Trường hợp nên và không nên dùng gừng
Theo y học cổ truyền, gừng làm tản hàn, ôn phế, giải đờm và chống nôn nên dùng lúc bị phong hàn ngoại cảm, ho nhiều đờm, giải độc, kích thích dạ dày, đau phong thấp, chống dị ứng. Gừng có công dụng ngăn cản sự tăng cholesterol trong máu, có tác dụng với các bệnh tăng mỡ máu, nhiễm mỡ gan, huyết áp cao, giúp cho hệ thống miễn dịch làm việc có hiệu quả, tăng khả năng chống lạnh, chịu lạnh và hạn chế các bệnh viêm nhiễm, ức chế thần kinh trung ương, ức chế hoạt tính của histamin, dẫn đến giảm co thắt cơ trơn, giảm cơn dị ứng.
Do đó, gừng có tác dụng tốt trong việc chữa nôn mửa (do thai nghén, sau tàu xe hay do hóa trị, xạ trị) mà không gây phản ứng phụ như các thuốc chống nôn hóa dược; giúp hệ thống tiêu hóa làm việc tốt hơn nhờ khả năng kích thích tiết nước bọt, dịch mật, kích thích sự vận chuyển trong đường tiêu hóa. Kích thích sự sinh trưởng các loại vi khuẩn có ích trong hệ tiêu hóa, có tác dụng chống rối loạn tiêu hóa do kháng sinh. Gừng cũng làm giảm bài tiết dịch vị, ức chế sự co bóp dạ dày, ức chế sự phát triển của các loại vi trùng gây bệnh dạ dày.
Tuy nhiên, thành phần chính của gừng tươi là volatile, chất cay, nhựa cây và tinh bột. Gừng tươi nếu bị biến chất còn chứa safrole. Chất cay và safrole có thể gây biến tính cho tế bào gan của người viêm gan, dẫn đến chức năng của gan mất bình thường. Người viêm gan ăn gừng tươi không những không thể sớm bình phục, ngược lại sẽ làm cho bệnh tình trở nên xấu hơn. Vì vậy, người viêm gan không nên ăn gừng tươi. Không dùng lúc bị thủy đậu, âm hư, ngoại nhiệt, người có thai. Không dùng gừng thối vì có độc.
Những cách sử dụng gừng
Trong nhân dân có nhiều kinh nghiệm sử dụng gừng để chữa nhiều bệnh. Dưới đây là một số cách sử dụng gừng để chữa bệnh:
* Chữa viêm phế quản mãn tính: gừng sống 7 lát, củ cải trắng 250g, đường đỏ 30g, cho nước vào sắc uống, ngày 2 - 3 lần.
* Ăn uống kém: Gừng 4 lát, hồng sâm 30 - 60g, cho vào 2 bát nước sắc còn một bát uống.
* Loét hành tá tràng: Gừng tươi 35g, rửa sạch, cắt nhỏ, cho vào
50 ml nước, nấu lửa nhỏ trong 30 phút, chia thành 6 lần uống hết. Ngày uống 3 lần.
* Vị hàn, bụng đau: Gừng sống 30g, trứng gà 1 quả, dầu ăn 30 ml. Thái nhỏ gừng, đập trứng vào, dùng dầu rán mà ăn, ngày chia ra ăn 3 lần, liên tục ăn 3 - 5 ngày.
* Lỵ do khuẩn: Gừng tươi 100g, đường đỏ 40g, tất cả nghiền nhuyễn thành hồ, ngày chia ra ăn 3 lần. 7 ngày là một liệu trình.
* Tiêu chảy: Gừng tươi thái nhỏ 9g, trứng gà 4 quả. Trộn với nhau và rán lên bằng dầu vừng để ăn. Ăn xong uống một cốc nước đường.
* Chữa khó thở, thở gấp: gừng sống 15g, trứng gà 1 quả, thái nhỏ gừng, đập trứng lẫn vào nhau rán lên ăn nóng.
Lương y Vũ Quốc Trung
Bình luận (0)