Trong tờ trình, Bộ Xây dựng cho biết, hiện có khoảng 15% - 20% hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị thực sự gặp khó khăn về chỗ ở. Trong đó, khoảng 1/3 trong tổng số 250 ngàn cán bộ, công chức (chủ yếu sống và làm việc tại các đô thị) chưa có chỗ ở ổn định, phải ở ghép hộ, ở nhờ hoặc ở tạm. Kết quả cuộc khảo sát mới đây cho thấy, trên 30% các hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36m2, khoảng 25% hộ gia đình có nhà ở kiên cố và 19% hộ sống trong những căn nhà tạm bợ, cấu trúc không bền vững được làm từ các nguyên vật liệu rẻ tiền...
Mặc dù nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp ngày càng bức thiết nhưng các doanh nghiệp bất động sản hầu như chỉ chú trọng phát triển các dự án nhà ở thương mại để bán cho các đối tượng có thu nhập cao và các hộ gia đình khá giả theo giá thị trường.
Khuyến khích đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp
Trong tờ trình, Bộ Xây dựng cho rằng, Nhà nước chỉ đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách để cho các đối tượng có mức thu nhập bình quân dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng, thuê để ở. Quỹ nhà ở xã hội cho thuê mua được tạo lập theo hướng xã hội hóa thông qua việc Nhà nước ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng.
Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và bộ ngành liên quan triển khai nghiên cứu thành lập Quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp để tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi để tạo lập và cải thiện nhà. Bộ cũng kiến nghị bổ sung quy định: các đối tượng lao động thuộc mọi thành phần kinh tế trích nộp 3 - 5% thu nhập hằng tháng gửi vào Quỹ đầu tư phát triển nhà theo hình thức gửi tiết kiệm. Các đối tượng tham gia gửi tiết kiệm vào quỹ sẽ được xem xét hỗ trợ, giải quyết nhà ở theo các phương thức đã nói ở trên. Những người không có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở sẽ được cơ quan quản lý quỹ hoàn trả toàn bộ khoản tiền đã đóng góp (kể cả lãi) khi người lao động về hưu hoặc được nghỉ theo chế độ quy định. |
Các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội để cho thuê mua và các dự án phát triển nhà ở giá thấp được hưởng các cơ chế khuyến khích ưu đãi như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua hoặc nhà ở giá thấp; được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất tối đa 1,5 lần so với mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất áp dụng đối với các dự án nhà ở thương mại; áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng bằng 0% đối với các hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội và các hợp đồng mua bán nhà ở giá thấp, áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% đối với thu nhập chịu thuế của các dự án nhà ở xã hội và dự án nhà ở giá thấp…
Ai được thuê, mua nhà ở xã hội?
Theo tờ trình, cán bộ, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và một số đối tượng khác thuộc diện thu nhập thấp theo quy định tại Nghị định 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ được thuê và thuê mua nhà ở xã hội theo phương thức: người thuê nhà phải trả tiền thuê hằng tháng với giá thuê do Nhà nước quy định thông qua hợp đồng ký với bên cho thuê, người thuê mua phải trả trước 20% giá trị căn nhà theo mức giá do Nhà nước quy định, số tiền còn lại phải trả dần trong thời hạn 15 - 20 năm.
Các đối tượng được mua nhà giá thấp bao gồm những người thuộc diện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội nhưng chưa được giải quyết và các đối tượng thu nhập thấp khác thuộc các thành phần kinh tế do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể. Người thu nhập thấp được Nhà nước hỗ trợ về tài chính để mua nhà ở giá thấp thông qua hình thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, quỹ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có) hoặc hỗ trợ bù lãi suất theo quy định của Chính phủ.
Quang Duẩn
Bình luận (0)