Những thói quen xấu phổ biến ở trẻ

05/01/2009 11:34 GMT+7

Trẻ cắn móng tay thường có thể là anh chị cả hoặc con một, trẻ thường xuyên bị áp lực về giáo dục

Vừa qua, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM đã tiếp nhận và điều trị cho một bé gái 8 tuổi do có khối dị vật 10 cm x 8 cm trong dạ dày và nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, tổng trạng gầy. Khối dị vật là búi tóc đóng thành khối cứng, có hình cong theo bờ cong lớn của dạ dày, với trọng lượng khoảng 350 g. Người nhà bệnh nhi cho biết em có thói quen nhai, nuốt tóc và móng tay khoảng 3 năm nay. Các bác sĩ nhi khoa cho biết ăn tóc và cắn móng tay không chỉ là thói quen xấu của trẻ mà triệu chứng này là do một sự căng thẳng mà trẻ không sao vượt qua được.

Triệu chứng của stress

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Trưởng Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, ước tính 30% - 60% trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 10 nhai hoặc cắn các móng tay, tuổi mẫu giáo ít gặp. Trong những năm đầu, cả bé trai và bé gái đều dễ mắc tật này. Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn thì các bé trai lại dễ mắc hơn. Cắn móng tay có thể được xem là một trong những triệu chứng điển hình của stress và phổ biến ở trẻ, được xếp loại một trong những rối loạn kiểm soát xung động, bao gồm những hành vi lặp lại nhằm lên cơ thể.

Một lý do khác là trẻ bắt chước bố mẹ. Nghiên cứu cho thấy cắn móng tay có liên quan đến di truyền. Nhiều trẻ làm những việc đó để thu hút sự chú ý hoặc dò la phản ứng của bố mẹ. Đó cũng có thể là hành vi học tập và bắt chước. Các thói quen có thể chỉ là trò đùa vui hoặc để giải tỏa lo lắng. Trẻ cắn móng tay thường có thể là anh cả, chị đầu hoặc con một, trẻ thường xuyên bị áp lực về giáo dục. Trẻ không biết tại sao mình lại cắn móng tay và khốn khổ vì không thể bỏ được. Theo các chuyên gia, 23% người lớn từ 18-22 tuổi cũng cắn móng tay. Ở người lớn, việc cắn móng tay còn gây mất thẩm mỹ cũng như cảm giác tự ti, lo âu dẫn đến xấu hổ, tránh giao tiếp xã hội.

Ngoài tật cắn móng tay, những trẻ bị rối loạn kiểm soát xung động cũng có thể mắc những tật khác bao gồm giật tóc, cấu da và cắn bên trong má. Theo bác sĩ chuyên khoa tâm thần Lê Quốc Nam, đây là một loại rối loạn tâm thần mà bệnh nhân có những cơn bộc phát hành vi xung động không thể kiềm chế hay kiểm soát được và những hành vi này có thể gây tổn hại đến bệnh nhân hay người khác. Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng thường bắt đầu trong thời kỳ thơ ấu. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình, xã hội và công việc hay vấn đề học tập của bệnh nhân. Trong số đó, những người rơi vào tình trạng nặng như bé gái được điều trị tại BV Nhi Đồng 1 chiếm từ 30% đến 50%. Giật tóc đa số người mắc là nữ giới.

Càng để lâu, càng khó bỏ

Trong số rất nhiều thói quen thể hiện sự căng thẳng như búng ngón tay, xoắn tóc, véo mũi..., cắn móng tay là hành động thường thấy nhất. Hầu hết các bé đều làm vậy, thậm chí có trẻ vẫn duy trì thói quen này khi đã lớn hơn. Những thói quen như vậy có thể mất đi khi trẻ lớn lên nhưng vẫn có nhiều trường hợp không bỏ được. Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh cho biết hầu hết các bậc cha mẹ không chú ý hoặc cha mẹ thường không xem triệu chứng này là nghiêm trọng. Đây là quan niệm sai lầm vì càng để lâu trẻ càng khó bỏ, trong khi trẻ không có ý thức về việc mình đang làm dần dần dẫn đến thói quen không thể bỏ được khi đã trưởng thành. Việc đầu tiên là cha mẹ cần nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng, giải thích cho con biết đó là việc làm không hay và tại sao các bé không nên làm. Nên tìm cách lôi cuốn con trẻ vào những chú ý mới như những trò chơi bổ ích, có thể là các hoạt động cần sử dụng tay để bé không có cơ hội cắn móng tay.

Bác sĩ Thanh khuyên cha mẹ không nên để trẻ vào tâm trạng căng thẳng, lo âu vì đối với trẻ em những lúc như vậy nhu cầu cắn móng tay hay làm những tật xấu khác sẽ giúp trẻ cảm thấy yên tâm, bớt cô đơn, buồn chán và kết quả là không từ bỏ được tật xấu này. Người lớn cũng không nên có hình phạt nặng nề với con trẻ vì phạt thường không mang lại kết quả.

Ảnh hưởng đến khớp răng và bị nhiễm trùng

Việc cắn móng tay cũng rất có hại vì dễ làm cho răng bị mòn, rạn nứt, lâu ngày có thể làm chết tủy răng và mỏi khớp thái dương, ảnh hưởng đến sức nhai và cách phát âm. Ngoài ra, trẻ còn gặp các nguy cơ bị nhiễm các bệnh giun sán. Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho rằng nhiễm trùng quanh móng tay, móng chân và mô mềm đầu ngón tay, ngón chân là tình trạng thường gặp ở trẻ hay cắn móng tay hoặc mút ngón tay. Biểu hiện thường gặp là vùng chân móng, mô mềm quanh móng hoặc đầu ngón tay, ngón chân sưng đỏ, đau và có thể mưng mủ.

Theo Nhất Phương/Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.