Bệnh viện tư cũng đông nghẹt !

04/01/2009 23:22 GMT+7

Không chỉ ở các bệnh viện (BV) công, mà nay cả các BV tư có thương hiệu cũng quá tải dù trong 12 năm qua, tại TP.HCM đã có gần 30 BV tư ra đời.

Nhận bệnh từ  4 giờ sáng

Đến các BV tư và nơi chẩn đoán uy tín như BV Đại học Y Dược, BV Hoàn Mỹ, Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic..., những ngày này, dù trong hay ngoài giờ hành chính, ngày đầu tuần hay cuối tuần, hình ảnh đập vào mắt mọi người là bệnh nhân chen chúc, xếp hàng chờ đến lượt ở các phòng khám, điều trị...

Từ một phòng khám đa khoa chỉ có 52 giường lưu bệnh vào năm 1994, phát triển thành BV năm 2001, hiện BV Đại học Y Dược là một trong những BV tư đông bệnh nhân nhất, với hơn 3.000 lượt khám bệnh/ngày. Tất cả những ngày trong tuần ở đây nhìn đâu cũng thấy bệnh nhân nêm cứng tại trước cửa các phòng, mặc dù BV có đến 52 bàn khám, 270 giường bệnh.

Chính vì nhu cầu quá lớn của người bệnh, TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó giám đốc, cho biết: "Ngoài việc áp dụng nhiều phương thức để giảm tải như: nâng cao chất lượng điều trị để giảm ngày nằm viện nhằm có giường cho người bệnh vào sau nằm; khám thông tầm không nghỉ trưa; cải cách nhiều khâu hành chính, tiếp bệnh nhân để giải quyết bệnh thật nhanh..., chúng tôi đang xây một BV mới quy mô 15 tầng, 650 giường bệnh, dự kiến cuối năm 2010 sẽ đưa vào hoạt động". 

Hoàn Mỹ, BV tư nhân đầu tiên tại TP.HCM, ra đời năm 1999, có hai cơ sở tại TP.HCM với 128 giường điều trị nội trú, nhưng cũng luôn quá tải người bệnh. Mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 1.800 lượt người đến khám chữa bệnh, trong đó khoảng 40-50 bệnh nhân nhập viện/ngày. "Công suất sử dụng giường bệnh tại đây là 110%, mặc dù thời gian sử dụng giường/bệnh nhân tại đây bình quân chỉ 3,2-3,4 ngày", bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Giám đốc BV Hoàn Mỹ, cho biết. Cũng vì nhu cầu quá lớn của người bệnh, cảnh quá tải diễn ra thường xuyên, nên đầu năm nay Hoàn Mỹ đã khởi công xây dựng một BV mới với quy mô 12 tầng, 200 giường bệnh, 8 phòng mổ...

Ở Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic cũng tương tự: bệnh nhân lúc nào cũng đông, kể cả ngày cuối tuần. Đây là cơ sở y tế tư đầu tiên tại TP.HCM, lúc mới ra đời vào năm 1990 chỉ tiếp nhận khoảng hơn 100 lượt người/ngày, hiện bình quân mỗi ngày tiếp nhận trên 1.000 lượt người đến khám và làm xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm... chẩn đoán cận lâm sàng. Để giảm tải, Medic phải vận dụng nhiều phương thức, trong đó có việc tiếp nhận bệnh từ lúc 4 giờ sáng, không nghỉ trưa, không nghỉ ngày cuối tuần, đến tận nhà người bệnh lấy máu...

Bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Medic, cho biết ông còn dự định cho tiếp nhận bệnh cả vào ban đêm, nhưng tình trạng quá tải xem ra vẫn không được cải thiện nhiều. Vì thế, Medic quyết định đầu tư một BV mới tại khu y tế kỹ thuật cao TP.HCM trên địa bàn Q.Bình Tân và giai đoạn 1 của BV sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay. "Hiện tại các máy móc của chúng tôi chỉ được nghỉ từ 22 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Tương ứng là các y bác sĩ, chuyên gia cũng phải luân phiên làm việc suốt khoảng thời gian này. Rất căng thẳng!", bác sĩ Phan Thanh Hải than thở.

Đâu là nguyên nhân?

 

Một ca phẫu thuật tại BV Đại học  Y Dược - ảnh: Khánh Vy

Phân tích về tình trạng quá tải ở BV tư, bác sĩ Phan Thanh Hải cho rằng: "Quá tải là do ngành y tế phát triển không kịp với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đời sống phát triển, chăm sóc sức khỏe là một trong những vấn đề người ta quan tâm nhất. Nếu như trước đây chỉ có khoảng 5% người dân đi khám kiểm tra sức khỏe khi chưa có bệnh, thì nay con số này đã tăng lên 60-70% ở các thành phố lớn. BV công không được đầu tư tương xứng, người bệnh đổ sang BV tư có thương hiệu nên BV tư quá tải là tất yếu, bởi nguồn nhân lực, vật lực về y tế cũng có giới hạn".

Trong khi đó, theo nhiều nhà chuyên môn, nguyên nhân khiến các BV lớn quá tải còn do mặt bằng về y tế không đồng đều; đầu tư cho y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh, khả năng đáp ứng nhu cầu người bệnh, từ máy móc kỹ thuật, dịch vụ đến nguồn nhân lực... của các BV rất khác nhau, nhất là giữa các tuyến BV. "Các BV tuyến dưới còn nhiều hạn chế, từ chuyên môn đến máy móc, thiết bị chưa tạo được lòng tin đối với người bệnh, vì thế người dân ngày càng có xu hướng tập trung đến các BV lớn, tuyến trên, BV tư có uy tín", TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc nhận định. 

Tình trạng quá tải ở các BV, theo nhiều chuyên gia, nếu không sớm được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Giải pháp được nhiều người, và cả Bộ Y tế đưa ra là tận dụng hạ tầng hiện có của y tế tuyến cơ sở, đầu tư trang thiết bị, cán bộ y tế có tay nghề cao, chuyên môn giỏi... để "chia lửa" cho các tuyến trên. "Đây là vấn đề hết sức khó khăn, cần nhiều chi phí và thời gian, nhưng cần thiết phải làm để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân", TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc nói. 

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.