Làng hoa Sa Đéc

14/01/2009 23:35 GMT+7

Làng hoa Sa Đéc giờ nổi tiếng lắm rồi, nên nhiếp ảnh gia Khắc Hiếu, người sinh ra và lớn lên ở nơi này không giấu được vẻ hào hứng khi mời tôi về thăm. Hoa hẹn tiết trời, người thì đợi hoa, câu chuyện hoa và người trồng hoa bên bờ sông Sa Đéc không kém thi vị, nhưng cũng còn nhiều điều phải suy tư.

Hoa Tết và... đồ lỡ

Làng hoa nằm bên bờ sông Sa Đéc, bao quanh Khu công nghiệp Sa Đéc (Đồng Tháp), có con rạch Sa Nhiên. Hoa Sa Đéc từ lâu đã theo xe,  thuyền tỏa đi khắp lục tỉnh, miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên... Người trồng hoa mỗi dịp Tết bán cho thương lái một phần, phần còn lại sẽ thuê xe đi Kiên Giang, Vĩnh Long, TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng... bán chợ. Có chợ bán sớm, cũng có chợ bán trễ, mùng một mùng hai Tết mới đón xe đò về lại nhà.

Về làng hoa những ngày này đã thấy lác đác xe, thuyền đến gom hoa. Trong làng có những giàn hoa mấy ngàn giỏ đã được đặt tiền trước. Từ 20 tháng chạp, hoa từ vườn sẽ được chuyển ra hai bên đường, dọc bờ sông, nhộn nhịp kẻ bán người mua, hối hả xe, thuyền ăn hoa xuất bến. Cái lạ đập vào mắt người lần đầu đến thăm là hoa được trồng trên giàn cao, không phải trồng chậu như những nơi khác. Khắc Hiếu giải thích: “Thường hoa Tết ở đây xuống giống từ giữa năm, vào mùa nước nổi, nên nhà vườn phải lập giàn để đưa hoa lên cao. Lâu rồi thành lệ, những giống bông gieo trễ sau này cũng được cho lên giàn”. Khách du lịch ngoạn cảnh, thấy những thiếu nữ đứng trên thuyền nhẹ lướt đi chăm sóc những giàn hoa trên cao, là hình ảnh độc đáo chỉ có ở đất hoa Sa Đéc.

Hoa Sa Đéc có hai loại: hoa Tết và đồ lỡ. Tên đồ lỡ nghe thật lạ. Khi chúng tôi ghé nhà, anh Cao Văn Năm, một người chuyên trồng đồ lỡ giải thích: Trước kia làng trồng những loại hoa phục vụ Tết: cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Tiger, hoa hồng, thược dược... Sau mùa Tết, người nông dân trồng xen những loại ngắn ngày như dừa cạn, mười giờ, trâm ổi, bông trang, diễm châu, cỏ nhung, quỳnh anh, vạn thọ Pháp... Cái tên đồ lỡ là vậy: lỡ mùa lỡ vụ.   

Từ hoài niệm về loại cúc xơ mít...

Cúc xơ mít là cái tên dân dã của cúc đại đóa. Vợ chồng ông Mười Chánh, 73 tuổi, cứ tấm tắc kể hoài chuyện ông từng vớt con heo chết trôi về làm phân tưới bông. Bà Mười Chánh nhớ lại, năm đó cúc đại đóa nhà bà to gần bằng cái nón, chở lên Sài Gòn bán mà người xem bu coi đông nghịt. Ngày trước người làng mua cá ủ làm phân, lúc tưới thì có mùi, nhưng cây chịu loại phân tự nhiên này nên hoa rất đẹp. Bây giờ phân hóa học dễ dùng, nhưng cái hương, cái sắc của hoa đâu thể sánh với hoa tưới phân cá ngày xưa. Cúc đại đóa Sa Đéc tuy to, đẹp lộng lẫy nhưng cánh giòn, đưa đi xa dễ gãy nên người trồng cũng thưa dần. Làng hoa Sa Đéc giờ nổi tiếng với cúc mâm xôi, cúc Đài Loan... Còn giống cúc xơ mít thuở trước giờ chỉ là một hoài niệm.

