Đìu hiu chợ Tết công nhân

15/01/2009 10:35 GMT+7

Với công nhân, mua sắm Tết đã trở thành chuyện xa xỉ dù những món hàng ấy đã được hạ đến giá thấp nhất Khác với không khí nhộn nhịp mua sắm những năm trước, năm nay, không khí sắm Tết trong công nhân (CN) có vẻ trầm lắng. Hơn 18 giờ nhưng các cửa hàng giảm giá ven đường Tây Thạnh vào KCN Tân Bình- TPHCM vẫn vắng vẻ.

Chị Lê Thị Thanh, chủ một cửa hàng bán quần áo, than: “Năm nay khó khăn nên CN cũng chẳng mua sắm gì. Mỗi đêm, chỉ bán được vài ba cái áo nên tôi không dám lấy thêm hàng. Chẳng bù cho mấy năm trước, bây giờ là thời điểm làm ăn. Chờ vài ngày nữa CN được lãnh lương, thưởng xem có khá hơn không!”.

Ngắm nhiều hơn mua

Hàng kế bên chị Thanh, mấy cô CN mặc đồng phục Công ty Dệt may Thành Công đang chọn lựa túi xách, ba lô. Sau một hồi xem xét kỹ lưỡng, cô CN tên Cúc chọn được một chiếc vali ưng ý nhưng khi biết giá 150.000 đồng, cô trả lại. Cúc tâm sự: “Thôi, về tìm lại cái vali cũ mà dùng chứ mua làm gì tốn tiền. Số tiền sắm vali mới có thể mua thêm ký thịt, cái bánh chưng”.

Đường Phạm Văn Chiêu, khu vực phường 9 và 12, quận Gò Vấp-TPHCM, được mệnh danh là “chợ CN” bởi ở đây tập trung nhiều cửa hàng bán đồ cho CN. Những năm trước, khoảng 19 giờ trở đi, con đường này nhộn nhịp với cảnh CN tấp nập mua bán đồ chuẩn bị về quê ăn Tết. Thế nhưng, năm nay, dù chỉ còn hơn 10 ngày nữa là Tết, cảnh mua bán thật đìu hiu. Anh Nguyễn Lê Hoàng, chủ tiệm Trầm Hương, chuyên bán ba lô, túi xách, vừa lau chùi bụi vừa than thở: “Chưa năm nào ế như năm nay. Mọi năm, nhà tôi ba bốn người bán hàng không kịp, trung bình mỗi ngày bán hơn 5 triệu đồng, có khi cao điểm cả chục triệu đồng. Năm nay, mỗi ngày bán chưa đến 1 triệu đồng, mình tôi vừa bán vừa ngủ”. Gần một giờ đứng ở cửa hàng của anh Hoàng, chỉ có vài CN ghé xem và chỉ có một CN mua túi xách với giá 50.000 đồng để về quê.

Không chỉ cửa hàng của anh Hoàng, hầu hết các sạp khác cũng chịu cảnh tương tự. Nhiều sạp bày hàng suốt cả tối chẳng có ai ghé mua. Chị Thảo, chuyên bán lược, kẹp tóc, cho biết: “Tiền thuê chỗ cả mấy triệu đồng, rồi tiền điện và các chi phí khác... Vậy mà suốt buổi tối chưa bán được đồng nào”. Hầu hết hàng hóa ở đây đều ghi hạ giá hoặc đại hạ giá. Một vài cửa hàng bán quần áo sơ mi từ 15.000 đồng – 20.000 đồng/cái, hay quần jeans, kaki vài chục ngàn đồng/cái nhưng CN chủ yếu chỉ ướm thử rồi bỏ đi chứ ít có người mua.

Đợi thưởng Tết

Khu chợ tạm trước cổng KCX Linh Trung 1 thu hút khá đông CN với giá cả khá mềm: 50.000 đồng/quần, áo thun 15.000 đồng đến 20.000 đồng/áo, sơ mi tay ngắn 25.000 đồng/áo, áo tay dài 30.000 đồng/áo... Dựng vội chiếc xe đạp bên vệ đường, chị Nguyễn Thị Hiền, Công ty Hugo- KCX Linh Trung 1, dừng lại xem. Sau một lúc xốc tung đống quần áo “thời trang”, chị Hiền chọn được một chiếc áo tay dài và một áo tay ngắn. Lần tay lấy gói tiền được bọc mấy lớp ni lông, chị tần ngần giây lâu rồi trả lại hai cái áo. “Định mua gửi về cho ba và thằng em trai. Nhưng thôi, để xem tiền thưởng thế nào rồi mua luôn”. Chị nói với tôi như vậy rồi vội vã đạp xe đi.

Cũng trong khu chợ tạm ấy, chúng tôi gặp chị Lê Thị Linh, CN Công ty Kollan- KCX Linh Trung 1. Chị than: “Năm nay việc ít, may mà không bị rơi vào thành phần bị cắt giảm. Vợ chồng tôi cũng không có tiền về quê, chỉ tội hai đứa nhỏ trông chờ bố mẹ về quê để ăn Tết”. Với đồng lương còm cõi, mấy tháng nay vợ chồng chị Linh cố gắng cắt giảm mọi khoản chi tiêu để gửi 1 triệu đồng về Thanh Hóa cho bà ngoại và hai con nhỏ ăn Tết. Anh Trần Văn Lý, chồng chị Linh, nói thêm: “Vợ chồng tôi chỉ mua cho hai con mỗi đứa một bộ đồ mới. Nếu quần áo mà cũng không có, bọn trẻ sẽ tủi thân. Vợ chồng tôi ở lại TP thì sao cũng được”.

Theo Nam Dương - Hồng Đào / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.