Dấu vết người tiền sử cách đây 20.000 năm

06/01/2009 23:13 GMT+7

Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và Bảo tàng tỉnh Hòa Bình vừa có những phát hiện khảo cổ học mới nhất về người tiền sử cách đây 20.000 năm tại khu di tích Xóm Trại, Hòa Bình.

Từ tháng 10.2008, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình cùng các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã tiến hành tu bổ khu di tích khảo cổ học hang Xóm Trại thuộc văn hóa Hòa Bình. Trong quá trình đó, các nhà khoa học đã có nhiều phát hiện mới quan trọng về hoạt động kiếm ăn, chôn cất, đi lại và nghệ thuật của các thế hệ cư dân sinh sống trong hang này.

Cách nay 20.000 năm, con người đã đến sinh sống trong hang Xóm Trại. Cách kiếm ăn của họ là săn bắt và hái lượm trong thung lũng quanh hang. Các dấu vết vật chất để lại cho thấy, con người sống ở đây đã biết sử dụng các hòn đá cuội suối và xương rừng động vật để ghè đẽo và mài lưỡi thành các loại công cụ. Tàn tích thức ăn còn lại trong hang gồm nhiều loại ốc suối, xương các loại thú lớn nhỏ và các hạt quả cây rừng.

Trong hang còn để lại nhiều dấu tích của bếp lửa và đôi chỗ phát hiện xương người chết chôn theo tư thế nằm co chân cạnh bếp. Những tác phẩm nghệ thuật sớm nhất của người tiền sử Việt Nam cũng được phát hiện ở hang này. Tại đây người ta tìm thấy nhiều mảnh gốm, trong đó sớm nhất là những mảnh gốm thuộc văn hóa Đa Bút cách nay 5-6 nghìn năm. Có những mảnh gốm được trang trí hoa văn rất đẹp và những chiếc rìu nhỏ mài nhẵn toàn thân có niên đại khoảng 3.500 đến 3.200 năm.

Lúc 18 giờ ngày 9.1 tại Viện Goethe, Hà Nội sẽ diễn ra buổi thảo luận và diễn thuyết của tiến sĩ Nguyễn Văn Việt. Trong bài diễn thuyết của mình, tiến sĩ Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á sẽ trình bày về những phát hiện khảo cổ học mới nhất này.

Cát Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.