Có "mồi" cho nợ quá hạn

21/01/2009 14:08 GMT+7

Thông tin về gói hỗ trợ kích cầu chủ yếu dưới hình thức cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đã được công bố, nhưng có nhiều vấn đề đang đặt ra về hiệu quả của gói kích cầu này.

Mục đích của Chính phủ bù lãi suất (LS) là hỗ trợ cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn tổ chức tín dụng (TCTD): DN giảm bớt khó khăn, tiếp cận được với nguồn vốn NH với chi phí hợp lý. Tạo động lực cho TCTD mở rộng hoạt động huy động vốn và cung ứng vốn cho nền kinh tế... nhưng còn một loạt vấn đề phải được cân nhắc, xử lý để việc bù LS thực sự đem lại hiệu quả và đúng mục đích.

NHTM nào được cho vay cấp bù LS?

Có một số ý kiến cho rằng cũng như nhiều dự án, chương trình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khác, bù LS lần này có lẽ lại được chỉ định cho các ngân hàng (NH) thương mại nhà nước (NHTMNN). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dư nợ cho vay DNNVV chiếm từ 60% - 85% dư nợ cho vay của các NHTM cổ phần (NHTMCP).

Bên cạnh đó, DN - khách hàng của NHTMCP nhìn chung ở tình trạng khó khăn hơn các DN - khách hàng của NHTMNN vì nhiều DN không đủ điều kiện vay được ở NHTMNN (nơi có mức LS thấp hơn) mới phải tìm đến vay NHTMCP. Vì vậy, nên để các NHTMCP cũng được tham gia cho vay cấp bù LS.

PGĐ khối khách hàng DNNVV của một NHTMCP ở HN nói: "NHTMCP khó khăn hơn các NHTMNN về giá vốn đầu vào. Bình quân LS huy động của các NHTMCP cao hơn từ 1% đến gần 3%. NHTMNN có những nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi của các DNNN, các tập đoàn và vốn uỷ thác của các tổ chức tài chính quốc tế. Được cho vay cấp bù LS sẽ hỗ trợ các NHTMCP cải thiện tình hình cho vay DNNVV và cải thiện một phần tình hình tài chính của mình. Bên cạnh đó cũng thể hiện chính sách bình đẳng giữa các loại hình DN của Nhà nước".

Thận trọng khi chọn DN được cấp bù LS

Ngay từ cuối năm 2008, khi thông tin về việc Chính phủ có chủ trương cấp bù LS, rất nhiều DN quan tâm đến vấn đề này. Hầu như DN nào cũng có ý định được vay cấp bù LS, đặc biệt là các DN đang có các dự án đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất nâng cao năng lực kinh doanh dở dang, đầu tư phát triển hạ tầng, DN kinh doanh trong lĩnh vực thương mại và XNK do không tiêu thụ được hàng hoá, gặp vướng mắc trong huy động vốn, không đủ điều kiện vay NH... Số vốn mỗi DN xin vay phần lớn từ hàng chục đến trăm tỉ đồng.

TGĐ một NHTMCP nói: "Nghe tin được Chính phủ cấp bù LS, một số DN tuy nhu cầu vốn chưa cấp bách nhưng vẫn đến đặt vấn đề xin vay với ý định được thì được, không được thì thôi". Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên quá đặt kỳ vọng vào việc cấp bù LS sẽ giải quyết được tình hình khó khăn của các DN.

Theo nhiều DN và NH thì khó khăn lớn nhất hiện nay là khó tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm do XK và nhu cầu nội địa giảm mạnh. Vì vậy, vấn đề cốt lõi cần giải quyết là mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá chứ không phải là vấn đề LS.

Theo lãnh đạo một chi nhánh Vietcombank thì cho dù kết quả kinh doanh của DN có tạm thời lỗ, nhưng nếu xét thấy DN vẫn có đầu ra NH vẫn mạnh dạn cho vay, nhưng nếu thấy khả năng DN không tiêu thụ được hàng hoá thì rất ngại.

Một số ý kiến cho rằng, nếu việc cấp bù LS "rải mành mành" đều cho các DN thì dễ bị nguy cơ "mồi" cho nợ quá hạn của NH nói riêng, nền kinh tế nói chung gia tăng. Đối với các DN có thị trường ổn định, kinh doanh trong những ngành nghề có thị trường, khả năng tự chủ tài chính tương đối tốt, hay các DN có uy tín, thương hiệu, thị phần riêng, thị trường ít bị ảnh hưởng do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới... thì việc cấp bù LS vay sẽ hỗ trợ giảm bớt phần nào chi phí cho các DN vượt qua khó khăn hiện thời.

Nhưng đối với các DN không có khả năng duy trì kinh doanh và hoàn trả khoản vay, hàng hoá còn tồn đọng nhiều, một số dự án đầu tư mở rộng dở dang nay nếu đổ vốn để hoàn thành thì cũng không thể đưa vào sản xuất vì không có thị trường... thì việc cấp bù LS có thể chỉ giúp các DN này vay được vốn để trang trải nợ nần và chi phí hoạt động. Một số NH nhận xét có những DN cho dù được vay vốn với LS 0% cũng không thể giải quyết được khó khăn, mà nhiều khả năng mất vốn hoặc trở thành nợ quá hạn.

Nâng cao trách nhiệm thu hồi nợ của các NHTM

Vì chưa có chỉ định cụ thể nên cũng chưa biết được các yêu cầu (hạn mức, chỉ số tài chính, yếu tố về quản trị...) của các NHTM đối với khách hàng và khoản vay được cấp bù LS thế nào?

Tuy nhiên, ngay bản thân một số lãnh đạo NH khi được hỏi về vấn đề này cũng nói rằng cần phải xác định rõ việc cấp bù LS là hỗ trợ của Chính phủ chứ không phải là vấn đề "tháo khoán" vốn. Cần nâng cao trách nhiệm thu hồi vốn của các NH khi cho vay các khoản cấp bù LS, tránh tình trạng lạm dụng chủ trương của Chính phủ để đẩy vốn ra tràn lan, không hiệu quả.

Những bài học về cho vay ưu đãi để lại hậu quả nợ quá hạn, nợ tồn đọng không xử lý được trong quá khứ vẫn còn nguyên giá trị.

Theo Trường Giang / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.