Gia đình Degenhardt
Năm 1972, vợ chồng ông bà Degenhardt nhận một bé gái tên Nguyễn Thị Mỹ Liên, 4 tuổi ở cô nhi viện Tân Bình, Suối Vinh, Cam Ranh, Khánh Hòa làm con nuôi. Các sơ ở đây cho biết, "Mỹ Liên được một người phụ nữ và một người lính đưa vào cô nhi viện lúc khoảng 3 tháng tuổi. Các sơ không biết bất cứ một thông tin gì về họ cũng như tên cha mẹ và tên của em".
Nguyễn Thị Mỹ Liên là tên các sơ đặt. Trong hồi ức của bà Dawn
Mỹ Liên lúc còn nhỏ - Ảnh do Công ty Motherland Heritage cung cấp |
Và từ đó Mỹ Liên bắt đầu một cuộc đời mới, một quốc tịch mới với cái tên Joy Mỹ Liên Degenhardt. Trong hồi ức của mình, ông bà Degenhardt đều khen ngợi Joy là một đứa trẻ sáng dạ, thông minh và chăm chỉ. Trong vòng một tháng đầu sang Mỹ, Joy đã hiểu tất cả những gì cha mẹ muốn nói và bắt đầu nói được vài từ tiếng Anh. Rồi Joy đến trường, cô học trượt tuyết, múa ba lê, bơi lội, trượt nước và chơi rất giỏi môn bóng chày, bóng rổ, tennis. Đặc biệt, Joy có khiếu về âm nhạc.
Cô chơi thuần thục các loại nhạc cụ như piano, guitar, mandolin… Lên trung học, Joy ngồi thổi sáo ở ghế chính trong ban nhạc và thủ quân của đội túc cầu vô địch tiểu bang. 18 tuổi, Joy vào đại học. Cô học 2 năm chuyên ngành về trẻ em ở đại học Southern Maine. Sau đó Joy chuyển sang Đại học Hawaii ở Honolulu, khoa Kinh doanh và Quan hệ quốc tế.
Mẹ nuôi của Mỹ Liên là bà Dawn C.Degenhardt, người sáng lập tổ chức Maine Aid and Protection Services (MAPS) vào năm 1977. Đây là một tổ chức chuyên giúp đỡ trẻ em nghèo, bất hạnh trên thế giới. Bà đã được Chính phủ Mỹ và nhiều nước tặng thưởng huân, huy chương và nhiều giải thưởng khác nhau để ghi nhận công sức của bà trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo. Đặc biệt là năm 1997, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã trực tiếp trao tặng cho bà giải thưởng Jefferson. Từ năm 1993 đến nay, bà Dawn và con gái, Joy Mỹ Liên Degenhardt đã hợp tác với Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và UBND của 12 tỉnh thành của Việt Nam triển khai hàng loạt các dự án nhân đạo.
Sau 16 năm hoạt động, dưới sự chỉ đạo của bà, Joy Mỹ Liên đã triển khai và tài trợ hơn 7 triệu USD cho các dự án nhân đạo dành riêng cho trẻ em ở các tỉnh thành tại Việt Nam. Ông Edwin Degenhardt, chồng bà Dawn, là người đi đầu trong việc quyên góp tiền bạc, vật chất, khuyến khích vợ và các con về Việt Nam hoạt động nhân đạo. Ông bà không có con ruột nhưng đã nhận 9 người con nuôi là những đứa trẻ mồ côi trong các cô nhi viện của các nước, trong đó có 3 con nuôi người Việt Nam, Joy Mỹ Liên, David Vinh và Heather Kim. 9 người con của ông đều thành đạt trong cuộc sống và có vị trí cao trong xã hội.
"Mẹ ơi, mẹ ở đâu?"
Hồi nhỏ, Mỹ Liên thường được cha mẹ kể về Việt Nam. Trong trí tưởng tượng của cô lúc ấy, Việt Nam chỉ có đói nghèo và chiến tranh loạn lạc. Lớn lên, qua các phương tiện truyền thông, cô hiểu rõ hơn về quê hương xứ sở mình. Cô kể rằng, nhà cô có 9 anh chị em, đều là con nuôi nhưng rất thương nhau. Cứ cuối tuần, bố mẹ đưa 9 đứa đi chơi trên "ngôi nhà di động" của họ.
Ngôi nhà đó là một chiếc xe hơi rất lớn. Bên trong được trang bị đầy đủ từ bếp nấu ăn, bàn làm việc, bàn ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm, còn ghế ngồi thì bật ra thành giường nằm, bấm lại thành ghế sofa và đầy đủ các tiện nghi khác như một ngôi nhà. Tới thăm địa danh nào, chị em cô bắt buộc phải viết bài cảm nghĩ hoặc viết về lịch sử của nơi đó, nộp lại cho bố mẹ. Ngoài những chuyến đi chơi chung vào cuối tuần, trong tuần, bố mẹ cô sẽ sắp xếp thời gian, luân phiên nhau dẫn từng đứa đi chơi riêng để hiểu rõ về tính cách riêng của từng đứa.
Mỹ Liên bảo rằng, bố mẹ nuôi của cô là những người tuyệt vời nhất trần gian. Đi tới đâu ai cũng khen nhà cô đông con mà được dạy bảo tốt, đứa nào cũng ngoan ngoãn, học giỏi. Nhưng cô bảo là người Mỹ dạy con khác người Việt. Để giúp con trẻ hiểu được giá trị cuộc sống, cha mẹ khuyến khích làm việc ngày từ nhỏ. Lên 10 tuổi, Mỹ Liên bắt đầu đi giao báo vào mỗi buổi sáng.
