Còn ở một thành phố nhỏ như Thanh Hoá, thì cái đẹp của tơ lụa và danh thắng Việt Nam qua tấm lòng nhân ái của một người đàn bà đẹp đã cứu rỗi những phận người cơ nhỡ.
Tơ vương với phận nghèo cơ nhỡ
Sinh năm 1964 ở Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá, năm 1986 tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt (Đại học Nông nghiệp I HN) hẳn hoi, nhưng cái "đỏng đảnh" của cơ chế bao cấp đã đùn đẩy Vũ Thị Minh Thuý hết ở Ban chè lại đến Xí nghiệp lợn sữa của Sở Nông nghiệp Thanh Hoá. Học trồng trọt, làm chăn nuôi đã chéo ngoe, lại còn làm văn thư lưu trữ cho chăn nuôi nữa, với lương tháng chỉ sống được hai tuần... cực chẳng đã. Năm 1994, nhân nghỉ đẻ, chị xin nghỉ không lương tìm việc mới.
Cơ khổ (mà cũng là... cơ duyên) là vào một buổi mùa hè năm 1996, trên đường đi xin việc (mà chẳng được việc gì) trở về nhà, chị bắt gặp ba đứa trẻ lang thang mới độ chừng 11 - 12 tuổi ở trần trùng trục đang bị mấy con nghiện trấn lột. Như một phản ứng bản năng, chị quát đuổi bọn nghiện rồi đưa lũ trẻ về nhà mình. Thấy thương trẻ con lang thang bị bắt nạt thì đưa chúng về nhà thôi.
Còn giúp chúng bằng cách nào thì ngay lúc ấy chị chưa nghĩ ra khi chính mình thất nghiệp. Hỏi chuyện, biết cả ba đều mồ côi, bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, chị xót lắm. Đến lúc nhìn chúng xì xụp húp mì tôm như là chưa được ăn bao giờ, chị mới thấy cay mắt giật mình. Ngày mai chúng ăn đâu, ngủ đâu? Ai sẽ cho chúng ăn nếu không phải là mình? Bọn trẻ vô tư, ăn xong lăn ra ngủ ngon lành. Chị ngồi quạt cho lũ trẻ và suy nghĩ rất lung...
May làm sao, trong cơn bĩ cực ấy, chị đã nhớ tới chị Nguyễn Ngọc Quý, người phụ trách "Mái ấm tình thương thành phố Thanh Hoá". Chị mò đến mái ấm của chị Ngọc Quý phát tín hiệu cấp cứu. Thương chị có tấm lòng với lũ trẻ cơ nhỡ, chị Quý quăng cho chị cái phao cứu sinh. Đồng ý cho lũ trẻ mồ côi tá túc ở "Mái ấm tình thương". Nhưng đó là giải pháp tạm thời trước mắt, còn lâu dài thì sao?
Hình ảnh nhem nhuốc, háu ăn của lũ trẻ khiến ký ức chị sống lại cảnh bần hàn nghèo đói ngày xưa của mấy anh em chị. Bố đi công tác xa, mẹ làm mấy sào ruộng nuôi 6 miệng trẻ ăn lúc nào cũng thòm thèm. Đói quanh năm. Cơm ít hơn ngô khoai. Kỳ giáp hạt ngô khoai cũng thiếu. Ngô không nấu đâu, mà rang. Rang đỡ tốn lửa, ăn vào uống nước no lâu lắm. Thường ngày chia ngô bằng bát. Đứa lớn sét bát, đứa bé lưng lửng bát, bé hơn nữa thì nửa bát. Có bữa, mẹ làm đồng về muộn, đói quá, mà ngô thì ít không thể đong bằng bát được, ông anh chị đã nghĩ ra sáng kiến lớn: Đếm hạt mà chia nhau cho... công bằng!
Chị thở dài. Nếu đẩy bọn trẻ cơ nhỡ này ra đường phố, thì đến món khó nuốt như ngô rang cũng không có mà ăn. ậy là chưa nói đến nạn trấn lột, hiếp dâm, hoặc bị lừa bán ra nước ngoài nữa.. như đài, báo, tivi vẫn đưa tin ra rả hàng ngày.
Con đói thì đầu gối mẹ phải bò. Chị mò đến Xí nghiệp tăm tre Mục Sơn ở Thọ Xuân, xin mua tăm về cho lũ trẻ gia công đóng gói, rồi đích thân đạp xe lọ mọ đến từng cơ quan, gia đình năn nỉ mọi người thương tình mua giúp cho.
