Ông Trần Ngọc Thành, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải hành khách (Bộ GTVT), nhận định nhu cầu đi lại của nhân dân dịp Tết Nguyên đán là rất lớn. "Việc giải tỏa khách tại TP.HCM có thể sẽ khó khăn vì một lượng xe hạng trung bình không tham gia vận tải hành khách Tết. Sẽ xuất hiện nhiều xe dù bến cóc; tình trạng quá tải sẽ rất phức tạp trong những ngày giáp Tết", ông Thành cảnh báo và đề nghị các tỉnh, thành phải chuẩn bị tốt phương tiện để giải tỏa lượng khách tồn đọng; kiên quyết xử lý xe vi phạm ngay từ bến xe, chứ không để chạy xa bến mới biết.
Cục phó Cục Đường bộ Nguyễn Văn Thanh cũng lo ngại tình trạng chở quá tải vẫn sẽ diễn ra, nhất là tuyến vận tải Bắc - Nam. "Trong dịp Tết, do giá cước vận tải không tăng, nên nhiều lái xe bỏ bến đón khách bên ngoài, dẫn đến trong bến thiếu xe. Nhiều doanh nghiệp vận tải (DNVT) thiếu lái xe nên lái xe chạy quá sức dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) đáng tiếc xảy ra. Nhiều địa phương không có xe dự phòng, lúng túng khi lực lượng CSGT hạ tải các xe vi phạm", ông Thanh nhắc nhở.
Thượng tá Trần Văn Hậu, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận, phân tích: đối tượng gây TNGT chủ yếu vẫn là xe khách và xe hai bánh. Mặt khác, việc một số DNVT cạnh tranh thiếu lành mạnh, khoán trắng cho lái xe về thời gian cũng là nguyên nhân gia tăng xe dù, xe nhồi nhét khách, TNGT.
Lúng túng khi hạ tải xe nhồi nhét
Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong dịp Tết, đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, yêu cầu CSGT các tỉnh có QL 10, QL1A, QL14 và QL13 (22 tỉnh) phải tuần tra kiểm soát 24/24 giờ. Khi phát hiện xe nhồi, xe nhét phải lập biên bản và đưa về bến xe gần nhất để bàn giao; yêu cầu lái xe, chủ xe trả lại tiền đoạn đường tiếp theo của khách. Tại các bến xe, ngành GTVT có trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức chuyển khách đi tiếp. Trong trường hợp khó khăn phải báo cáo ngay cho Ban ATGT tỉnh để xử lý.
Xử lý nghiêm xe nhồi, xe nhét, xe phóng nhanh vượt ẩu, tài xế uống rượu bia, nhưng phải đảm bảo an toàn và thông suốt cho hành khách dịp Tết |
Ngay đại diện nhiều Sở GTVT cũng bức xúcvề thực trạng thiếu xe vận chuyển khách dịp Tết. Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai Trần Văn Quan, thừa nhận: "Lượng công nhân ở Đồng Nai lên đến trên 300.000 người, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Với 5 tuyến quốc lộ giao cắt và 88 tuyến liên tỉnh, nên cứ đến Tết là chúng tôi chịu áp lực rất lớn. Dự kiến năm nay lượng khách về quê không thay đổi, nên chúng tôi đã bố trí 111 chiếc xe dự phòng, nhưng vẫn lo không đủ xe khi có lượng khách sẽ bị hạ tải”.
Tương tự, ông Đặng Văn Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, nêu thực tiễn: "Bình thường Quảng Ngãi chỉ khoảng 2.000 khách vào TP.HCM mỗi ngày. Nhưng sau Tết có ngày lên đến 8.000 người, nên áp lực rất lớn. Việc xuống tải khách khi phát hiện xe quá tải không được hành khách ủng hộ vì giá xe những chiếc “xe nhồi” rất rẻ so với xe bến bãi đàng hoàng. Mặt khác, các xe được đưa đến hạ tải cũng không mặn mà khi đón những hành khách sang xe giá rẻ như vậy".
Thiếu tướng Lâm Minh Chiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đề nghị ngành GTVT lưu ý phương án chuẩn bị đủ phương tiện vận tải khách trong dịp Tết, nhất là phương tiện dự phòng để sang khách khi lực lượng CSGT xử lý các xe nhồi, nhét khách. Về phía CSGT, thiếu tướng Chiến chỉ đạo: “Xử lý nghiêm xe nhồi, xe nhét, xe phóng nhanh vượt ẩu, tài xế uống rượu bia, nhưng phải đảm bảo an toàn và thông suốt cho hành khách dịp Tết. Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát nhưng không được chốt chặn cố định một chỗ; đồng thời phải làm tốt công tác nội bộ, chống tiêu cực trong lực lượng".
Quế Hà
Bình luận (0)