13 tuổi, chị em cô ra phụ lau bàn, làm bánh, đón khách trong các cửa hàng McDonald của gia đình mình. Cách quản lý con cái cũng khác, chị em cô sẽ được trả lương và được giữ một nửa để dùng vào những việc cần thiết như mua quà cho bạn bè và người thân nhân những dịp lễ, tết, sinh nhật, nửa còn lại bỏ vào tài khoản ngân hàng của mỗi cá nhân.
Cô còn nhớ mùa hè năm đó, cô và một đứa em vào trang trại nhổ khoai tây cho người ta. Công việc rất vất vả. Được hai tuần, hai đứa về nói với mẹ là không làm nữa. Mẹ cô nhìn hai đứa cười bảo rằng: "Mẹ muốn các con vào đó làm để biết người nông dân cực khổ như thế nào". Nhưng dù được bao bọc trong gia đình sung túc, Mỹ Liên vẫn luôn đau đáu nghĩ về Việt Nam. Cô biết ở đó có người mẹ ruột của mình đang sinh sống. Cô tự hỏi là mẹ cô đang ở đâu, bà có được sung sướng hạnh phúc không? Và khi ý thức được mọi chuyện, Mỹ Liên cố gắng học thật giỏi để đền đáp công ơn bố mẹ nuôi nhưng cũng là để có thể giúp quê hương Việt Nam sau này.
Hiểu được lòng Mỹ Liên, bố mẹ nuôi tâm sự rằng: "Tôi thương Mỹ Liên như chính đứa con tôi rứt ruột đẻ ra song tôi biết chắc, tôi không thể sống mãi với nó được. Càng lớn, Liên càng mong mỏi về Việt Nam tìm mẹ. Đó là một điều tốt. Vì cuộc sống của những đứa con tôi sẽ hạnh phúc biết nhường nào khi chúng có hai người mẹ". Theo dự tính, sau khi Mỹ Liên tốt nghiệp đại học, ông bà Degenhartd sẽ cho cô sang học tiếng Việt ở ĐH Stanford, California. Nhưng cô ngỏ ý muốn trở về Việt Nam làm việc và để tìm mẹ. Dù thương con thân gái dặm trường nhưng trước sự quyết liệt của Liên ông bà đành phải đồng ý.
Gặp những bà mẹ tìm con
Một ngày giữa mùa hè, Mỹ Liên nhận được lá thư đẫm đầy nước mắt của một người mẹ tìm con. Bà mẹ tên Thu, quê ở Ninh Thuận. Thời con gái, bà trót mang thai và sinh một bé gái. Bà đặt tên con là Mỹ Liên. Nhưng giữa những định kiến gay gắt của gia đình và chòm xóm, bà Thu không đủ can đảm để giữ con lại. Thế rồi bà ẵm con đem đi cho. Sau đó bà lấy chồng. Nhưng người mẹ khi đã lỡ cho con của mình thì tâm chẳng bao giờ bình an. Suốt cuộc đời bà sống trong ân hận, thương nhớ. Khi biết có một người con gái tên Mỹ Liên đang đi tìm mẹ, bà Thu nghĩ chắc chắn đó là con mình nên viết thư gửi cho cô. Đọc thư xong, Mỹ Liên tức tốc lên đường.
Ba người con nuôi người Việt của ông bà Degenhardt |
Ninh Thuận những ngày giữa hè nắng như thiêu như đốt. Lần theo đúng địa chỉ ghi trong thư nhưng cả ngày trời cô vẫn không tìm được nhà bà Thu. Đến trưa ngày hôm sau, cô mới biết bà Thu đang sống ở vùng đồng bào người Chăm. Giáp mặt, Mỹ Liên và bà Thu nhìn nhau ngờ ngợ. Trong cảm giác của Liên, mẹ cô không giống như thế này. Cô ở lại Ninh Thuận một tuần nhưng vẫn không cảm nhận được tình mẫu tử. Thế nhưng khi chia tay, Mỹ Liên vẫn không ngăn nổi dòng nước mắt. Trở về Sài Gòn, cô lập tức lên kế hoạch ra Ninh Thuận xây nhà cho bà và trợ vốn giúp bà làm ăn, cải thiện cuộc sống.
Thất bại nhưng Mỹ Liên vẫn không bỏ cuộc. Bức thư của bà Nguyễn Thị Nhung ở Phan Thiết - Bình Thuận cũng có hoàn cảnh mất con tương tự. Mỹ Liên đích thân ra tận Phan Thiết để gặp mặt. Nhìn thấy Mỹ Liên, bà Nhung khóc ngất đi. Mỹ Liên cũng xúc động chẳng kém. Hình ảnh người mẹ đi tìm con luôn làm cô đau đớn. Nhưng kỳ lạ thay, dù họ quấn quýt bên nhau cả tuần, cô vẫn cảm thấy như hai người xa lạ. Thấy bà chưa tìm được con lại còn phải bươn chải để kiếm sống, Mỹ Liên càng xót xa. Cô đối xử với bà Nhung như mẹ và xây nhà cho gia đình bà rồi hỗ trợ vốn cho gia đình làm ăn.
16 năm ở Việt Nam, Mỹ Liên luôn di chuyển như thế. Cô lại tiếp tục xây nhà và giúp vốn cho một số bà mẹ mất con đang gặp khó khăn…
Bảo Thiên
Kỳ 3: Món quà đặc biệt
Bình luận (0)