Có trường hợp trẻ bị điện giật do người lớn thay bóng đèn bàn thời Thần tài và Thổ địa mà không ngắt điện.
Hóc dị vật và hóc xương
Thạc sĩ-bác sĩ Đinh Thạc, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết vào những ngày Tết, các loại thức ăn bày biện nhiều màu sắc như mứt, hạt dưa, hạt bí, đậu phộng... rất hấp dẫn trẻ, có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tắc nghẽn đường thở. Dị vật đường thở thường gặp ở trẻ lứa tuổi ăn giặm đến khoảng 3 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hay tò mò, thích nhét các loại đồ vật lạ vào miệng hoặc mũi, vì phản xạ đóng, mở thanh quản để bảo vệ đường thở chưa hoàn thiện nên trẻ rất dễ bị dị vật xâm nhập đường thở, gây khó thở đôi khi dẫn đến tử vong. Triệu chứng ban đầu bé thường ho sặc tím tái, giãy giụa, nghẹn thở thoáng qua. Sau đó bắt đầu khó thở, khò khè và ho. Nếu gặp tình huống trên nên cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Để phòng ngừa tai nạn nguy hiểm này, phụ huynh phải hết sức cẩn thận khi cho trẻ ăn các loại trái cây và đặc biệt dạy trẻ tránh ngậm đồ chơi vào miệng.
Theo thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Trương Khương, Khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 1, hóc các loại xương như xương cá, xương heo, xương gà cũng là những cấp cứu thường gặp vào những ngày Tết. Nguyên nhân là do trẻ ăn vội vàng vì ham chơi (trẻ lớn) hoặc do người lớn chuẩn bị thức ăn cho trẻ không kỹ (trẻ nhỏ). Ngoài ra, cần lưu ý các bà mẹ có thói quen hầm xương heo để nấu cháo: trong khúc xương heo thường có dính những mảnh xương vụn, những mảnh xương này sẽ rơi ra khỏi khúc xương lớn khi nấu chín, trong lúc vội vàng, bà mẹ chỉ vớt khúc xương lớn ra mà quên lọc những mảnh xương nhỏ này. Trong trường hợp phải mua cháo nấu sẵn cho trẻ ăn cũng đừng quên phải lọc xương cẩn thận. Triệu chứng là bé than đau cổ, không uống, không nuốt được ngay sau khi ăn. Những trường hợp này, phụ huynh cần đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để thăm khám, chụp X-quang. Điều tránh tuyệt đối là không được dùng tay móc họng trẻ vì có thể làm trầy xước hoặc rách các cấu trúc trong họng, miệng hoặc làm dị vật đi vào sâu hơn.
Đề phòng tai nạn điện Nhà có trẻ con thì ổ cắm điện thường được đặt trên cao hoặc che chắn kỹ, nhưng trong những ngày cuối năm, do phải kéo lại tủ, kê lại bàn, dọn dẹp nhà cửa, quét vôi, sơn tường... nên những ổ cắm điện này lộ ra và là đối tượng khám phá của trẻ con. Các dây điện sờn tróc vỏ bọc, các dụng cụ điện dù không ở tình trạng đang sử dụng nhưng lại không ngắt điện, các thiết bị điện đang sửa chữa, thay thế... đều tiềm ẩn nguy cơ cho trẻ con. Đã có trường hợp khi thay bóng đèn bàn thờ ông Thần tài, Thổ địa đặt dưới đất mà không ngắt điện, trong lúc chưa kịp lắp bóng đèn mới vào thì một cháu bé còn ở tuổi tập đi đã tò mò sờ vào chuôi đèn nên bị điện giật. |
Nhiều tình huống gây phỏng cho trẻ
Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường, Trưởng Khoa Phỏng - Chỉnh hình BV Nhi Đồng 1, cho biết tai nạn phỏng từ thức ăn nóng vừa chế biến cũng thường gặp vào dịp Tết do trẻ em vốn hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh, nhất là trẻ vừa chập chững biết đi, việc nấu nướng tiệc tùng trong những ngày đầu Xuân cũng có thể là mối nguy hiểm về phỏng ở trẻ nhỏ. Trẻ chạy chơi gần bếp vướng phải người lớn đang bưng nước hay thức ăn nóng hoặc đun nấu. Hoặc trẻ vấp phải vật dụng đựng nước hoặc thức ăn nóng để dưới đất, kéo khăn trải bàn mà trên đó có đồ vật nóng nên vật nóng đổ vào người. Người lớn cũng bất cẩn khi pha nước nóng tắm cho trẻ; trẻ tự điều chỉnh máy nước nóng trong nhà tắm... Vì vậy, nên giữ trẻ cẩn thận, cách xa những tác nhân có thể làm cho trẻ bị phỏng. Nếu lỡ không may bị phỏng nên sơ cứu tại chỗ bằng cách hạ nhiệt độ vùng da bị phỏng với nước lạnh, không nên bôi gì lên vết phỏng trước khi chuyển trẻ đi BV. Theo thống kê của Khoa Phỏng - Chỉnh hình BV Nhi Đồng 1, gần 80% bệnh nhi phỏng do tiếp xúc với nước sôi và hầu hết là do sự bất cẩn của người lớn. Phỏng không chỉ đau đớn và nguy hiểm mà còn để lại hậu quả lâu dài về chức năng, thẩm mỹ và tâm lý.
Ngoài ra, theo thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Trương Khương, ngày Xuân, nước tro tàu thường dùng ngâm các vật liệu để làm các loại bánh và các loại dưa là một thủ phạm nguy hiểm khi trẻ uống nhầm vì loại nước này thường trong như nước uống nhưng có tính kiềm rất mạnh. Khi trẻ uống vào sẽ gây phỏng nặng niêm mạc và thực quản. Hậu quả thường gây teo hẹp thực quản.
Theo Tịnh Minh / NLĐ
Bình luận (0)