Vợ chồng ông Mười Chánh trồng hoa từ thập niên 1970. Bà than, thuở đó phải tự đội phân từ thuyền lên vườn, phân chảy ròng ròng khắp người. Chân bước xuống sình ngập tới đầu gối, rút lên hổng nổi. Năm nay ở tuổi thất thập nên ông bà đã quyết định “về hưu”. “Lớn tuổi rồi, mần không nổi nữa. Nhưng thấy người ta cứ trồng ào ào, bán ào ào là thấy buồn, thấy nhớ...” – bà nói. Tôi hỏi bà buồn gì, bà nhìn xa xăm: “Trồng hoa từ lúc gieo xuống, chăm bón rồi đợi lúc ra hoa. Hoa đẹp thì lòng người tươi, còn hoa héo thì lòng người cũng héo. Bao nhiêu năm sống với cây hoa vậy rồi, giờ không mần nữa, buồn chớ...”. Bà nói như đúc kết: “Trồng hoa cực một nỗi là lúc nào cũng mần không ngơi tay. Nhưng nếu ai giỏi, kiên trì, dẫu thất bát vài mùa nhưng không nản chí thì mới thành công được”.

... Đến ước mơ một “siêu thị” hoa

Ghé vườn nhà anh Nguyễn Văn Xuân - một nông dân 43 tuổi, được anh chỉ vườn hoa cát tường giới thiệu, đây là giống hoa xứ lạnh, anh đem về đồng bằng trồng thử mùa đầu tiên, giá 70.000 đồng/cặp bán vẫn rất hot, không đủ hoa cho khách. Lúc trước miền Nam chỉ có một người ở Đồng Nai trồng, vợ anh đến mua hàng không được cho vào nhà vì sợ... ăn cắp nghề. Thấy bị đối xử vậy anh nóng mặt, bảo vợ: “Em yên chí, năm sau anh sẽ trồng ở ngay đây cho em”. Vậy là trong một năm, anh lên xuống Đà Lạt nhiều lần để học cách trồng loại hoa khó tính này. Kết quả là vườn anh có lứa hoa cát tường đầu tiên ở làng hoa Sa Đéc.

Mỗi năm, anh Xuân đều dành thời gian ra nước ngoài nhập giống, tìm hiểu các loại hoa mới. Trung Quốc với những nông trại bát ngát, Thái Lan với những vườn hoa mà mỗi năm đều đổi giống mới... Anh Xuân phân tích, thị hiếu người chơi hoa giờ chuộng đồ lạ, hoa Việt Nam bị cạnh tranh bởi quá nhiều hoa ngoại. Chưa kể người làng hoa Sa Đéc khi dựng vợ, gả chồng sang những tỉnh khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang... cũng tiếp tục lấy nghề trồng hoa làm sinh kế. Ước mơ của anh Xuân là lập được một vườn hoa đa dạng, cỡ “siêu thị” với đủ giống hoa, để làm phong phú thêm gương mặt làng hoa Sa Đéc.

Một thế hệ cũ dựa vào sự cần cù, một thế hệ mới chấp nhận cạnh tranh, có cái nhìn vượt ra ngoài biên giới của một công dân thời thế giới phẳng. Chiều xuống bên sông Sa Đéc, nhìn những giàn cúc mâm xôi vàng rực giữa  lúc khách du lịch đến ngoạn cảnh, những giàn hoa nở sớm lộng lẫy như thoát ra từ bộ phim Hoàng kim giáp (*), tôi chợt nhớ câu ca: “...Trông trời, trông đất, trông mây/ Trong mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm...”. Sự thay đổi thời tiết hiện nay ảnh hưởng đến người trồng hoa mạnh hơn bao giờ hết. Chỉ một cơn mưa trái mùa, bao nhiêu đóa hoa mong manh đã tả tơi, lòng người trồng hoa cũng tàn héo... 

Quang Thi

(*) Phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu - Trung Quốc

>> Mời bạn đọc đón không khí Tết tại chuyên trang Tết Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.