Nguy cơ cháy bar, vũ trường

15/01/2009 23:53 GMT+7

Sau vụ hỏa hoạn tại vũ trường Blue (Trung tâm Thương mại quốc tế ITC, TP.HCM) làm chết 60 người vào năm 2001, mới đây nhất là vụ cháy hộp đêm cũng làm chết 60 người ở Thái Lan, những tưởng công tác PCCC tại các quán bar, vũ trường ở TP.HCM sẽ có nhiều chuyển biến. Thế nhưng... Nghe đọc bài

Đợt kiểm tra vừa kết thúc hôm 14.1.2009, theo đó Sở Cảnh sát PCCC đã kiểm tra 55 quán bar, vũ trường, rạp hát, rạp chiếu phim tại các quận: 1, 3, 5, 6, 7, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Tân Phú và huyện Hóc Môn, phát hiện 151 vi phạm. Trong đó, vi phạm về phương tiện chữa cháy có 22 trường hợp, chiếm tỷ lệ cao nhất; kế đến vi phạm lối thoát nạn là 17 trường hợp và 11 trường hợp hệ thống điện không an toàn… Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện một số vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ cháy rất cao, như: thờ cúng, đốt nhang trong vũ trường; ổ điện rớt ra ngoài lòi dây điện nằm sát ghế nệm rất dễ gây cháy; đem bình chữa cháy cất trong hộp kín khi xảy ra sự cố không thể nhìn thấy lấy sử dụng…

Đáng lưu ý, trước khi tiến hành kiểm tra chính thức, cán bộ kiểm tra đã tổ chức đi thị sát "mật" để ghi nhận tình hình. "Khi tôi mặc đồ thường phục đến thị sát vũ trường Caesar trên đường An Dương Vương (Q.5), nhìn mà thấy sợ. Vũ trường nằm trên lầu của chợ An Đông. Chỉ tính nhân viên của vũ trường là khoảng 200 người, chưa tính khách nhưng lối thoát nạn bị chiếm dụng nghiêm trọng. Nếu xảy ra cháy có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản (hàng hóa của chợ An Đông)", một cán bộ của đoàn kiểm tra kể. Tương tự, một cán bộ khác cho biết vào thời điểm ông đến thị sát một quán bar trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), hàng trăm người chen chúc nhau trong một diện tích khá khiêm tốn hơn 100m2. m thanh được mở hết cỡ, nghe xé tai đến nỗi ngồi cạnh nhau nói chuyện cũng không nghe. "Nếu xảy ra cháy, chuông báo động reo lên cũng chẳng có tác dụng gì. Trong khi đó, quán bar được thiết kế trên lầu 1, chỉ có một con đường đi lên bằng cầu thang bộ, đồng thời cũng là lối thoát nạn, không thể nói là đảm bảo an toàn", vị cán bộ này nhận xét.

Kết thúc đợt kiểm tra, đoàn đã lập 20 biên bản vi phạm hành chính, tạm đình chỉ hoạt động của vũ trường Caesar (Q.5) do vi phạm nghiêm trọng các điều kiện an toàn về PCCC. Sở Cảnh sát PCCC cũng xử phạt các đơn vị vi phạm với số tiền hơn 51 triệu đồng, trong đó vũ trường Caesar bị phạt 21 triệu đồng, Galaxy Nguyễn Du 600.000 đồng, Megastar Hùng Vương Plaza 2 triệu đồng, Diamond Cinema 5 triệu đồng, nhà hát Hòa Bình: 600.000 đồng...

"Các quán bar, vũ trường, rạp hát, rạp chiếu phim là loại hình giải trí văn hóa với số lượng người tập trung thường xuyên rất đông và chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Thế nhưng vi phạm thường thấy là mặt bằng chật hẹp nên khi sự cố xảy ra sẽ dẫn đến xô đẩy, chen lấn gây cản trở rất nhiều cho việc thoát hiểm; hệ thống đèn chiếu sáng không đủ cường độ, lối thoát hiểm nhỏ hẹp, sử dụng nhiều loại vật liệu trang trí nội thất khi có cháy sẽ tạo ra lượng khói độc, làm gia tăng yếu tố tác động dẫn đến thiệt hại lớn về người do bị ngạt...", đoàn kiểm tra Sở Cảnh sát PCCC nhận xét chung.

