Giao dịch trực tuyến: Sẽ tránh tình trạng lệnh "chen" đi trước

08/01/2009 22:30 GMT+7

Ngày 12.1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ chính thức áp dụng phương thức giao dịch trực tuyến (GDTT), được đánh giá đem lại nhiều cái lợi hơn cho nhà đầu tư (NĐT) và công ty chứng khoán (CTCK).

Với GDTT, hệ thống giao dịch của các CTCK thành viên kết nối trực tiếp vào hệ thống giao dịch của HOSE thông qua cổng giao diện HOSE Gateway để thực hiện giao dịch. Tại buổi trao đổi với báo chí ngày 8.1, ông Lê Hải Trà - ủy viên thường trực Hội đồng quản trị HOSE cho biết 69 CTCK sẽ thực hiện GDTT vào đầu tuần sau.

Hiện nay, NĐT có thể thực hiện giao dịch chứng khoán thông qua sàn, điện thoại, nhắn tin... tùy theo CTCK cung cấp, rồi CTCK chuyển vào sàn để thực hiện khớp lệnh. Còn sắp tới, trong số 69 CTCK sẽ GDTT thì có 37 CTCK cung cấp kênh dịch vụ trực tuyến với NĐT. NĐT thông qua kết nối internet cài trên máy tính để kết nối với máy chủ của CTCK và chuyển vào hệ thống giao dịch HOSE. NĐT ngồi ở bất cứ đâu cũng có thể theo dõi được lệnh chuyển đi. Khi phương thức này đi vào thực hiện, NĐT Việt Nam có thể thực hiện những giao dịch của mình như những NĐT ở những thị trường phát triển khác.

Ông Nguyễn Văn Thuận - NĐT tại CTCK Sài Gòn nhận xét khi phương thức GDTT thực hiện thì NĐT sẽ được lợi hơn trước đây nhiều. Đó là công bằng về việc lệnh được chuyển vào, hạn chế việc nhân viên chèn lệnh đưa vào sau mà được chuyển trước. Số lượng lệnh cũng được xử lý nhanh hơn, ít sai sót về lệnh hơn, NĐT có thể ở bất cứ đâu để nhập lệnh chứng khoán và theo dõi được lệnh. Bên cạnh đó, các CTCK sẽ được lợi nhiều hơn khi tiết giảm được chi phí nhân sự, thuê mặt bằng. Ông Nguyễn Hồng Nam - Phó tổng giám đốc CTCK Sài Gòn cho hay hiện NĐT đăng ký tham gia vẫn chưa được nhiều. Không phải NĐT nào cũng chấp nhận GDTT nên công ty cũng sẽ thực hiện phương thức nhận lệnh cũ để NĐT dễ lựa chọn.

Về lý thuyết, đường truyền chính của CTCK có thể xử lý khoảng 220 lệnh/giây. Còn khi thử nghiệm ở các CTCK thì có thể nhận khoảng 85 lệnh/giây. "Hiện có một số CTCK công bố là có thể thực hiện nhận lệnh qua internet nhưng NĐT cần phân biệt rõ là công ty đó có GDTT hay chưa. NĐT có thể chuyển lệnh qua internet về CTCK và nhân viên CTCK lại phải nhập lệnh vào hệ thống, NĐT không thể theo dõi được lệnh. Như vậy CTCK đó chưa có kênh cung cấp dịch vụ trực tuyến đến NĐT. Trong quá trình kiểm tra, nếu chúng tôi phát hiện những CTCK không có tên trong danh sách GDTT mà quảng cáo gây hiểu nhầm, tổn hại cho NĐT thì chúng tôi sẽ xử lý những công ty đó" - ông Lê Hải Trà cho hay.

Với phương thức nhập lệnh như hiện nay, khi NĐT đặt lệnh thì nhân viên CTCK phải mất 3 giây để đưa lệnh vào hệ thống giao dịch của công ty rồi chuyển lệnh vào sàn. Tiếp đó, nhân viên ngồi tại sàn phải mất khoảng 5 giây để thực hiện chuyển lệnh vào hệ thống giao dịch HOSE. Như vậy phải mất khoảng 8 - 10 giây để đưa một lệnh vào hệ thống HOSE. Trong khi với phương thức GDTT, lệnh của NĐT chỉ mất 1 giây. Ông Lê Hải Trà cho biết: "Trường hợp CTCK nhận cùng một lúc 1.000 lệnh thì phương thức mới này cho phép 1.000 lệnh vào cùng một lúc. Các CTCK đều có cổng vào hệ thống của HOSE nên sẽ không có tình trạng các lệnh "chen lấn" nhau. Để đảm bảo tính an toàn, trong 2 tuần đầu khi phương phức GDTT thực hiện, các nhân viên đại diện của CTCK vẫn ngồi tại HOSE dự phòng để có xảy ra trục trặc gì thì xử lý. Trong trường hợp NĐT không có khả năng về máy tính thì vẫn có thể thực hiện chuyển lệnh thủ công như hiện nay".

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.