mà ngành du lịch mang về cho đất nước thì khó ngành nào sánh kịp. Do vậy cần đầu tư xây dựng đội ngũ mạnh, tạo cơ chế phù hợp để chừng mươi năm tới ngành du lịch Việt Nam phải đuổi kịp tốp đầu của Đông Nam Á. Năm 2008, Malaysia dẫn đầu với gần 18 triệu khách quốc tế, Thái Lan 14 triệu du khách, Singapore gần 9 triệu, mới thấy 4 triệu của chúng ta còn khiêm tốn biết chừng nào.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.