Thấy chị tất tả chân le chân vịt, lúc thì lo cho con đẻ ở nhà, lúc lại lo cho con nuôi ở mái ấm tình thương, người vô tâm đã không chia sẻ thì chớ, lại còn bĩu môi "Ôi dào... ốc không cõng nổi ốc lại còn đèo bòng thêm rêu. Rõ là đồ... dở hơi"! không biết người ta còn bảo chị "dở hơi" thế nào nếu tận mắt thấy chị một tay ôm con nhỏ, tay còn lại nắn cho con lớn dò dẫm từng nét chữ a, b, c... vỡ lòng!
Trong khi đó, cái tin "mẹ Thuý cưu mang trẻ mồ côi" loang nhanh như tia chớp trong đám trẻ lang thang. Từ ba đứa ban đầu, mái ấm của chị tăng lên năm đứa, tám đứa, rồi mười tám, hai mươi đứa. Miệng ăn núi lở, thì đầu gối "mẹ Thuý" lại phải "bò". Ngoài làm tăm, chị lại mò đến nhà bạn bè vay mượn tiền bạc mở xưởng để mẹ con cùng "bò" ra làm khăn thơm. Rồi lại mò mẫm chào hàng, năn nỉ bán sỉ bán lẻ từng gói một khắp ngõ ngách thành phố Thanh Hoá.
Nhớ lại những ngày gần như ăn mày ấy, chị Thuý vẫn thảng thốt như chưa hết bàng hoàng: "Ngày công lao động chỉ kiếm được 3-4 ngàn đồng thôi, vậy mà không hiểu sao mấy mẹ con vẫn đắp đổi cầm cự được cho đến ngày... gặp "quý nhân phù trợ".
Cái đẹp cứu rỗi phận người
Chủ nhiệm HTX Nhân đạo tháng 5 Vũ Thị Minh Thúy. |
"Quý nhân" mà ông trời sai bảo đến "phù trợ" giúp chị Thuý và lũ trẻ mồ côi tật nguyền của chị là anh Viên Đình Dũng, em trai người bạn gái thân thiết của chị (nhà văn, nhà báo Viên Lan Anh - biên tập viên Báo Thanh Hoá). Viên Đình Dũng chuyên kinh doanh tranh sơn mài Việt Nam bán ở thị trường Đức.
Năm 2003 về quê, cảm phục tấm lòng và nghị lực của chị Thuý, thân cô thế cô mà dám đa mang bìu ríu cả một đại đội trẻ mồ côi cơ nhỡ, lại cũng rất cảm mến lũ trẻ "không gia đình" của chị, Dũng đã biếu chị 1.000USD kèm theo tư vấn "chị tổ chức cho các cháu làm tranh thêu ren xuất khẩu, em sẽ lo đầu ra đưa sang Đức bán giúp cho". Chưa từng biết thêu thùa là gì, lại cũng không rõ thị trường Đức hắn tròn méo ra răng, nhưng người đã làm phúc cho mình ngần ấy tiền chắc chắn phải là người tốt thật, việc lợi thật.
Thế là chị chọn bé Nguyễn Hồng Vân, đứa trẻ mồ côi lanh lợi, đã được chị kèm cặp cho học đến lớp 5 thay chị đi Hà Tây (cũ) học nghề ở làng thêu truyền thống Quất Động. Vân học được vài tuần, chị mới nghĩ ra, nếu chờ Vân học xong về dạy lại cho bọn trẻ thì sẽ rất tốn thời gian và tiền bạc "chơi" thế thì "sang quá". Con nhà nghèo không thể phí phạm được. Chị quyết định mời thầy về Thanh Hoá cho cả lũ trẻ vừa học vừa làm luôn.
Nhờ trẻ sáng dạ, học chóng vào, lại cũng nhờ "trời thương" nữa, lô hàng đầu tiên do chị làm tổng đạo diễn, từ mẫu mã (toàn cảnh làng quê xưa cây đa, giếng nước, mái đình...) đến nguyên vật liệu, thi công... đã dời Việt Nam sang Đức, mang về cho mẹ con chị một khoản tiền trong mơ: 164.000USD.
Cái tin trẻ mồ côi tàn tật "nhà mẹ Thuý" làm hàng thêu ren mỹ nghệ xuất khẩu loang nhanh như tia chớp, lan rộng khắp ngõ ngách thành phố Thanh Hoá. Để con trẻ có cơ hội khẳng định mình, hoà nhập với cộng đồng và hội nhập thế giới, tháng 5.2003 chị làm thủ tục thành lập Hợp tác xã nhân đạo tháng 5. Trẻ mồ côi và người tàn tật đến với chị ngày một nhiều thêm.
