Viêm dạ dày đâu chỉ một “thủ phạm”!

05/01/2009 11:41 GMT+7

Đang có một cơn lốc “say mê” vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) khi nói đến bệnh viêm dạ dày, trong khi HP vẫn hiện diện ở những người không mắc bệnh này.

Có một thời gian khá dài, tình trạng viêm dạ dày dù là mãn tính hay cấp tính đều được mọi người và cả giới khoa học quy kết cho nguyên nhân thần kinh. Họ lý luận rằng vì căng thẳng thần kinh quá mức đã làm tăng tiết dịch vị của dạ dày, trong dịch vị thành phần axit clohydric tăng rất cao, phá hủy niêm mạc dạ dày tạo nên tình trạng viêm. Nặng hơn nữa sẽ tạo nên các ổ loét, một số trường hợp gây chảy máu trầm trọng và đưa đến tử vong.

Chính vì vậy, trong y văn mới có câu: không có chất chua trong dịch vị thì không có viêm loét dạ dày. Để giảm tình trạng tăng tiết chất chua của dịch vị, các thầy thuốc tuy đã sử dụng đầy đủ các phương thức điều trị, kể cả tâm lý liệu pháp, nhưng vẫn có một tỉ lệ không nhỏ bệnh nhân tái phát và điều trị không thành công.

Xem xét yếu tố khác

Hơn thế nữa cần quan tâm đến các yếu tố khác. Những yếu tố này gây ra đột biến về gen ở vi khuẩn HP làm gia tăng khả năng gây viêm hay kích thích sinh ung thư như chế độ ăn với các loại thực phẩm xông khói, muối khô như dưa chua, các yếu tố về tâm thần kinh, hút thuốc lá, uống rượu bia quá độ, sử dụng nước đá có nhiều chất axit... Đây cũng là những yếu tố rất quan trọng gây viêm loét dạ dày. Vì vậy, đừng đổ tội tất cả cho vi khuẩn HP.

Chung sống hòa bình

Đến năm 1988, các nhà khoa học đã tìm ra vi khuẩn HP trong dịch vị và trong niêm mạc dạ dày con người, và vi khuẩn này được cho là thủ phạm gây nên chứng viêm loét dạ dày. Một số tác giả còn cho rằng vi khuẩn này có khả năng gây bệnh ung thư dạ dày. Chính vì vậy phong trào sử dụng các loại thuốc kháng sinh để điều trị viêm loét dạ dày được nhiều thầy thuốc áp dụng. Đó là một cách điều trị mà nếu như sử dụng trong khoảng 30 năm trước thì sẽ có nhiều thầy thuốc bị cho là ngớ ngẩn.

Cho đến ngày hôm nay, vi khuẩn HP hiện diện trong phần lớn trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên một điều thật trớ trêu là nhiều nghiên cứu cho thấy vi khuẩn này đã hiện diện trong dạ dày con người cũng như các loài động vật có vú hàng chục triệu năm trước. Chúng hiện diện dưới hình thức cộng sinh chung sống hòa bình, một số chủng còn có tác dụng tốt trên hệ miễn dịch của động vật.

Một số nghiên cứu gần đây tại TP.HCM cho thấy có đến 70% số bác sĩ trong tổng số 300 người tình nguyện thử nghiệm có test HP dương tính, mặc dù không có triệu chứng viêm loét hay ung thư dạ dày gì cả. Một thầy thuốc nói với chúng tôi 80% mẫu thử trên những bệnh nhân ung thư dạ dày mà ông đang nghiên cứu có HP dương tính. Nếu xét về mặt thống kê thì sự khác biệt về tỉ lệ này chưa có giá trị. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải xem xét lại một số điều trong việc điều trị và phòng ngừa viêm loét cũng như ung thư dạ dày.

Ném chuột bể đồ

Theo thông lệ khi chẩn đoán là viêm dạ dày, mà ở người Việt gần như 100% số người được khám đều có ít nhất một lần viêm dạ dày trong đời, bệnh nhân đều được thử nghiệm tìm vi khuẩn HP. Nếu thử nghiệm dương tính, bệnh nhân sẽ được điều trị diệt vi khuẩn HP bằng ít nhất ba loại kháng sinh phối hợp 1-2 tuần. Công thức này thay đổi liên tục vì tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn HP luôn xảy ra, và chi phí cho một lần điều trị cũng khá tốn kém. Chưa kể nhiều người không chịu nổi điều trị vì tác dụng không mong muốn và những khó chịu về cơ thể do thuốc gây ra.

Mặt khác một số công trình nghiên cứu gần đây lại cho thấy ở những người được điều trị tiệt trừ tận gốc vi khuẩn HP thì tỉ lệ viêm thực quản trào ngược tăng cao, một số người khác thì tình trạng hen phế quản cũng gia tăng vì suy giảm khả năng đề kháng. Một số bệnh nhân khác rơi vào tình trạng béo phì vì ăn nhiều do lúc nào cũng cảm thấy đói bụng...

Cơn lốc “say mê” vi khuẩn HP rồi sẽ qua đi. Nền y học cũng nên xem lại và cần có nhiều công trình nghiên cứu khác để tìm ra năng lực gây bệnh của vi khuẩn HP.

Trong thực tế giống như vi khuẩn HPV gây ung thư cổ tử cung có đến cả trăm loại, trong đó 70% ung thư cổ tử cung là do type HPV 16 và 18 gây ra. Thiết nghĩ vi khuẩn HP cũng vậy, cần định danh rõ type gen nào gây bệnh và gây bệnh trong điều kiện nào để điều trị đúng loại HP đó, chừa lại những chủng HP không độc tính sống cộng sinh trong hệ tiêu hóa của con người. Khi đó mới tránh được tình trạng ném chuột bể đồ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam/Tuổi Trẻ
(ĐH Y dược TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.