Con tỉ phú Mỹ về Việt Nam tìm mẹ - Kỳ 3: Món quà đặc biệt

10/01/2009 22:56 GMT+7

Từ ngày tìm được mẹ, Mỹ Liên sống trong lâng lâng hạnh phúc, một thứ hạnh phúc khó diễn tả bằng lời. Cô đang có một kế hoạch lâu dài để giúp đỡ trẻ em bất hạnh Việt Nam và để được ở bên mẹ ruột mãi mãi. Mời nghe đọc bài

Chuyến hồi hương định mệnh

Và năm 1992, món quà tốt nghiệp đại học mà gia đình tặng Mỹ Liên là một chuyến về Việt Nam cùng với mẹ Dawn. Mẹ đưa cô tới thăm Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, mồ côi Thụy An, tỉnh Hà Tây. Năm 1993, Mỹ Liên trở lại Việt Nam lúc vừa tròn 24 tuổi, một thân một mình, không có bạn bè, không người thân thích. Dự án đầu tiên là kết hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Hà Tây xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Thụy An. Nhưng cuộc sống ở Việt Nam không đơn giản như cô nghĩ. Một cô gái quen với mức sống rất cao trong gia đình giàu có, lần đầu tiên chạm vào nỗi khó khăn của Việt Nam thời kỳ vừa đổi mới, làm cho Liên không khỏi băn khoăn.

Cô chưa giúp được gì cho những đứa trẻ giống cô, thông tin về mẹ cũng chưa có. Và Liên đã cho mình một cơ hội nữa. Cô bắt đầu vật lộn học tiếng Việt. Cô hòa mình vào cuộc sống của con người Việt Nam. Ngồi ăn vỉa hè, tập chạy xe máy và cô thấy có những phụ nữ thiệt thòi hơn cô, không có sức khỏe bằng cô, họ vẫn có thể chịu đựng được, vậy thì hà cớ gì mà cô phải bỏ cuộc. Bắt đầu từ đó, một mình Liên rong ruổi khắp nơi để xin triển khai các dự án. Và cũng từ đó nhiều người biết được hoàn cảnh của cô và có hàng trăm lá thư gửi về nhận cô là con. Mỹ Liên kiên nhẫn đọc tất cả thư và đến tận từng địa chỉ để tìm...  

“Ông trùm tìm kiếm” vào cuộc

Hành trình tìm mẹ của Mỹ Liên lại tiếp tục trong 16 năm. Hàng trăm bức thư từ khắp cả nước vẫn đều đặn gửi về. Mỗi lần nhận thư, cô lại vội vã lên đường. Cô không dám bỏ qua trường hợp nào vì sợ tuột mất một cơ hội... Nhưng ở Việt Nam, cô gặp rất nhiều chuyện khiến cô đau lòng. Sang Việt Nam Mỹ Liên vẫn ở nhà thuê. Cô đã từng bị lừa lấy mất một căn nhà giá trị lúc đó khoảng 200 ngàn USD, vì cô nhờ một người đứng tên và sau đó thì bị “chiếm” mất. Cô đã từng kết hôn với một người Việt, nhưng khi chia tay, để giành được quyền nuôi con cô phải chấp nhận một cái giá phải trả là ra khỏi nhà với 3 cô con gái chỉ với năm triệu đồng tiền Việt Nam. Chưa hết, cô còn bị những nhân viên, trước nghèo khó, cô đưa về giúp đỡ và đào tạo nghề lại bỏ cô ra đi. Cô bảo bị mất tiền không tiếc, mất niềm tin mới làm cô đau đớn. Nhưng cô chỉ tiếc là với số tiền bị mất, cô sẽ có cơ hội giúp đỡ cho rất nhiều người kém may mắn. 

Cô bảo là hết năm 2008, nếu không tìm được mẹ, cô và các con sẽ sang định cư tại  Singapore, nơi chồng cô đang làm việc và sinh sống. Không muốn 16 năm tìm kiếm của cô trở thành công cốc, “ông trùm tìm kiếm” Lê Cao Tâm đã cùng nhân viên của mình là Nguyễn Thanh Tuấn  vào cuộc. Họ đã hàng chục lần ra vào Khánh Hòa, nhờ Hội Chữ thập đỏ Khánh Hòa từ tỉnh xuống các huyện, phường, xã tập hợp hồ sơ của những phụ nữ từ 58 – 61 tuổi, bị thất lạc con gái rồi họ sẽ sàng lọc lại. 

Và một lần nữa ra Nha Trang, anh Tâm và anh Tuấn đã gặp người đàn bà bán dạo trên bãi biển, từ đó lần ra bà Bùi Thị Lai Ninh, mẹ ruột của Mỹ Liên.  