Năm 2004, chị thành lập thêm Hợp tác xã bảo trợ nghề nghiệp Sầm Sơn. Năm 2005 chị thành lập Trung tâm Dạy nghề và việc làm trẻ mồ côi người tàn tật Quảng Xương. Công việc vào guồng phát triển. Trụ sở chính ở 447B, Quang Trung II, Đông Vệ, TP.Thanh Hoá không đủ chỗ sản xuất, chị thuê đất mở thêm xưởng sản xuất ở Quảng Thành, TP.Thanh Hoá.
Đến thời điểm tháng 12.2008 này, các HTX và TT của chị đã tạo việc làm cho trên 1.000 lao động. 560 lao động chính làm hàng thêu ren xuất khẩu (135 trẻ mồ côi, tàn tật) với thu nhập từ 0,5-1,5 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết lao động trong cơ sở sản xuất của chị đều được đào tạo nghề miễn phí. Riêng năm 2008 này, chị mở 6 lớp dạy nghề cho người nghèo các dân tộc Thái, Mường (100 ở huyện Ngọc, 200 ở Lang Chánh).
Những người nghèo, tàn tật làm hàng thêu ren xuất khẩu do chị tổ chức điều hành đã mang về 13,5 tỉ đồng năm 2007 và 20 tỉ đồng năm 2008. Chị khoe với tôi: Để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho trẻ mồ côi tàn tật, từ năm 2005 chị đã nộp bảo hiểm xã hội cho 30 cháu và lập sổ tiết kiệm trị giá 300.000 đồng/năm cho 20 cháu khác. Một con số rất nhỏ, rất khiêm tốn với một doanh nghiệp nhỏ. Nhưng với người tàn tật là một gắng gỏi nỗ lực rất ý nghĩa.
Nhưng... giọng chị Thuý đột ngột chùng xuống, xót xa: "Nhưng đúng vào lúc mẹ con tôi thoát khỏi vòng kim cô cơ cực... ngày 8.3.2007 tôi nhận Cúp Bông Hồng Vàng 2007 tại Hà Nội, thì ngay trong đêm đó phải về Thanh Hoá gấp để lo đám tang cho ân nhân của mẹ con tôi. Anh Viên Đình Dũng chết đột ngột vì tai nạn giao thông. Đó là ngày vui nhất và cũng là buồn nhất của cuộc đời chúng tôi".
Không phải mơ đến cổ tích huyền thoại
Bây giờ thì lũ trẻ mồ côi tàn tật "nhà mẹ Thuý" đang ngày đêm miệt mài làm đẹp hình ảnh đất nước Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới bằng những lô hàng tranh thêu ren các danh thắng hồ Gươm, chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội, Hàm Rồng, Lam Kinh Thanh Hoá... xuất sang các thị trường Đức, Nga, Pháp, Mỹ, Thái, Lào...
Năm Mậu Tý sắp kết thúc. Chủ nhiệm HTX Nhân đạo tháng 5 Vũ Thị Minh Thuý cũng đang chạy nước rút. Vừa bế giảng và giao việc cho 300 lao động người Thái, Mường ở Ngọc Lạc, Lang Chánh xong, chị lại lật đật triển khai dự án 100 máy sản xuất đá mỹ nghệ xuất khẩu để ra năm mới 2009, 100 người nghèo ở Thanh Hoá sẽ có việc làm mới.
Trong cuộc gặp ngắn ngủi, lại có chiều vội vàng của buổi chiều cuối năm ấm nắng, chị nói với tôi: "Đã chót tơ vương với phận nghèo rồi lại cũng đã "chót làm" Doanh nhân tiêu biểu (năm 2006 và 2008) nên không thể dừng phát triển được. Không phải cho mình mà chính là cho người nghèo có việc làm mới, thu nhập mới và niềm hy vọng mới".
Còn cô bé Nguyễn Hồng Vân, mới ngày nào là một trong ba đứa trẻ nhút nhát đầu tiên đặt bàn chân dè dặt đến nhà chị, bây giờ đã là một giáo viên, một kỹ thuật viên - trợ lý đắc lực của chị Thuý thì lại nói với tôi: "Mẹ Thuý lo cho chúng cháu nhiều lắm. Cháu đang gắng sức giúp đỡ thật nhiều cho người nghèo để đền đáp tấm lòng trời bể của mẹ Thuý".
Nhìn gương mặt ngời ngời hạnh phúc và tràn trề hy vọng của cô bé Hồng Vân, tôi lại nhớ tới Đoxtoiepxki. Khi con người biết hướng tới cái đẹp, nâng niu cái đẹp và trao cái đẹp chân chính cho đồng bào mình bằng một tấm lòng đẹp, thì có lẽ chúng ta không cần thêm, không phải mơ đến một phép màu nào đó của cổ tích huyền thoại nữa.
Bình luận (0)