Ngoài ra, đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, còn khuyến cáo: "Các cơ sở nói trên thường lắp đặt các thiết bị chiếu sáng có công suất cao, dễ dẫn đến nguy cơ gây quá tải chập mạch cho hệ thống điện và đây có thể là nguyên nhân gây cháy. Một số chủ cơ sở, dù biết rõ nguy cơ cháy nổ cao nhưng chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với công tác PCCC, vẫn còn chủ quan, tránh né, chậm thực hiện các biện pháp khắc phục về an toàn PCCC vì sợ tốn kém kinh phí đầu tư…".

Trong thời gian tới, lực lượng PCCC TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra đột xuất vào ban đêm, đồng thời phúc tra việc khắc phục các thiếu sót vi phạm PCCC đã kiến nghị trong đợt kiểm tra vừa qua, tập trung vào các trọng tâm: lối thoát nạn, giải pháp phòng ngừa cháy lan, hệ thống điện, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, trang thiết bị phương tiện, khả năng ứng cứu của lực lượng PCCC cơ sở… và kiên quyết xử lý nghiêm, tạm đình chỉ hoặc đề nghị rút giấy phép đối với các cơ sở tái phạm có nguy cơ cháy, nổ cao nhằm răn đe và nâng cao ý thức, trách nhiệm về PCCC cho những người đứng đầu, quản lý điều hành các cơ sở vũ trường, quán bar, rạp hát, rạp chiếu phim.

Những vụ hỏa hoạn lớn gần đây ở các trung tâm giải trí trên thế giới

14.1.2009: 8 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng trong một vụ cháy xảy ra tại một quán bar-karaoke dưới tầng hầm ở quận Yongdo của thành phố Busan (Hàn Quốc). Vụ cháy xảy ra do chập điện, và quán bar có dấu hiệu lơi lỏng trong việc phòng cháy chữa cháy và không có đủ phương tiện chữa cháy.

31.12.2008: 65 người thiệt mạng và ít nhất 212 người bị thương trong vụ cháy hộp đêm Santika ở Bangkok (Thái Lan). Nguyên nhân vụ cháy chưa được xác định rõ. Nhiều nhân chứng cho biết đám cháy do pháo bông hoặc loại pháo có bắn ra hàng loạt tia lửa bên trong hộp đêm gây ra. Cũng có người cho rằng nguyên nhân vụ cháy là do chập điện.

20.9.2008: 43 người thiệt mạng và 88 người bị thương trong vụ cháy tại hộp đêm Wuwang ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Hộp đêm được xây dựng không phép và không đạt chuẩn. Hỏa hoạn bắt đầu từ một màn biểu diễn trên sân khấu có sử dụng pháo bông, làm cháy trần nhà và gây mất điện, khiến những người dự hộp đêm giẫm đạp lên nhau tìm lối thoát.

19.4.2008: 15 người chết và 35 người khác bị thương trong vụ hỏa hoạn tại một hộp đêm ở Quito (Ecuador). Vụ cháy xảy ra sau khi có người bắn pháo bông bên trong hộp đêm, lúc đó có khoảng 300 người đang xem trình diễn nhạc rock. Các lối ra vào đều bị khóa bằng khóa móc khi hỏa hoạn xảy ra, buộc lực lượng cứu hỏa phải phá tường cứu người. Đây là vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất trong 10 năm qua ở Quito, nơi các nhà hàng và câu lạc bộ thường thiếu những lối thoát hiểm để sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

Trùng Quang
(Theo AP, AFP, Reuters)

Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.