Tình thương của mẹ

Gặp chúng tôi, Mỹ Liên hồ hởi khoe là mẹ vừa gửi vào cho cô một thùng quà “đặc biệt”. Cô bảo đó là món quà đầu tiên cô nhận được từ khi về Việt Nam. Từ trước tới giờ, cô chỉ đi tặng những món quà cho người khác nhưng bản thân mình thì ít khi nhận được quà từ ai. Vì công việc nên mẹ con cô một tuần chỉ được gặp nhau vài lần. Nhưng ngày nào không gặp thì hai mẹ con cô gọi điện chuyện trò liên miên, cứ một chút là gọi, gặp chuyện vui thì Liên kể cho mẹ nghe, gặp chuyện buồn thì cả hai mẹ con cùng chia sẻ. Mỗi lần gặp nhau, hai mẹ con họ quấn quýt không rời nửa bước như sợ lơ là một chút là họ lại lạc mất nhau một lần nữa. Mỗi lần bà Ninh vào Sài Gòn, trước khi đi ngủ, bà đi quanh giường của 3 đứa cháu ngoại, kéo chăn đắp lên cho từng đứa, chứng kiến sự chăm sóc đầy tình yêu thương của người mẹ dành cho con mình, Mỹ Liên đã rơi lệ vì cô cũng thèm khát cảm giác đó mà hơn 40 năm nay chưa có diễm phúc được cảm nhận.

 

Mỹ Liên và đại gia đình mẹ ruột chụp chung với bà bán dạo ngoài bãi biển (bìa trái)

Tuy sống ở hai nền văn hóa khác nhau nhưng mẹ con cô dường như không có một khoảng cách nào. 3 đứa con gái của Mỹ Liên cũng vậy. Ngày đầu tiên bà Ninh về nhà Liên, cô bảo đó là bà ngoại mà mẹ con cô lâu nay đang đi tìm. Ba đứa con gái của chị giành nhau ôm vai bá cổ bà. Không những thế, thằng con trai của Hiếu, cháu nội bà Ninh cũng quấn lấy Mỹ Liên và những người con của cô. 4 đứa trẻ lần đầu tiên gặp mặt mà chúng thân thiết, đối xử với nhau như những anh em đã từng sống chung nhà. Bà Ninh và Mỹ Liên rưng rưng cười mãn nguyện.

Liên kể cho mẹ nghe cuộc sống của gia đình bên Mỹ. Bà Ninh kể cho con nghe về cuộc đời mình. Nhưng câu chuyện của hai mẹ con chẳng bao giờ dứt. Bà Ninh kể cho Liên nghe rằng, hồi đó bà gian truân vất vả lắm. Khi Hiếu mới được 4 tuổi thì chồng bà chết. Bà phải làm thuê đủ nghề mới có tiền nuôi con. Sau khi Hiếu lớn thêm vài tuổi, bà mua được một chiếc xe đẩy. Thế là hai mẹ con đẩy xe ra bãi biển bán trứng vịt lộn, nước dừa, cho thuê ghế bố. Dành dụm mãi bà mới mở được cái quán ăn P.B ngay sát biển. Nhắc tới tên quán, Mỹ Liên khóc nghẹn ngào vì tiếc nuối. Mười mấy năm nay, mỗi lần ra Nha Trang, cô đều đưa khách và gia đình mình vào quán P.B ăn, không ngờ chủ quán chính là người mẹ mà cô đang đi tìm.

 

“Ông trùm tìm kiếm” Lê Cao Tâm áo đen, ở giữa

Lê Cao Tâm là con người khá đặc biệt. Hiện anh là Tổng giám đốc Công ty TNHH Mortherland Heritage, còn anh Nguyễn Thanh Tuấn là Giám đốc bộ phận du lịch của công ty này. Đây là một công ty chuyên tổ chức các tour về nguồn dành cho những người Việt Nam ở nước ngoài. Mười mấy năm nay, anh Tâm và anh Tuấn là cầu nối đoàn tụ cho hàng trăm trường hợp thất lạc.
Mỹ Liên bảo là ở cái quán đó có một cái gì rất đặc biệt mà cô chẳng giải thích được. Vì thế mỗi lần ra Nha Trang, cô phải ghé quán đó ăn cho bằng được. Nhưng cô không hiểu sao, một năm nay cô không còn thích thú ăn ở quán đó như trước nữa. Bà Ninh bảo là đã sang quán cho người khác, nay cũng tròn năm rồi. Bây giờ Mỹ Liên mới hiểu, đó không phải là sự ngẫu nhiên...

Khi biết mình mang tên Bùi Thị Thu Thu, Mỹ Liên lại cảm thấy thêm một sự trùng hợp ngọt ngào. Vì chính cô cũng rất thích cái tên đó và cô cũng đã đặt cho một đứa con gái nuôi của mình tên Thu. Mỹ Liên tâm sự rằng, cô đã có kế hoạch để rời khỏi Việt Nam nhưng việc tìm thấy mẹ, khiến cô suy nghĩ lại. 16 năm ở Việt Nam, Mỹ Liên gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ như bị hiểu lầm, bị lợi dụng, đau khổ và cô đơn, cuộc sống của cô không có bạn bè đúng nghĩa. Hạnh phúc của cô là xem niềm vui của trẻ em mồ côi làm niềm vui cho mình. Sự thiệt thòi của cô nay đã được đền bù. Cô thấy việc tìm thấy mẹ như một định mệnh. Mỹ Liên cảm giác như quê hương muốn níu giữ chân cô và số phận cô không được rời bỏ quê hương và những em bé mồ côi Việt Nam một lần nữa. Liên sẽ tiếp tục làm việc nhân đạo để giúp đỡ những trẻ em mồ côi Việt Nam khác.

 Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.