“Điều gì cũng có thể trở thành sự thật”
Với tài hùng biện của bậc thầy, Barack Obama lại làm cho con tim của hàng chục triệu người dân Mỹ như muốn vỡ tung ra khi ông phát biểu tại buổi biểu diễn văn nghệ hoành tráng quy tụ U2, Beyonce, Brice Springsteen vào hôm 19.1…, một trong hàng loạt sự kiện rầm rộ chào mừng ngày ông nhậm chức tổng thống vào 20.1.
Người ta đang mong đợi rất nhiều vào Obama - Ảnh: AFP |
“Bất chấp những công việc khắc nghiệt ở phía trước, hôm nay, tôi đứng đây tràn trề hy vọng rằng nước Mỹ sẽ chịu đựng và vượt qua tất cả, rằng giấc mơ của tổ tiên chúng ta sẽ trở thành hiện thực trong thế hệ của chúng ta”, hãng tin Reuters dẫn lời Obama phát biểu trước hàng chục ngàn người hâm mộ đứng chật kín quãng đường từ Đài tưởng niệm Lincoln cho tới Bảo tàng Washington, bất chấp tiết trời lạnh lẽo, u ám của những ngày giữa tháng giêng.
“Ở nước Mỹ này, điều gì cũng có thể trở thành sự thật”, Obama đã lại một lần nữa làm cho tinh thần Mỹ trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng đám đông cuồng nhiệt.
BBC đưa tin một chiến dịch an ninh vô tiền khoáng hậu đang được triển khai ở Washington trước thềm lễ nhậm chức tổng thống của Obama, sự kiện dự kiến sẽ lôi kéo đến hai triệu người tham dự.
Tất nhiên, cả hai triệu người thì chẳng chứa vào đâu được trong tòa nhà quốc hội, nơi Obama sẽ đặt tay lên cuốn Kinh Thánh mà tuyên thệ nhậm chức, nhưng họ sẽ đứng trên quãng đường dài đến cả ba km từ Quốc hội cho đến Đài tưởng niệm Lincoln.
Hàng loạt những thách thức
Bước vào Nhà Trắng, Obama sẽ được chào đón bởi những điều gì? Trước mắt là những “lời chào” không được nồng nhiệt cho lắm: hai cuộc chiến tranh, suy thoái kinh tế, xung đột leo thang ở Trung Đông, rắc rối quanh nhà tù Guantanamo, Iran, CHDCND Triều Tiên…
Vẽ mặt nạ Obama để bán tại một nhà máy ở Nhật - Ảnh: Reuters |
Hãy đề cập đến một trong những chuyện mà Obama đã quyết định dứt khoát: sẽ đóng cửa nhà tù đầy tai tiếng Guantanamo ở ngoài khơi Cuba, “đứa con đẻ” của vị tổng thống chỉ còn 24 tiếng trên ghế quyền lực George Bush.
Đây là nơi giam giữ những người bị bắt trong chiến dịch chống khủng bố của Mỹ trên toàn cầu, những phần tử mà ông Bush chẳng dám rủi ro đem về đất Mỹ mà “chứa chấp”, thay vào đó giam giữ họ hoàn toàn tách biệt với luật pháp Mỹ, không cho họ được xét xử, để cho họ bị ngược đãi, bị nhốt trong những điều kiện khắc nghiệt…. Ngay cả nhiều chính khách Mỹ cũng không ngại gọi đây là viết nhơ của nước Mỹ. Và ông Obama đã quyết định xem việc xóa sổ “vết nhơ” đó là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông.
Người ta có thể nghĩ rằng chỉ vài tuần hay nhiều nhất là dăm ba tháng, ngôi nhà tù đầy tai tiếng này chỉ còn là chuyện của quá khứ. Nhưng hãy đợi mà xem, giới chuyên môn cho rằng điều này phải mất ít ra là cả năm. Reginald Dale, một chuyên gia cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington còn đặt ra một câu hỏi khác khiến ông Obama có thể phải nấn ná trong chuyện đóng cửa Guantanamo: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ (chính quyền Mỹ) bất ngờ tóm được Osama bin Laden. Họ sẽ nhốt ông ta ở đâu?”.
Giải quyết hai cuộc chiến mà nước Mỹ đang tham gia là một rắc rối còn “dài hơi” hơn. Giữa chiến dịch tranh cử, Obama đã hứa sẽ rút hết mọi lực lượng chiến đấu ở Iraq trong vòng 16 tháng tính từ ngày nhậm chức. Nhưng đồng thời, Obama cũng hứa sẽ tập trung vào Afghanistan. Sẽ rất khó để thực hiện lời hứa này vì sẽ chẳng có mấy nước đồng minh của Mỹ sẵn lòng đưa quân đến đây nữa.
Giải quyết hậu quả khủng hoảng tài chính ra sao?
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu vào thời ông Bush nhưng người phải giải quyết hậu quả sẽ là Obama. Và cả thế giới này dường như đang đặt mọi kỳ vọng vào người đàn ông trẻ tuổi sẽ lèo lái nền kinh tế lớn nhất hành tinh.
Người hâm mộ Obama đổ ra đường trong buổi văn nghệ chào mừng lễ nhậm chức - Ảnh: AFP |
Thủ tướng Anh Gordon Brown và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều tuyên bố họ tin chắc rằng chính quyền Obama sẽ thành công trong việc cùng bắt tay với châu u và Trung Quốc để xây dựng một nền kinh tế toàn cầu khỏe khoắn hơn.
Thủ tướng Thụy Điển Gredrik Reinfeldt cũng không tiếc lời ca ngợi Obama: “Tôi nghĩ sẽ rất khó để tìm được một vị tổng thống Mỹ hội đủ những yếu tố đáng mong đợi như ở Barack Obama”.
Trong khi đó, AP dẫn lời chuyên gia Dale cho rằng người ta đang mong chờ quá mức ở Obama và điều này thì đồng nghĩa với việc thiên hạ sẽ phải thất vọng.
Thực tế là dưới thời Obama, nước Mỹ sẽ phải tìm mọi cách để hạn chế số người mất nhà ở và mất việc làm. Để làm được điều đó, Mỹ có thể sẽ phải cắt giảm các khoản tiền việc trợ nước ngoài khá là hào phóng mà lâu nay vẫn làm.
Một bà cụ 72 tuổi ở Stockholm (Thụy Điển) phát biểu với AP: “Tôi thấy rất tội nghiệp cho những người nghèo. Người ta muốn ông ấy (Obama) như là một vị cứu tinh, giống như là Đấng cứu thế vậy. Anh không thể chỉ đơn giản trở thành tổng thống rồi thay đổi tất cả khi anh không có tiền được!”.
Và bên cạnh những giới hạn về chuyện tiền bạc giữa thời khủng hoảng kinh tế, rõ ràng Obama còn bị khống chế bởi Quốc hội, bởi cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa đảng Dân chủ của ông với bên Cộng hòa.
Mà cũng không cần phải đợi lâu, những tiếng nói bất mãn với Obama đã vang lên đây đó.
Thế giới Hồi giáo đã tỏ ra căm phẫn khi Obama không hòa chung với thế giới lên án Israel - một đồng minh thân cận của Mỹ - trong chiến dịch quân sự đẫm máu ở Dải Gaza, “câu giờ” rằng ông sẽ không phát biểu nhiều về vấn đề này cho đến khi nhậm chức.
Đoan Nhật
Bình luận (0)