Vỡ mộng du học vì đồng won mất giá

16/01/2009 08:56 GMT+7

Cuộc khủng hoảng tài chính đã hạn chế nhu cầu du học vốn rất phổ biến tại Hàn Quốc thời đồng won mạnh.

Lẽ ra Seo Ji Won đã theo đuổi học vị tiến sĩ tại Mỹ để tìm được một công việc lương cao như dự tính nhưng cô sinh viên vừa tốt nghiệp đại học 26 tuổi này vẫn còn làm việc bán thời gian trong một quán cà phê ở Seoul (Hàn Quốc) do tình thế bắt buộc. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến đồng won của Hàn Quốc mất giá đến 1/3 chỉ trong mấy tháng qua, làm chi phí học tập của cô tăng thêm 10.000 USD, cao hơn quá xa so với khoản tiền cô dành dụm được. Seo nói: “Tôi hiện trong tình trạng chờ thời. Tương lai của tôi còn tùy theo đồng won có tăng trở lại hay không”.

“Bong bóng du học” xì hơi

Trong vài năm qua, việc du học hầu như là điều kiện bắt buộc của gia đình học sinh trung lưu trong một đất nước vốn luôn bị sức ép gay gắt trong cạnh tranh về việc học và việc làm. Đời sống kinh tế cao, đồng won mạnh trong thời gian dài vừa qua đã thúc đẩy nhiều phụ huynh cho con em du học tiếng Anh hoặc tìm một bằng cấp uy tín ở nước ngoài với hy vọng con cái của họ dễ chen chân vào thị trường lao động khắc nghiệt hoặc giúp chúng thoát ra khỏi hệ thống giáo dục luôn bị sức ép cao tại Hàn Quốc.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trong năm 2007 đã có khoảng 350.000 bạn trẻ Hàn Quốc du học, phần lớn ở bậc đại học nhưng cũng có các cấp học khác, thậm chí tiểu học và nhà trẻ. Số lượng sinh viên, học sinh Hàn Quốc được ghi nhận đông nhất tại Mỹ, hơn cả Trung Quốc là nước có dân số đông gấp 27 lần Hàn Quốc. Giám đốc điều hành cơ sở tư vấn du học Uhak.com Choi Won Seok nhận định: “Đồng won mạnh khiến chuyện cho con du học rất dễ dàng đối với nhiều gia đình. Hàn Quốc đã trải qua thời kỳ bong bóng du học”. Nhưng hiện “bong bóng du học” như trước đã xì hơi. Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo rằng số lượng học sinh trung học và tiểu học du học đã giảm hồi tháng 10-2008, giảm lần đầu tiên kể từ khi bộ lập số liệu về vấn đề này 10 năm trước đây. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết chi tiêu cho việc du học năm 2008 giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á hồi năm 1997.

Du học thời khó khăn

Nếu so sánh giữa đồng won và USD, chi phí du học gồm tiền ăn, ở, đi lại, mua sắm... đã tăng 50% trong vòng vài tháng qua. Giá trị trung bình của đồng won khoảng 900 won/USD vào giữa năm 2008 hiện đã lên đến khoảng 1.370 won/USD. Ngoài số sinh viên bỏ hẳn ước mơ du học, một số khác tìm đến các trường ít uy tín hơn để thay thế các đại học lớn ở Mỹ hoặc châu u như mơ ước trước đó. Một số khác chỉ theo học các khóa ngắn hạn để học tiếng Anh hay ngoại ngữ khác. Năm ngoái, đã có khoảng 150.000 người đi học dạng này. Năm nay con số này có thể giảm từ 30% đến 40%. Tuy nhiên, có trường hợp như Kang Youn Mo, sinh viên chuyên ngành tiếng Pháp 24 tuổi, đã bỏ kế hoạch đi Pháp hơn hai tháng vì cô cảm thấy thời gian này quá ít để cô có thể nói giỏi tiếng Pháp như các bạn khác từng du học tại Pháp. 

Cô Lee Min Hye, 22 tuổi, học chuyên ngành công nghiệp sinh học tại Đại học Yonsei ở Seoul chọn giải pháp thay thế. Lúc đầu cô dự tính theo học tiếng Anh ở thành phố Boston (Mỹ) nhưng sau đó đành phải chọn một trường học ở Sydney (Úc) vì cô cho rằng chi phí ở Úc rẻ hơn ở Mỹ khoảng 40%, phù hợp hơn với tiền lương kỹ sư điện tử của cha cô. Tuy nhiên, cô Lee vẫn e ngại không cạnh tranh nổi với các bạn được học tại các trường đại học có uy tín quốc tế để tìm kiếm việc làm. Một số khác đi học tiếng Anh ở những quốc gia thường sử dụng tiếng Anh nhưng chi phí học tập rẻ hơn như Nam Phi hoặc Malaysia. 

Giáo sư Oh Ookwhan lo ngại rằng cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài càng khoét sâu sự bất bình đẳng do giới thượng lưu vẫn gửi con ra nước ngoài học mà không e ngại hao tốn chi phí, tiếp tục giữ vị thế cao hơn trong xã hội Hàn Quốc.

Theo Trúc Lâm / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.